Đại lý xăng dầu "làm càn" do hoa hồng thấp?

Thứ bảy, 18/02/2012, 10:39
Không quản lý được chất lượng xăng dầu đến từng đại lý bán lẻ. Các DN xăng dầu đầu mối lại kêu ca rằng nguyên nhân của tình trạng này là chi phí thù lao cho đại lý thấp, không có lợi nhuận nên họ đã "làm càn".



ảnh internet


DN đầu mối ôm không xuể

Theo ông Lê Xuân Trình, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) cho biết, xăng dầu bán ra thị trường đều trải qua ba khâu. Thứ nhất, nguồn xăng dầu nhập khẩu, hay nguồn từ Nhà máy Dung Quất đều được kiểm soát rất chặt chẽ nên khó xảy ra việc nhập xăng dầu kém chất lượng.

Tiếp đến khâu kho chứa tại các đầu mối cũng được quản lý rất nghiêm ngặt, có các bộ phận kiểm tra kỹ càng, như khi nhập phải lấy mẫu xăng dầu, khi xuất cũng lấy mẫu, trong quá trình bảo quản phải thường xuyên kiểm tra định kỳ.

Cuối cùng là khâu vận chuyển xăng dầu từ kho đến các đơn vị tiêu thụ thuộc hệ thống trực thuộc các đầu mối hoặc các tổng đại lý, đại lý cũng đảm bảo, khi xuất hoặc nhập liên tục lấy mẫu đối chiếu.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Kiên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) lại cho rằng, quản lý chất lượng xăng dầu đang là vấn đề nóng. Về bản chất, hiện nay, chất lượng xăng dầu vẫn được Nhà nước quản lý, ở một mức độ nào đó thì mặt hàng này được kiểm soát khá tốt với nhiều mặt hàng khác. Thế nhưng, những vi phạm về chất lượng xăng dầu được phát hiện trong thời gian vừa qua chủ yếu là ở hệ thống các đại lý.

Ông Kiên cho biết thêm, hiện nay cả nước có khoảng 13.000 cửa hàng xăng dầu, trong đó các cửa hàng trong hệ thống của các DN đầu mối chỉ trên 3.000 (chiếm 25-30%), còn lại là cửa hàng đại lý, tổng đại lý chiếm khoảng 75%. Vì thế phải khẳng định, hệ thống cửa hàng đại lý không thể thiếu và phải được vận hành, vấn đề đặt ra là quản lý hệ thống này như thế nào.

Bên cạnh đó, theo đại diện Petrolimex, Nghị định 84/2009 của Chính phủ quy định tổng đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho 1 thương nhân đầu mối và thương nhân là đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho 1 thương nhân đầu mối hoặc cho 1 thương nhân là tổng đại lý.

"Nhưng trên thực tế một ông chủ có thể lập ra vài công ty làm đại lý hoặc tổng đại lý để lấy xăng dầu từ nhiều nguồn khác nhau. Trong khi, DN đầu mối khi phát hiện sai phạm chỉ có quyền cắt hợp đồng. Mà nếu đầu mối này xử lý cắt hợp đồng thì đại lý vi phạm lại chạy qua đầu mối khác. Vì vậy việc quản lý chất lượng xăng dầu tại hệ thống tổng đại lý, đại lý rất khó kiểm soát" - đại diện Petrolimex chia sẻ.

Pha thêm để kiếm lãi!

Ở khía cạnh khác, đại diện một số DN khác cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu gia tăng là chi phí thù lao thấp nên một số đại lý đã nảy sinh gian lận thương mại thông qua việc mua lại nguồn xăng dầu trôi nổi hoặc các hóa chất với giá rẻ để pha trộn vào xăng dầu.

Từ đó, các DN đầu mối kiến nghị nâng chi phí định mức kinh doanh từ 600 đồng lên 850- 900 đồng/lít. Đại diện một DN đầu mối lý giải, nếu chi phí thù lao 600 đồng/lít thì chỉ bằng 3% giá bán, trong khi lãi suất ngân hàng tới trên 20%, biến động ngoại tệ 1%, chi phí khác như lương, khấu hao, điện, nước... thì DN kinh doanh xăng dầu rất khó duy trì hoạt động. Đây là một trong những nguyên nhân căn cơ, gốc rễ đối với chất lượng xăng dầu.

Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nêu quan điểm, phần lớn DN khẳng định chất lượng xăng dầu thuộc hệ thống trực thuộc DN đầu mối về cơ bản là ổn. Vấn đề là câu chuyện kiểm soát chất lượng xăng dầu đối với tổng đại lý và đại lý. Do đó, ông Quyền đề xuất hai nhóm biện pháp về mặt quản lý nhà nước và trách nhiệm của DN.

Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem xét vấn đề điều hành giá xăng dầu theo giá thị trường, có biện pháp bù lỗ, tăng chi phí, chính sách hoa hồng cho đại lý, tăng cường kiểm tra, kiểm soát... để tháo gỡ khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ xem xét bổ sung các quy định về kiểm tra kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu. Đối với DN đầu mối, ông Quyền cho rằng DN đầu mối phải có trách nhiệm trách về chất lượng với hệ thống phân phối cửa hàng, kho, bãi  và đại lý trực thuộc cũng như liên đới với các tổng đại lý và đại lý.

Theo VEF

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích