Đây cũng chính là thời điểm quan trọng để các NHTM thực hiện tái cơ cấu lại hoạt động của mình. Ảnh minh hoạ. Ảnh: L.Q.N |
Tốc độ tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán được giới hạn ở mức 14 – 16% và tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng khoảng 15 – 17%. Mỗi nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) khác nhau được đưa ra một mức tăng trưởng tín dụng khác nhau.
Việc phân chia tỷ lệ tăng trưởng tín dụng có thể có dụng ý tạo tiền đề để các NHTM tìm đến sáp nhập vào nhau, tận dụng quy mô và lợi thế để tiếp tục tăng trưởng và phát triển.
Cơ sở cho việc hạ lãi suất
Việc chia nhóm tốc độ tăng trưởng tín dụng giúp cho NHNN có thể thực hiện được hai mục tiêu:
Thứ nhất, tạo điều kiện cho hệ thống NHTM tiếp tục cung cấp nguồn vốn, hỗ trợ cho tăng trưởng của nền kinh tế. Những lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay xuất khẩu… sẽ được các NHTM chú trọng và phát triển hơn nữa.
Các lĩnh vực khác không được khuyến khích tiếp tục chịu sự giới hạn về tỷ lệ dưới 16% trên tổng dư nợ tín dụng. Nhờ vậy, nền kinh tế vẫn có thể tiếp tục nhận được nguồn vốn vay từ hệ thống ngân hàng để có thể tăng trưởng được.
Thứ hai, hạn chế tình trạng cạnh tranh huy động lãi suất bằng mọi giá. Những NHTM nhóm 3 được tăng trưởng tín dụng thấp và nhóm 4 không được tăng trưởng tín dụng, sẽ không cần phải chạy đua huy động vốn bằng mọi giá như trước để tài trợ cho tăng trưởng tín dụng. Điều này sẽ giúp cho cuộc đua huy động vốn để tài trợ cho tín dụng chỉ nằm lại ở các NHTM nhóm 1 và nhóm 2.
Tuy nhiên, tình hình thanh khoản của các NHTM này hiện đang khá tốt, nguồn vốn dồi dào nên không cần phải đẩy cao lãi suất huy động. Hiện nay, lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, thậm chí 1 tháng, chỉ ở mức dưới 12%. Đây là cơ sở tiền đề cho việc hạ lãi suất trong thời gian tới.
Với các trường hợp NHTM yếu kém khác, sự tự nguyện bị sáp nhập có lẽ chỉ đến khi họ thấy đấy là giải pháp duy nhất để tồn tại trong bối cảnh chính sách tiền tệ tiếp tục bị thắt chặt. |
Khó khăn các NHTM nhỏ phải đối mặt
Mặc dù NHNN không công bố danh sách các ngân hàng trong từng nhóm tăng trưởng tín dụng, nhưng thông tin này sẽ khó có thể giữ kín được, đặc biệt là khi mùa đại hội cổ đông đang đến gần. Định hướng tăng trưởng tín dụng thường được coi là thông tin quan trọng nhất trong kế hoạch phát triển của một ngân hàng trong năm.
Vì thế, những NHTM nhóm 3 và nhóm 4, một khi lộ diện, sẽ phải đối mặt với dòng tiền gửi bị biến động mạnh. Mặc dù không chịu áp lực phải huy động vốn để tiếp tục tăng trưởng tín dụng, nhưng những NHTM này vẫn tiếp tục chịu áp lực huy động để tài trợ cho các khoản cho vay trước đó. Nếu khách hàng có dấu hiệu rút tiền mạnh khỏi những NHTM này để chuyển sang những NHTM nhóm 1 và nhóm 2 thì thanh khoản của các NHTM nhóm 3, nhóm 4 khó khăn. Khi đó, nếu không có sự hỗ trợ từ phía NHNN thì các NHTM này buộc phải cạnh tranh huy động vốn từ thị trường dân cư và doanh nghiệp. Lãi suất khi đó sẽ khó hạ được như mục tiêu của NHNN.
Không chỉ có vậy, các NHTM này sẽ chịu áp lực lớn từ việc các cổ đông có thể rút vốn hoặc không tiếp tục mua thêm cổ phần khi các NHTM này phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn. Điều này sẽ khiến cho việc đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn gặp khó khăn. Khó tăng vốn cũng đồng nghĩa với việc NHTM khó có thể mở rộng mạng lưới hoạt động của mình, mở rộng quy mô tài sản… và do vậy sẽ khó có thể tiếp tục cạnh tranh so với các NHTM nhóm trên. Khi đó, hoạt động kinh doanh sẽ càng khó khăn hơn. Vấn đề xử lý nợ và đảm bảo thanh khoản vẫn là nỗi lo thường trực của các NHTM này.
Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu
Mặc dù có thể gặp nhiều khó khăn nhưng đây cũng chính là thời điểm quan trọng để các NHTM thực hiện tái cơ cấu lại hoạt động của mình. Đối với các NHTM nhóm 3 và nhóm 4, việc tái cơ cấu hoạt động sẽ giúp nâng cao chất lượng hoạt động cho chính những NHTM này. Nếu không thể tự đứng vững, một con đường khác để thực hiện tái cơ cấu là tìm kiếm các đối tác, các NHTM khác lớn hơn để sáp nhập vào, tạo thành một ngân hàng mới có chất lượng tốt hơn. Lợi thế từ việc phát triển nhanh quy mô, lành mạnh hoá hơn tình hình tài chính sẽ giúp các NHTM này sớm được NHNN nâng trần tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng. Còn đối với các NHTM nhóm 1 và nhóm 2, nếu hoạt động không tốt thì chưa chắc hạn mức tăng trưởng tín dụng đã có thể được duy trì như mức ban đầu.
Điều này là hoàn toàn có cơ sở bởi trong chỉ thị 01, NHNN đã để ngỏ một phần về cơ hội có thể điều chỉnh tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng này. Điều này thể hiện thông qua định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay không giới hạn ở một con số cụ thể mà sẽ dao động trong khoảng từ 15 – 17%, tức là có thể thay đổi một cách linh hoạt. Tiếp đến là việc “sau sáu tháng thực hiện, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức tín dụng phù hợp với diễn biến tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng và đảm bảo đạt được mục tiêu của chính sách tiền tệ”.
Do vậy, tác động của chỉ thị 01 có thể sẽ là thúc đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng yếu muốn tiếp tục tồn tại sẽ buộc phải tìm đến các ngân hàng mạnh hơn để tiến hành các thương vụ mua lại và sáp nhập. Điều này sẽ giúp cho ngân hàng mua lại và ngân hàng được mua lại đều cùng có lợi.
Đối với ngân hàng mua lại, quy mô tiếp tục được mở rộng, tốc độ tăng trưởng tín dụng tuy không thay đổi nhưng sẽ tính trên quy mô mới lớn hơn, tạo điều kiện cho các NHTM này phát triển nhanh hơn. Đối với ngân hàng bị mua lại, tình hình tài chính sẽ được đảm bảo tốt hơn nhờ ngân hàng mua lại, tốc độ tăng trưởng tín dụng sẽ lớn hơn khi các ngân hàng trên cùng nhau tạo thành một ngân hàng thống nhất.
Việc thúc đẩy nhanh hơn quá trình sáp nhập giữa các ngân hàng có lẽ là một mong muốn của NHNN trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Hồi đầu năm, thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát biểu trong một cuộc họp báo là sẽ tiến hành sáp nhập thêm 5 – 8 ngân hàng nữa trong quý 1/2012. Tuy nhiên, kế hoạch này khó có thể hoàn thành nếu các ngân hàng yếu kém không tự nguyện chấp nhận bị sáp nhập vào ngân hàng khác.
Việc sáp nhập ba ngân hàng cổ phần Sài Gòn, Tín Nghĩa và Đệ Nhất hồi cuối năm 2011 thành công dễ dàng chủ yếu là ba ngân hàng này có mẫu số chung dẫn đến sự “tự nguyện”. Với các trường hợp NHTM yếu kém khác, sự tự nguyện bị sáp nhập có lẽ chỉ đến khi họ thấy đấy là giải pháp duy nhất để tồn tại trong bối cảnh chính sách tiền tệ tiếp tục bị thắt chặt.
Theo SGTT