Các cổ đông lớn rầm rập chuyển nhượng

Thứ hai, 20/02/2012, 09:51
Hoạt động chuyển nhượng giữa các nhóm nhà đầu tư lớn trên thị trường chứng khoán được dự báo sẽ rất sôi động.


 

Trong lĩnh vực ngân hàng, một trong những tâm điểm được nhiều nhà đầu tư chú ý là những động thái của cổ đông lớn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Thời gian qua, một loạt động thái chuyển nhượng của các cổ đông lớn Sacombank đã diễn ra.

Từ đầu năm 2012 đến nay, nhiều cổ đông lớn gắn bó lâu dài với Sacombank đã chính thức nói lời chia tay. Theo đó, Ngân hàng ANZ đã chuyển nhượng toàn bộ 9,6% cổ phần họ nắm giữ tại Sacombank cho Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB). Ông Alex Thursby, Tổng giám đốc ANZ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và châu Mỹ cho biết, ANZ đã thiết lập quan hệ hợp tác với Sacombank từ năm 2005, mối quan hệ này đã mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên trong suốt 6 năm.

Không chỉ ANZ, nhiều cổ đông lớn khác từng gắn bó lâu dài với Sacombank cũng đã quyết định rút vốn như Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), Công ty cổ phần Đường Biên Hòa (BHS), Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - Sacomreal (SCR). Cả 3 công ty này đều là những doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Trong khi đó, tháng 2/2012, gần 160 triệu cổ phiếu Vincom cũng đã được đưa lên giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM. Đây cũng là kết quả của một thương vụ mua bán được đánh giá là lớn nhất trong vòng 1 năm qua giữa các đại gia ngành bất động sản là Công ty cổ phần Vinpearl và Tập đoàn Vincom. Thương vụ được thực hiện dưới sự “mai mối” của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC). Sau khi sáp nhập, Vincom đã đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (Vingroup JSC hay còn gọi là Vingroup) và trở thành doanh nghiệp hoạt động đa ngành.

Theo một số chuyên gia tài chính, các hoạt động mua bán của các cổ đông lớn trên thị trường chứng khoán năm 2012 có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, từ việc mua cổ phiếu với khối lượng lớn để tham gia hoạt động quản trị của doanh nghiệp đến hoạt động mua lại toàn bộ công ty.

Ông Đặng Doãn Kiên, Trưởng đại diện Quỹ đầu tư Aureos tại Việt Nam nhận định, các thương vụ mua bán trong ngành ngân hàng năm 2012 sẽ không sôi động như bất động sản hay hàng tiêu dùng. Lý do là, đầu tư vào hoạt động ngân hàng vướng rất nhiều khung pháp lý, cũng như giới hạn sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Nhìn lại diễn biến mua bán của các cổ đông lớn trong năm 2011, ngoài các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, ngành hàng tiêu dùng cũng là lĩnh vực được “đại gia” hướng đến. Một trong những thương vụ mua bán được quan tâm cuối năm 2011 trong lĩnh vực hàng tiêu dùng là việc Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) mua hơn 50% cổ phần VCF của Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa.

Thương vụ mua lại cổ phần VCF của Masan Consumer được dư luận khá quan tâm do số lượng cổ phiếu mua bán lên tới hơn 13,32 triệu cổ phiếu, tương đương  50,11% vốn điều lệ của công ty mục tiêu (Vinacafé Biên Hòa). Theo đại diện Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, sau khi mua cổ phần của Vinacafé Biên Hòa, Masan vẫn sẽ tiếp tục phát triển các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh hiện tại của Vinacafé Biên Hòa và phát triển các mặt hàng mới có tính cạnh tranh cao.

Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh tình hình một số quỹ đầu tư đang có nhu cầu thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp, đây sẽ là cơ hội cho một số “đại gia” mới vào tiếp quản. Do đó, trong năm 2012, các hoạt động mua bán trên thị trường chứng khoán sẽ diễn ra theo xu hướng gia tăng nhiều thương vụ mua bán lớn.

Theo Báo Đầu Tư

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn