UBCK: NHNN không “quay lưng” với chứng khoán

Thứ bảy, 18/02/2012, 09:53
Với room tổng dư nợ tín dụng 16%, thực ra NHNN không “quay lưng” với TTCK, nếu không muốn nói đây là nỗ lực hỗ trợ đáng ghi nhận của NHNN.




ảnh internet


Không ít ý kiến quan ngại Chỉ thị 01/2012 của NHNN “quay lưng” với chứng khoán, khiến thị trường vốn đang nghèo thanh khoản có thể diễn biến xấu tệ đi. Tuy nhiên, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có cách nhìn lạc quan hơn.

Để đặt nền tảng vững chắc cho TTCK sớm trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế, năm 2012, cơ quan quản lý sẽ quan tâm tìm kiếm, triển khai một số giải pháp để hỗ trợ TTCK phục hồi lành mạnh. Thông điệp này được người đứng đầu Bộ Tài chính, NHNN liên tục phát đi tại nhiều diễn đàn, nên TTCK chờ đợi những biện pháp tiếp sức cụ thể.

Tuy nhiên, với Chỉ thị 01/2012, nhất là quy định chốt “quota” tỷ trọng tín dụng đối với các lĩnh vực không khuyến khích, trong đó có chứng khoán ở mức 16% đã khiến không ít thành viên thị trường nản lòng. Họ ái ngại rằng, với đà suy giảm thanh khoản của thị trường chưa có dấu hiệu chạm đáy, thì việc duy trì hạn mức tín dụng như cuối năm 2011 sẽ không góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường.

Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo UBCK nhìn nhận, Chỉ thị 01/2012 tuy chưa đáp ứng được nhiều kỳ vọng của thị trường, nhưng nếu bình tĩnh nhìn nhận thì quy định mới này, nhất là room tổng dư nợ tín dụng đối với các lĩnh vực không khuyến khích là 16%, thực ra không “quay lưng” với TTCK, nếu không muốn nói đây là nỗ lực hỗ trợ thị trường đáng ghi nhận của NHNN.

Đặt trong bối cảnh chính sách tiền tệ phải tiếp tục phục vụ cho mục tiêu số 1 là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì tổng tỷ trọng dư nợ đối với các lĩnh vực không khuyến khích ở mức 16%, thực tế không bị siết thêm so với cuối năm 2011. Trong bối cảnh “miếng bánh” tín dụng đang nhỏ đi, bởi phải đặc biệt ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, DN xuất khẩu..., thì đây là một nỗ lực hỗ trợ thị trường. Hiểu như vậy để thấy, NHNN không dễ làm tốt hơn.

Thực tế, bối cảnh vĩ mô vẫn còn nhiều bất ổn, khiến cho cung và cầu tín dụng chứng khoán chưa gặp nhau. Các tổ chức tín dụng e ngại rủi ro lớn của TTCK do vĩ mô còn nhiều bất ổn, nên rất thận trọng giải ngân. Bản thân các CTCK, NĐT cũng chưa mặn mà với sử dụng đòn bẩy tài chính do lãi suất cao, rủi ro thị trường còn lớn.

Nhìn nhận như vậy để thấy rằng, ngay cả khi “quota” cho vay chứng khoán bị thắt lại cũng không tác động nhiều đến lượng tín dụng chảy vào thị trường, bởi mấu chốt nằm ở điều kiện cho vay và đi vay cần được khơi thông, trong trường hợp này là vĩ mô ổn định rõ nét hơn để cải thiện thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, qua đó kéo lãi suất đi xuống. Đây là yếu tố quyết định để sớm giải tỏa điểm nghẽn tín dụng cho cả đầu cho vay và đầu đi vay.

Một khía cạnh hỗ trợ TTCK khác nhìn từ Chỉ thị 01/2012, theo lãnh đạo UBCK là quy định mới loại bỏ cách ứng xử cào bằng đối với các tổ chức tín dụng trong tăng trưởng tín dụng. Công cụ này hỗ trợ thị trường, NĐT nhận diện rõ hơn sức khỏe của các ngân hàng. Nói ngắn gọn, Chỉ thị 01 góp phần giúp các tổ chức tín dụng đã mạnh sẽ mạnh hơn, ngược lại, các tổ chức yếu kém sẽ phải chia tay cuộc chơi nếu không tái cấu trúc mạnh mẽ để tồn tại lành mạnh.

Trong bối cảnh như vậy, nếu diễn biến vĩ mô tốt dần, việc các tổ chức tín dụng mạnh sẽ cân nhắc tăng room cho vay chứng khoán là điều dễ được tính đến. Lý do là bởi, trong nhóm không khuyến khích, khác với cho vay BĐS - thường có thời gian cho vay dài, rủi ro mất vốn cao, thì cho vay chứng khoán thường tối đa một năm, nên nhanh thu hồi vốn, đồng thời, khi cần thu hồi vốn cũng dễ, do chứng khoán có tính thanh khoản khá tốt.

Nói về nỗ lực đưa chứng khoán ra khỏi lĩnh vực không khuyến khích, để mở đường cho tín dụng hỗ trợ TTCK tích cực hơn, lãnh đạo UBCK cho biết, đây là mục tiêu khó hiện thực hóa trong thời gian ngắn, nhất là trong bối cảnh vĩ mô còn nhiều bất ổn như hiện tại, mà nó được đặt trong chiến lược dài hạn về tái cấu trúc TTCK và thị trường tiền tệ. Để biến mục tiêu này thành hiện thực, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và tài chính.

Thực tế, người đứng đầu Bộ Tài chính từng công khai mong muốn cùng Thống đốc NHNN bàn thảo, để sớm đi đến ký kết quy chế phối hợp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ. Đây là bước đi quan trọng nhằm đặt nền móng cho điều hành thị trường tiền tệ theo hướng tập trung tài trợ vốn ngắn hạn cho nền kinh tế, trong khi nhiệm vụ cung cấp vốn trung và dài hạn được xác lập rõ ràng lên vai TTCK. Thị trường đang nóng lòng chờ đợi bước đi hợp tác này, để TTCK không còn “xanh, đỏ” theo “quota” tín dụng chứng khoán như hiện tại.

Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn