ảnh internet
“Bức tranh kinh tế năm 2012 vẫn mang nhiền gam màu u ám, nhưng trong đó vẫn có thể tìm được những cơ hội”, TS Lê Đăng Doanh đã mở đầu phần phát biểu của mình như vậy trong Ngày hội của các NĐT kéo dài 10 giờ đồng hồ tổ chức ngày 16/2 tại TP. HCM.
Thách thức: Nhìn từ nhiều phía
Sự thận trọng của TS. Lê Đăng Doanh xuất phát từ việc các tổ chức dự báo hàng đầu đều ra các kịch bản thận trọng về triển vọng kinh tế năm 2012. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ xấu hơn năm 2011, các đầu tầu lớn như Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc… đều đang có các vấn đề riêng chưa thể giải quyết triệt để. Điều này gây ra hệ lụy làm chậm lại các dòng vốn đầu tư trên toàn cầu và ảnh hưởng không nhỏ tới sức mua của các thị trường tiêu thụ lớn.
Việt Nam là quốc gia vẫn tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và đầu tư sẽ đối diện với thách thức không nhỏ trong năm 2012. Theo phân tích của ông Lê Đăng Doanh, các tín hiệu sớm đã bộc lộ ngay từ đầu năm khi các thống kê cho thấy, số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trong tháng 1/2012 chỉ đạt 37,5 triệu USD, bằng 2,5% cùng kỳ năm trước. Số liệu thống kê cho thấy Việt Nam xuất siêu nhưng tín hiệu này không đáng mừng do khoảng cách tạo nên do việc giảm nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị - một biểu hiện của đình đốn sản xuất. Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012 cao hơn năm 2011 trong bối cảnh vốn đầu tư giảm mạnh, theo TS. Doanh, các DN Việt Nam buộc phải tái cơ cấu theo hướng nâng cao hiệu suất hoạt động.
Về bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2012, TS Doanh đánh giá, với lộ trình tăng các nguyên liệu đầu vào như than, điện… đẩy chi phí của nhiều DN tăng cao khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát ở một con số đầy thách thức. Nếu duy trì được mức lạm phát ở mức 12% cũng đã là một thành công. Nhưng việc Ngân hàng Nhà nước đưa ra 4 nhóm ngân hàng để kiểm soát cung tín dụng, cùng với quyết tâm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là một tín hiệu tích cực. Tỷ giá vẫn chịu nhiều sức ép.
Ông Nguyễn Tất Thắng, Kinh tế trưởng của CTCK HSC đánh giá, chừng nào lãi suất còn duy trì trên mức 20%/năm như hiện nay thì các DN còn phải duy trì trạng thái phòng thủ chặt chẽ. Trong năm 2012, lãi suất chắc chắn sẽ có xu hướng giảm nhưng vướng mục tiêu kiểm soát lạm phát chỉ nên kỳ vọng ở mức 17 - 18%/năm. Điều này giúp các DN BĐS dễ thở hơn, chứ chưa thể tạo ra bước ngoặt về hiệu quả hoạt động. Năm 2012 sẽ diễn ra sự sàng lọc, tái cơ cấu mà ưu thế thành công thuộc về các DN định hướng chiến lược hoạt động bám sát ngành nghề cốt lõi.
Cơ hội nào trong năm 2012?
TS Phạm Đỗ Chí nhận xét, với TTCK, vấn đề hiện tại là dòng tiền. Các NĐT nội địa bị mắc kẹt trong BĐS, ngoại tệ và vàng nên nguồn cung tiền cho TTCK hạn hẹp. Hai chiếc bơm quan trọng khác là vốn đầu tư nước ngoài và tín dụng cũng đang bị hạn chế. Còn thị trường BĐS các khó khăn hiện nay không dễ vượt qua bằng các chính sách vá víu tạm thời mà lâu dài vẫn phụ thuộc vào sự khởi sắc của nền kinh tế. Theo kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, chu kỳ khủng khoảng BĐS thường kéo dài đến 5 năm. Vàng là một kênh đầu tư dài hạn gợi ý cho các NĐT cá nhân với xu hướng tăng giá trong dài hạn vẫn được khẳng định và có thể xác lập các kỷ lục đỉnh giá mới trong năm 2012.
TS Alan T Pham, Chủ tịch Quỹ Đầu tư Viasa đánh giá vàng chỉ là kênh đầu tư phong thủ khi có các bất ổn kinh tế, chỉ có ưu điểm ít chịu các tác động mang tính định hướng. TTCK có thể biến động lên xuống trong một khoản thời gian ngắn nhưng NĐT nên quan tâm đến tính thanh khoản. Tín hiệu này gián tiếp mách bảo NĐT về mức độ quan tâm của thị trường với cổ phiếu và xu hướng sắp tới. Tiền gửi đang nổi lên như một kênh đầu tư có nhiều ưu điểm nhưng NĐT cần tính đến hiệu quả thực với yếu tố trượt giá của VND. Kênh đầu tư hàng hóa dù mới mẻ, tiềm năng nhưng là lĩnh vực hẹp, chỉ các NĐT am hiểu ngành mới thực sự giữ ưu thế.
TS. Lê Đăng Doanh đánh giá với mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt với việc thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ở lĩnh vực chứng khoán, bất động sản lên tới khoảng 20.000 tỷ đồng, cơ hội trên thị trường năm 2012 không thiếu nhưng ưu thế nghiêng về những NĐT lớn.
TS. Doanh cho biết, tuy dòng vốn quốc tế tại Mỹ, EU luân chuyển chậm nhưng nhóm các NĐT Đông Á qua tiếp xúc đã sẵn sàng đổ bộ vào thị trường Việt Nam tìm kiếm các cơ hội từ các đợt IPO lớn, việc thoái vốn đầu tư khỏi các lĩnh vực thời thượng một thời như BĐS, chứng khoán… Tương tự, ông Nguyễn Tất Thắng cũng nhìn nhận cơ hội thực sự trên thị trường vốn chỉ dành cho các “tay chơi” lớn, với một vài kênh đầu tư giữ ưu thế như trái phiếu.
Ông Đặng Doãn Kiên, Trưởng đại diện của Aureos Capital Việt Nam đánh giá, năm 2011, thị trường M&A Việt Nam sôi động với một loạt thương vụ lớn. Xu hướng sẽ tiếp nối trong năm 2012. Các DN hoạt động hiệu quả sẽ đứng trước cơ hội được tiếp nhận dòng vốn có chọn lọc của hoạt động M&A hay từ các quỹ đầu tư vào DN tư nhân chưa niêm yết. Còn với các NĐT cá nhân, TS Alan T Pham đưa ra một lời khuyên: “Nếu hội tụ các điều kiện và có hoài bão lớn, năm 2012 sẽ là thời điểm tốt để khởi nghiệp kinh doanh riêng, đón đầu chu kỳ phục hồi, tăng trưởng vài năm tới”.
Theo ĐTCK