Sau nhiều dự định, toan tính và cân nhắc vào giữa quí ll/2012, NHNN sẽ trình Chính phủ đề án huy động vàng trong dân. Tuy nhiên, để người dân chuyển vàng từ két sắt gia đình ra ngân hàng thì điều quan trọng nhất là niềm tiên. Chính sách về vàng phải ổn định không thể theo kiểu nay mở, mai đóng.
Theo đánh giá của NHNN, lượng vàng đang ở trong dân tương đối lớn, khoảng 300 - 500 tấn. Một so sánh cho thấy, hiện nợ nước ngoài của Việt Nam khoảng 44 tỉ USD. Nếu NHNN huy động được 300-500 tấn vàng (tương đương 18-30 tỉ USD), thì đây hẳn sẽ là một nguồn lực đáng kể có thể bù đắp cho nhu cầu vốn trong nước đang phải đi vay.
Nhưng để huy động được vàng trong dân một cách hiệu quả lại hoàn toàn không đơn giản. Để giải quyết rốt ráo vấn đề này, theo các chuyên gia kinh tế, ít nhất cơ quan quản lý và các đầu mối huy động phải trả lời được các câu hỏi: Ở đâu? Bao giờ? và như thế nào?... Đặc biệt hơn, tất cả những điều đó phải được thực hiện trên một quan điểm thống nhất và ổn định của chính sách về vàng và quyền sở hữu vàng của người dân
Nói đến huy động vàng, nhiều người đã nghĩ ngay đến đối tượng người dân đô thị và từng lớp thị dân trung lưu trở lên vì những người này mới có đủ năng lực tài chính để giữ vàng và quen với việc trao đổi, luân chuyển vàng.
Tuy nhiên, trong một góc nhìn khác, chuyên gia đến từ Học viện Ngân hàng lại cho rằng, tích trữ vàng đâu chỉ có ở thành thị mà ở các vùng nông thôn, người dân vẫn cứ tích góp, dành dụm được chút ít tiền là người dân đi mua vàng. Vậy lựa chọn thành thì chưa hẳn đã là tốt, nếu biết rằng nông thôn cũng là một thị trường tốt nhất là khi người dân có năng lực tài chính mỏng, họ có nhu cầu lớn hơn về việc chuyển đổi vàng ra các tài sản tài chính khác đề thực hiện đầu tư, sản xuất. Trong khi đó, dân đô thị lại ít có tài chính vững hơn và dường như đã quen với việc lớt sóng đầu cơ vàng.
Tất nhiên, đối với những người dân mà số vàng dù ít ỏi nhưng là tài sản phòng thân, là "của để dành thì điểm mấu chốt là Ngân hàng Nhà nước phải chuyển tải được thông điệp chắc chắn "vàng mà người dân bị huy động không mất, mà chỉ tạm thời nhượng quyền sử dụng và không để người dân bị thiệt".
Đồng tình với quan điểm này, các chuyên gia từ Hiệp hội Kinh doanh vàng cho rằng, huy động vàng trong dân là một chủ trương đúng nhưng làm thế nào để huy động hiệu quả là nó không đơn thuần là bài toán kinh tế mà còn là thay đổi thói quen cố hữu, thay đổi tâm lý của người dân.
Và để tạo lòng tin cho người dân thì điều quan trọng hơn cả là sự ổn định về chính sách. Tránh tình trạng nay mở mai cấm. Bởi người dân luôn lo sợ tài sản xủa mình bị mất giá hay thậm chí bị mất quyền sợ hữu và điều này càng trở nên nguy hiểm khi vàng luôn được mặc định là sự đảm bảo an toàn tài chính cho mọi biến cố kinh tế của người dân. Bài toán đơn giản nhất là để cho vàng vận động và điều chỉnh theo quy luật của thị trường và thông lệ quốc tế. Bởi có thể việc huy động vàng trong dân sẽ không quá khó nếu tạo được lòng tin trong dân.
Vậy, câu chuyện về khơi thông nguồn lực vàng trong dân, rút cục phải chốt lại được ở điểm chúng ta huy động bằng công cụ nào và NHNN cam kết bảo toàn giá trị tài sản của người dân, Nhà nước sẽ bảo hiểm rủi ro khi có biến động của giá vàng thế giới ra sao?
Trước đây, lãi suất huy động vàng được xem như là một lực hút vàng thông qua một kênh đầu tư không lạ lẫm gì với nhiều người dân đó là gửi tiết kiệm vàng đã được nhiều NHTM mở ra. Tuy nhiên, trên thực tế đã không cho thấy độ hấp dẫn và thu hút như mong đợi.
Nay, nếu theo Đề án huy động vàng khi người dân gửi vàng, ngân hàng sẽ cấp một chứng chỉ vàng để chứng nhận số vàng đã gửi (giống như khi gửi tiết kiệm nội, ngoại tệ ở các NHTM), chứng chỉ này có thể sử dụng để thế chấp, mua bán và trao đổi trên thị trường. Khi cần vàng, người dân mang chứng chỉ ấy đến ngân hàng và được trả lại bất cứ lúc nào.
NHNN sẽ có cơ chế huy động vốn kinh doanh vàng vật chất, đồng thời mở rộng kinh doanh vàng trên tài khoản. Song song với huy động vàng để phục vụ cho nền kinh tế, Nhà nước phải có những công cụ phái sinh để hạn chế rủi ro. Huy động vàng phải trả lãi cho người dân và phải thiết lập được thị trường thứ cấp để giao dịch các chứng từ có giá trị bằng vàng.
Đặc biệt, cần lường trước những vấn đề khác như: khi người dân muốn rút vàng trước hạn thì xử lý thế nào? Các NHTM có được chiết khấu các tín phiếu vàng đã mua Ngân hàng Nhà nước trước hạn không? Nhu cầu mua bán vàng của người dân được đáp ứng ra sao...
Theo VEF