Hệ lụy khi châu Âu "thắt lưng buộc bụng" chặt hơn

Chủ nhật, 19/02/2012, 15:03
Vốn đang áp dụng chính sách tiết kiệm và hạn chế chi tiêu để giảm bớt gánh nặng nợ công, nay chính phủ nhiều nước châu Âu còn "thắt lưng buộc bụng" chặt hơn nữa để tránh nguy cơ vỡ nợ quốc gia. Tuy nhiên, việc thắt chặt hầu bao quá mức đã làm nảy sinh nhiều hệ lụy, trong đó có "báo động đỏ" về tình trạng số người nghèo ở châu Âu tăng vọt.

Ngày càng nhiều người châu Âu khó tìm việc làm.


Cơ quan thống kê quốc gia I-ta-li-a (ISTAT) vừa xác nhận, nền kinh tế lớn thứ ba ở Khu vực đồng ơ-rô (Eurozone) đã chính thức rơi vào suy thoái do sự sụt giảm về các hoạt động công nghiệp và sự trì trệ trong khu vực dịch vụ. Nền kinh tế I-ta-li-a trong quý 4-2011 đạt mức tăng trưởng âm 0,7% so với quý 3 và tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2011 chỉ đạt 0,4%, mức thấp nhất trong số các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương I-ta-li-a cho biết, nợ công của nước này đã tăng thêm 55 tỷ ơ-rô trong năm 2011, lên tới gần 1.900 tỷ ơ-rô. Ðể ổn định nền tài chính công và cân bằng tình trạng thâm hụt ngân sách vào năm 2013, I-ta-li-a đang tăng cường các biện pháp tiết kiệm mạnh mẽ hơn, sau gói "thắt lưng buộc bụng" trị giá 30 tỷ ơ-rô của Thủ tướng I-ta-li-a M.Môn-ti công bố sau khi nhậm chức tháng 11-2011.

Tại Hy Lạp, một trong những tâm điểm của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, chính phủ đã thông qua thỏa thuận về những biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mà Liên hiệp châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) yêu cầu A-ten phải thực hiện để nhận được gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ ơ-rô từ các thể chế này. Thủ tướng Hy Lạp L.Pa-pa-đê-mốt thừa nhận, A-ten đang trải qua một trong những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại của nước này. Tăng trưởng kinh tế giảm 16% so với thời kỳ đỉnh cao năm 2008, trong khi các kế hoạch cắt giảm chi tiêu ngân sách nhà nước không thể tránh khỏi sẽ khiến kinh tế nước này tiếp tục giảm tốc.

Trong khi đó, các Chính phủ Áo và Tây Ban Nha cũng đã đề ra các biện pháp thắt chặt tài chính hơn nữa. Áo đã thông qua gói biện pháp hạn chế chi tiêu và tăng thuế nhằm thu về 26,5 tỷ ơ-rô trong năm năm tới. Theo đó, sẽ tăng thuế và cắt giảm chi phí đáng kể đối với người nhận trợ cấp, người nhận lương hưu và các quan chức trong khu vực nhà nước... Chính phủ Tây Ban Nha cũng nỗ lực cải cách thị trường lao động, trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp hiện lên mức 23%, gấp đôi mức trung bình của châu Âu. Trước đó, Pháp và Bỉ cũng đã thực hiện một loạt biện pháp cải cách và tiết kiệm nhằm vực dậy nền kinh tế. Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di đã công bố tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 19,6% hiện nay lên 21,2%, bắt đầu từ tháng 10 năm nay; áp thuế giao dịch tài chính ở mức 0,1%, bắt đầu từ tháng 8 tới; giảm lương thông qua giảm giờ làm... Bỉ cũng vừa áp dụng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới nhằm tiết kiệm chi tiêu 11,3 tỷ ơ-rô trong ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, cùng với việc thắt chặt hầu bao và giảm an sinh xã hội, số người nghèo ở châu Âu đang tăng vọt khiến cho làn sóng biểu tình phản đối chính phủ cũng dâng cao. Tại Hy Lạp, hàng nghìn người dân tiếp tục xuống đường phản đối các quyết định thắt lưng buộc bụng của chính quyền. Khoảng 300 nghìn người từ khắp Bồ Ðào Nha cũng đã đổ về Thủ đô Li-xbon biểu tình phản đối tình trạng thất nghiệp, cắt giảm lương, cắt giảm ngân sách dành cho y tế và giáo dục, tăng thuế..., do chính phủ thực hiện cắt giảm chi tiêu để đổi lấy khoản tín dụng 78 tỷ ơ-rô từ EU và IMF. Những người biểu tình cáo buộc chính phủ "hy sinh" quyền lợi của những người làm việc trong khu vực công, để củng cố tài chính công, vốn bị suy yếu do chi tiêu quá nhiều cho an sinh xã hội và các dịch vụ khẩn cấp.

Hệ luỵ lớn nhất đối với việc gia tăng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" của châu Âu hiện nay là số người nghèo tăng vọt. Hiện khoảng một phần tư dân số tại EU có nguy cơ lâm vào tình trạng nghèo đói hoặc không hội nhập được với xã hội, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở EU hiện cao kỷ lục, với hơn 23 triệu người không có việc làm. Theo báo cáo của Ủy ban châu Âu (EC) về việc làm và những tiến bộ xã hội tại châu Âu, 115 triệu người châu Âu (23,4% dân số EU) sống trong các hộ gia đình có mức thu nhập dưới mức nghèo khó. Trong khi đó, tại 13 nước EU, số người nghèo đã tăng nhanh so với năm 2009, đặc biệt là Tây Ban Nha (từ 23,4% lên 25,5%) và Lít-va (từ 29,5% lên 33,4%).

Khủng hoảng nợ công tại nhiều nước ở châu Âu đã làm lộ ra những bất ổn xã hội, đồng thời cho thấy một bức tranh tương phản đậm nét về hố ngăn cách giàu nghèo trong nội khối này với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Luých-xăm-bua, quốc gia giàu nhất trong khối, gấp sáu lần Bun-ga-ri. Theo các nhà phân tích, châu Âu cần có một chính sách kinh tế, việc làm và xã hội hợp nhất để bảo đảm sự phục hồi việc làm dài hạn trong bối cảnh triển vọng kinh tế không sáng sủa.

Theo Nhân Dân

Các tin cũ hơn