Ngày 16-2, Ngân hàng Sacombank (STB) đã thông báo ngưng chốt danh sách cổ đông chuẩn bị tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên. Lý do là căn cứ tình hình thực tế về việc cần cân nhắc bổ sung một số vấn đề quan trọng liên quan đến công tác tổ chức đại hội.
Cổ đông lớn - Ngân hàng Eximbank nắm giữ 9,73% vốn cổ phần STB cũng vừa tuyên bố có được đại diện ủy quyền của hơn 51% cổ phần có quyền biểu quyết và đưa ra một số đề nghị về hoạt động kinh doanh, cơ cấu thành viên hội đồng quản trị (HĐQT)… của Ngân hàng STB.
Các vấn đề lớn trên cho thấy chuyện tranh quyền điều hành Sacombank đang nóng lên và lẫn trong đó lại có những nghi vấn...
Giành quyền kiểm soát
Ngày 20-2, Eximbank cho báo chí biết đã gửi văn bản cho STB đề nghị bầu lại thành viên HĐQT, ban kiểm soát… Ngoài ra, Eximbank cũng đề nghị STB tăng chỉ tiêu lợi nhuận kinh doanh năm 2012 và không được chuyển nhượng các tài sản lớn trong thời gian chuẩn bị ĐHCĐ.
Trả lời báo chí, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT STB, cho biết bất ngờ trước thông tin STB bán tài sản. Eximbank thì công bố là đã đại diện 51% cổ phần nên có quyền biểu quyết. Ông Thành lại nói trung tâm lưu ký chưa chốt danh sách cổ đông nên chưa thể nói gì.
Chuyện này nóng hơn khi Sacombank thông báo ngưng chốt danh sách cổ đông để tổ chức ĐHCĐ thì ngay lập tức Eximbank có văn bản nêu một số đề nghị. Trong đề nghị của Eximbank cho thấy họ quan tâm đến việc bầu lại các thành viên HĐQT STB. Việc này dư luận quan tâm cho rằng Eximbank đang tung đòn để giành quyền tại STB.
Sự kiện quanh Ngân hàng Sacombank càng ồn ào thì giá cổ
phiếu STB càng tăng. Ảnh: M.THẢO
Điều này càng được khẳng định khi lý lẽ Eximbank đưa ra rất hợp lý: Thành phần HĐQT của STB hiện nay chỉ đại diện cho phần vốn cổ phần chiếm tỉ trọng thấp do các cổ đông lớn như ANZ, Daragon Capital, REE (khoảng 20%)… đã hoàn tất thoái vốn. STB thực hiện một số hợp đồng lớn như thoái vốn tại Công ty Chứng khoán Sài Gòn Thương Tín… có nguy cơ làm ảnh hưởng quyền lợi cổ đông.
“Chúng tôi đã nghiên cứu luật kỹ”
Những ai quan tâm đến lĩnh vực chứng khoán thì hiểu câu chuyện gom cổ phần để tham gia điều hành một doanh nghiệp là hết sức bình thường. Tuy nhiên, sự kiện trở thành nóng vì người trong cuộc là hai ngân hàng thương mại cổ phần nằm trong tốp trên.
Trả lời phóng viên, ngày 21-2 Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank, cho biết chiều 20-2, ông đã làm việc với Sacombank. Ông Dũng khẳng định: “Các nội dung trong văn bản gửi cho STB, phía Eximbank đã nghiên cứu về luật. Năm 2011, Eximbank đã có gặp Sacombank để mua lại phần vốn của Ngân hàng ANZ. Chỉ riêng thương vụ mua cổ phần này, Eximbank cũng đã có luật sư, có tham vấn kỹ lưỡng và chấp hành đúng các quy định của pháp luật”.
Theo điều lệ Sacombank, những cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông nếu muốn đề cử người vào HĐQT và ban kiểm soát thì phải giữ cổ phần liên tục trong vòng sáu tháng. Ông Dũng nói rõ: “Eximbank nắm 17% cổ phần có thời hạn trên sáu tháng, còn con số 51% là để dùng làm quyền biểu quyết lúc đại hội diễn ra. Eximbank có trách nhiệm về con số đã nêu, cả về tính hợp pháp… và đã cân nhắc kỹ trước khi gửi cho STB”.
51% ủy quyền: Chưa chắc thắng!
TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh - Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, phân tích: “Không thể nói Eximbank có được 51% ủy quyền của cổ đông có quyền biểu quyết là sự việc đã ngã ngũ. Sacombank chưa chốt danh sách cổ đông cơ mà? Mặt khác, hoạt động ngân hàng còn phải tuân thủ Luật Các tổ chức tín dụng. HĐQT Sacombank đã được ĐHCĐ năm 2011 thông qua và được NHNN chấp thuận. Không thể nói muốn thay ngay là thay!”.
Giới chuyên gia cũng nhận định: Chưa chốt danh sách cổ đông thì chưa biết sự việc thế nào. Các động thái trước đó của STB như cho nhân viên gom ủy quyền dự ĐHCĐ, mua vào cổ phiếu quỹ với tỉ lệ lớn (100 triệu cổ phiếu, tương đương 9,31% vốn điều lệ), thoái vốn ở Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn Thương Tín… khiến cho dư luận suy đoán STB đang cố sức chống đỡ.
Không loại trừ kịch bản cổ phiếu
Theo ông Dương, phải chờ thêm các công bố thông tin từ hai ngân hàng trên nữa mới biết rõ động cơ là gì. “Nhưng trước mắt, vụ này cho có nhiều kịch bản, trong đó có cả kịch bản về giá cổ phiếu. Mọi người hiện đang nhìn vào hoạt động M&A (mua bán - sáp nhập) nên ít chú ý đến diễn biến giá cổ phiếu STB biến động thời gian qua, không những các thông tin mua gom bên ngoài mà ngay trong nội bộ Sacombank cũng có hoạt động này”.
Đẩy giá cổ phiếu? Trong khi nội bộ STB càng ồn ào thì giá cổ phiếu này cứ tăng. Thống kê cho thấy trong năm 2011, giá cổ phiếu có lúc xuống quanh mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) nhưng hiện tại giá đã khoảng 20.000 đồng/cổ phiếu. Căn cứ dữ liệu thống kê về cổ đông và các thành viên HĐQT góp vốn của STB trước thềm ĐHCĐ năm 2011, câu chuyện cho thấy một góc nhìn khác. Khi trừ đi tỉ lệ sở hữu của các cổ đông lớn trong năm 2011 như Công ty Cơ điện lạnh REE (3,66%), Dragon Capital (6,66%), ANZ (9,78%) thì có tỉ lệ góp vốn thành viên HĐQT và ban kiểm soát khá thấp. Trong dữ liệu này cho thấy cơ cấu cổ đông của STB, cổ đông pháp nhân trong nước là 17,28%, pháp nhân nước ngoài là 29,07%, tổng cộng là 46,35%; cổ đông thể nhân trong nước là 53,26%, nước ngoài vẻn vẹn 0,38%. Eximbank đã mua lại phần vốn của ANZ, gần 10% và đồng thời khẳng định họ đại diện cho 51% cổ phiếu có quyền biểu quyết. Xét trong cơ cấu cổ đông của STB thì chiếm phần lớn là nhà đầu tư nhỏ lẻ. Một khi các cổ đông lớn mua gom vào thì các nhà đầu tư này sẽ ào vào mua theo. Từ đó, cầu mua cổ phiếu ở thị trường tăng cao, đẩy giá cổ phiếu STB lên nhanh chóng. Các nhà đầu tư, kể cả Eximbank mua gom được cổ phiếu STB xem như lời to, tính theo thị giá cổ phiếu STB hiện nay. Mua thịt ngon với giá hời Sacombank dù gì vẫn là một ngân hàng tốt, vừa được tổ chức xếp hạng tín dụng nước ngoài đánh giá cao. Nếu sự thật xảy ra tình huống kiểm soát Sacombank thì xem như các nhà đầu tư đã mua một ngân hàng “toàn thịt” ngon với giá hời!.
TS LÊ THẨM DƯƠNG, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh |
Theo Phapluattp