Đối với những nhà đầu tư quốc tế, những nền kinh tế được xem là có triển vọng tăng trưởng dài hạn để thu hút được đầu tư nước ngoài phải hội đủ nhiều yếu tố khác nhau như nhân khẩu học, tài nguyên thiên nhiên hay vị trí địa lý...
Dưới đây là danh sách 10 quốc gia có triển vọng tăng trưởng dài hạn tốt nhất, trong đó Việt Nam được xếp thứ 7 trên cả Trung Quốc. Bảng xếp hạng này được đưa ra trên cơ sở báo cáo "Thế giới năm 2050" của ngân hàng HSBC.
"Thế giới năm 2050" là báo cáo nhận định về triển vọng kinh tế trong 40 năm tới. Một số quốc gia trong top 10 này hiện đã nổi tiếng là những cường quốc kinh tế, trong khi một số đang tăng trưởng hoặc dự báo sẽ biến chuyển mạnh.
10. Algeria
Tăng trưởng hàng năm ước tính: 5%
GDP năm 2010: 76 tỷ USD (theo tỷ giá USD năm 2000)
GDP năm 2050 ước tính: 538 tỷ USD
Algeria, nước có dự trữ dầu lớn thứ ba ở châu Phi, là quốc gia giàu có nhất ở lục địa đen. Nền kinh tế này được đánh giá là có khả năng sẽ tăng trưởng hơn nữa trong các thập kỷ tới. Trữ lượng dầu lên tới 12 tỷ thùng có sức hấp dẫn rất lớn đối với các công ty năng lượng nước ngoài. Các sản phẩm dầu khí, xương sống của nền kinh tế này, hiện chiếm 95% kim ngạch xuất khẩu của Algeria. Bên cạnh những mặt tích cực, Algeria cũng đang đối mặt với số người thất nghiệp dưới độ tuôri 35 khá cao. Khoảng 20% số người trong độ tuổi từ 16-24 ở quốc gia này bị thất nghiệp. Ngoài ra, Algeria cũng là một trong những mắt xích của phong trào nổi dậy "Mùa xuân Arab" năm ngoái.
9. Trung Quốc
Tăng trưởng hàng năm ước tính: 5,1%
GDP năm 2010: 3.511 tỷ USD (theo tỷ giá USD năm 2000)
GDP năm 2050 ước tính: 25.334 tỷ USD
Không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc có mặt trong danh sách này. Quốc gia đông dân nhất thế giới hiện vẫn đang là cỗ máy tăng trưởng của thế giới, nằm trong số những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong suốt 4 thập niên qua. Theo các dự báo gần đây, quy mô kinh tế của Trung Quốc tới năm 2050 sẽ lớn nhất thế giới, vượt qua cả Mỹ. Trung Quốc là một thị trường hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài ở hầu hết các lĩnh vực. Năm 2011, đất nước này đã nhận được 116 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhiều tập đoàn quốc tế hàng đầu đã đổ xô vào thị trường này coi đây như là mảnh đất kiếm tiền mầu mỡ trong bối cảnh kinh tế ở phần còn lại của thế giới khá bấp bênh.
8. Ai Cập
Tăng trưởng hàng năm ước tính: 5,1%
GDP năm 2010: 160 tỷ USD (theo tỷ giá USD năm 2000)
GDP năm 2050 ước tính: 1.165 tỷ USD
Ai Cập, nền kinh tế lớn thứ hai trong thế giới Arab và cũng là quốc gia đông dân nhất ở khu vực này, được xem là một điểm nối các tuyến đường giao thương giữa châu Phi, châu Âu và châu Á. Kinh tế của Ai Cập chủ yếu dựa vào nông nghiệp, xuất khẩu dầu mỏ cũng như du lịch. Quốc gia này là "quê nhà" của kim tự tháp, một trong những điểm hấp dẫn nhất du khách quốc tế, do vậy 10% lực lượng lao động của Ai Cập làm trong lĩnh vực du lịch. Mặc dù có nhiều lợi thế về kinh tế, song về chính trị của quốc gia dầu lửa này hiện được xem là khá bất ổn. Những cuộc biểu tình chống chính phủ đã xuất hiện và mức độ căng thẳng cùng tác động của nó tới kinh tế thật khó có thể đo lường.
7. Việt Nam
Tăng trưởng hàng năm ước tính: 5,2%
GDP năm 2010: 59 tỷ USD (theo tỷ giá USD năm 2000)
GDP năm 2050 ước tính: 451 tỷ USD
Với tư cách là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng có tính trụ cột của nền kinh tế Việt Nam. Những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều bước tiến lớn trong việc mở cửa và đa dạng hóa nền kinh tế, từ đó đã giúp bộ mặt quốc gia này đổi thay nhanh chóng. Hiện các công ty Nhà nước chiếm khoảng 40% GDP của Việt Nam, đầu tư nước ngoài không ngừng tăng lên kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới vào năm 2007. Nền tảng sản xuất chi phí thấp của Việt Nam là một trong những điểm hấp dẫn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp may mặc và công nghệ đang muốn tìm thị trường giá rẻ hơn ngoài Trung Quốc.
6. Malaysia
Tăng trưởng hàng năm ước tính: 5,3%
GDP năm 2010: 146 tỷ USD (theo tỷ giá USD năm 2000)
GDP năm 2050 ước tính: 1.160 tỷ USD
Malaysia là nền kinh tế lớn thứ ba ở khu vực Đông Nam Á đồng thời cũng là một trong những điểm đầu tư tốt nhất khu vực. Kể từ khi giành được độc lập vào năm 1957 cho tới năm 2005, mức tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của Malaysia là 6,5%. Quốc gia này chủ yếu nương tựa vào việc xuất khẩu khoáng sản và nông sản, như thiếc và cao su. Hiện Malaysia đang trên bước đường đa dạng hóa nền kinh tế, yếu tố then chốt để giúp nước này hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 2007 nhanh hơn. Malaysia hiện là một trong những nước xuất khẩu thiết bị bán dẫn, hàng điện tử, tấm năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, và là một trung tâm toàn cầu của các ngân hàng Hồi giáo.
5. Bangladesh
Tăng trưởng hàng năm ước tính: 5,5%
GDP năm 2010: 78 tỷ USD (theo tỷ giá USD năm 2000)
GDP năm 2050 ước tính: 673 tỷ USD
Bangladesh là nước nghèo nhất trong danh sách này, với khoảng 30% dân số sống dưới mức nghèo khổ theo quy định của thế giới. Khoảng 45 triệu người dân ở Bangladesh sống dưới 1,25 USD mỗi ngày. Tuy nhiên, tình hình này sẽ thay đổi trong 40 năm nữa, với GDP bình quân đầu người sẽ tăng gấp 6 lần vào năm 2050, theo đánh giá của ngân hàng HSBC. Một trong những tài sản lớn nhất của quốc gia này là lực lượng lao động giá rẻ đang tăng lên, yếu tố rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào khu vực sản xuất của Bangladesh. Ngành sản xuất quần áo may sẵn hiện được xem là một phần quan trọng của kinh tế Bangladesh, với 3,5 triệu công nhân và đóng góp 75% vào kim ngạch xuất khẩu.
4. Ấn Độ
Tăng trưởng hàng năm ước tính: 5,5%
GDP năm 2010: 960 tỷ USD (theo tỷ giá USD năm 2000)
GDP năm 2050 ước tính: 8.165 tỷ USD
India, cường quốc kinh tế ở khu vực Nam Á, được dự báo sẽ vượt lên thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2050 thay chân Nhật Bản. Khác với Trung Quốc, mức tăng trưởng của Ấn Độ mới vọt lên kể từ những năm 1990, sau khi chính phủ nước này có những động thái khích lệ nền kinh tế phát triển và hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào mạnh hơn. Những biện pháp cải cách kinh tế cùng với sự hấp dẫn về dân số đã giúp Ấn Độ nhanh chóng vọt lên, trở thành một trong những "chiến sỹ đi đầu" ở châu Á. Lực lượng dân số trẻ và đang tăng mạnh của Ấn Độ đã giúp mở rộng hơn lực lượng lao động cũng như thị trường tiêu dùng. Đây là yếu tố quan trọng để đầu tư dài hạn.
3. Peru
Tăng trưởng hàng năm ước tính: 5,5%
GDP năm 2010: 85 tỷ USD (theo tỷ giá USD năm 2000)
GDP năm 2050 ước tính: 735 tỷ USD
Được xem là ngôi sao đang lên ở Nam Mỹ, Peru đã có quá trình tăng trưởng kinh tế khá dài, với mức trung bình 7% trong giai đoạn từ 2003 tới 2010. Mức tăng trưởng dự kiến còn mạnh hơn trong những thập niên tới, đưa quốc gia này vượt lên vị trí thứ 26 thế giới vào năm 2050, theo báo cáo của HSBC. Một trong những lý do chính giúp kinh tế Peru hồi phục mạnh sau 20 năm xung đột vũ trang, là đầu tư tư nhân. Chính phủ Peru đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình này, khuyến khích phân quyền và sự minh bạch hơn nữa. Peru cũng rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khai khoáng. Hiện đây là nước sản xuất đồng và bạc lớn thứ hai thế giới. Các lĩnh vực tài nguyên hiện thu hút được 18 tỷ USD đầu tư.
2. Ukraine
Tăng trưởng hàng năm ước tính: 6%
GDP năm 2010: 45 tỷ USD (theo tỷ giá USD năm 2000)
GDP năm 2050 ước tính: 462 tỷ USD
Kinh tế của Ukraine được dự báo sẽ tăng trưởng gấp 10 lần trong vòng 40 năm tới. Quốc gia này chủ yếu sống dựa vào tài nguyên thiên nhiên sẵn có, với những mảnh đất nông nghiệp màu mỡ và các mỏ khoáng sản phong phú. Ukraine cũng sở hữu những mỏ quặng mangan lớn nhất thế giới. Với trữ lượng than đá và quặng sắt cực lớn, Ukraine còn là một trong những nhà chế xuất lớn nhất các sản phẩm luyện kim cho khu vực Đông Âu. Nhờ có những lợi thế như vậy, tăng trưởng GDP trung bình hàng năm của quốc gia này trong giai đoạn 2001 - 2008 ở mức 7,5%. Tuy nhiên, vài năm gần đây, Ukraine cũng chịu tác động lớn từ suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm hơn một nửa. Năm 2010, kinh tế Ukraine đã tăng trưởng trở lại.
1. Philippines
Tăng trưởng hàng năm ước tính: 7%
GDP năm 2010: 112 tỷ USD (theo tỷ giá USD năm 2000)
GDP năm 2050 ước tính: 1.688 tỷ USD
Philippines là một trong những nước có nhịp độ tăng trưởng dân số nhanh nhất ở châu Á. Dân số ở quốc gia này dự kiến sẽ còn tăng gần 70% trong vòng 40 năm tới và với các yếu tố có lợi khác, sẽ đưa Philippines trở thành quốc gia lớn thứ 16 thế giới vào năm 2050, theo đánh giá của HSBC, nhảy 27 bậc từ vị trí xếp hạng thứ 43 hiện nay. Philippines là một trong những nước xuất khẩu lao động lớn nhất thế giới, với hơn 9 triệu người làm việc ở nước ngoài. Năm 2010, Philippines đã thu được gần 19 tỷ USD từ việc xuất khẩu lao động.
Theo Vneconomy