"Tiền khôn" và quyền lực của Việt Nam

Thứ tư, 22/02/2012, 11:03
Nông sản là một thế mạnh và sẽ là "quyền lực" của Việt Nam trên trường quốc tế nếu cả Chính phủ, doanh nghiệp và người nông dân cùng chung sức.


 

Rất nhiều tiềm năng để phát triển" và "rót vốn vào nông nghiệp và chế biến nông sản" là không hề sai. Đó là nhìn nhận chung của nhiều chuyên gia kinh tế và cả các doanh nhân điều hành các công ty gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực này.

Thế mạnh nông sản

Trên bình diện vĩ mô, hiện các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực chế biến nông sản và thực phẩm không thể tách khỏi ảnh hưởng của tình hình thế giới. Khó khăn về kinh tế còn kéo dài chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Tuy thế, theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc Công ty Cà phê Trung Nguyên, một trái đất với hơn 7 tỉ dân sẽ có nhu cầu lương thực rất lớn. Xu hướng trong nhiều năm cho thấy, nông nghiệp giữ vai trò quan trọng trong tình hình khủng hoảng lương thực.

Bởi thế, theo quan điểm của ông Vũ, hiện nay và giai đoạn tới phải tư duy thiết kế lại, vận hành lại cơ cấu kinh tế. Nếu thế giới cần "thiết kế lại, vận hành lại" thì Việt Nam càng cần đẩy nhanh phát triển nông nghiệp, hiện đại hóa sản xuất kinh doanh hơn. Xu hướng sử dụng nông sản làm năng lượng sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ nông sản gia tăng. Việt Nam là nước có 80% dân số làm nông nghiệp. Do vậy, nếu Việt Nam chú trọng đầu tư vào nông nghiệp một cách căn cơ và bài bản thì cơ hội để người nông dân làm giàu là hoàn toàn trong tầm tay.

Hiện Việt Nam đang giữ vị trí cao trên thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu, điều, cao su... Nhiều loại trái cây, rau củ, hoa… cũng đang tiến ra nhiều thị trường nước ngoài. Theo cách nhìn của ông Vũ, nông nghiệp là quyền lực thật sự của Việt Nam nếu chúng ta có tư duy đúng, có ý chí thực hiện, có quốc sách về nông nghiệp. Ông Vũ lập luận rằng, thấy được xu hướng phát triển của một lĩnh vực có tiềm năng kinh tế thì các nhà đầu tư, những người muốn khởi nghiệp, nên mạnh dạn đầu tư cho nông nghiệp với cái nhìn toàn cầu, dù đó chỉ là sản xuất sản phẩm nhỏ, bình thường nhất.

Đồng tiền khôn: Đầu tư vào nông nghiệp

Dù nông nghiệp là thế mạnh của Việt Nam nhưng rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới làm công đoạn xuất khẩu thô chứ chưa thực sự xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị cho sản phẩm. Những doanh nghiệp thành công ở cả thị trường trong nước lẫn thị trường nước ngoài như Trung Nguyên, Vinamit vẫn còn khá hiếm hoi, dù rằng các doanh nghiệp trong lĩnh vực lúa gạo, tiêu, điều, cà phê, cao su, chè… của Việt Nam cũng rất nhiều tiềm lực.

Khởi nghiệp từ năm 1996 với việc đầu tư khá nhiều tiền xây dựng chuỗi quán cà phê Trung Nguyên để mọi người thưởng thức cà phê có thương hiệu, ông Đặng Lê Nguyên Vũ chứng minh, nếu có chiến lược xây dựng thương hiệu tốt thì Trung Nguyên hoàn toàn có thể cạnh tranh với các công ty đa quốc gia có cửa hàng cà phê khắp thế giới hoặc thương hiệu đa quốc gia nổi tiếng về cà phê. Có những lúc khó khăn, ngưng trệ khi thị trường Việt Nam xuất hiện các đối thủ nước ngoài có hình ảnh quá lớn trong lĩnh vực cà phê thế giới, nhưng ngoài sự say mê, còn có niềm tin nên ông Vũ vẫn không từ bỏ đầu tư vào sản xuất, kinh doanh cà phê. Những nỗ lực tiếp tục nhân rộng các quán cà phê trong nước và thành lập hệ thống quán Trung Nguyên ở nước ngoài đã gặt hái thành công. Hiện quán cà phê Trung Nguyên đã có mặt ở Singapore, Nhật, Thái Lan và Trung Nguyên bắt đầu chinh phục thế giới khi đưa sản phẩm cà phê vào các thị trường cạnh tranh như Trung Quốc, hệ thống siêu thị lớn như E-mart (Hàn Quốc), Costco (Mỹ).

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinamit, Nguyễn Lâm Viên, nhớ lại chặng đường khởi nghiệp vào thời kỳ mới thực hiện chính sách đổi mới kinh tế. Khi ấy, nhiều doanh nhân nước ngoài đến Việt Nam bảo với ông rằng, ông đang ở trên đống tiền từ những loại nông sản đặc biệt của Việt Nam mà không chịu khai thác.

Chạm đến đúng suy nghĩ làm trái cây sấy, cho dù có người ủng hộ, có người cho là "vớ vẩn", ông đã quyết định đầu tư công sức, vay mượn tiền bạc vào làm mít sấy. E ngại thị trường trong nước chưa chấp nhận, ông Viên đi tìm chỗ bán mít sấy ở nước ngoài. Vậy mà những đồng vốn đầu tiên đã sinh lời gấp 4 - 5 lần. Đến nay, tuy lợi nhuận không còn cao như trước do nhiều doanh nghiệp cũng sản xuất trái cây sấy, nhưng Vinamit đã chiếm 30 - 40% thị phần trong nước, thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng. Ông Viên khẳng định: đầu tư vào nông nghiệp là không dại vì ngành nông nghiệp luôn quan trọng, bất chấp sự thăng trầm của nền kinh tế. Thậm chí theo ông Viên, khi kinh tế suy giảm thì nông nghiệp chính là cứu cánh của nền kinh tế.

Một doanh nhân cũng đổ hết tâm sức vào nông nghiệp và tin tưởng đầu tư vào nông nghiệp không bao giờ sai, đó là ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang. Thế mạnh của công ty về thuốc bảo vệ thực vật, hạt giống và đội ngũ kỹ sư nông nghiệp hùng hậu là cơ sở thuận lợi cho An Giang khai thác toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - kinh doanh gạo.

Trong khoảng 5 năm gần đây, tốc độ tăng doanh thu và lợi nhuận trung bình hàng năm của công ty luôn trên 30%. Bảo vệ thực vật An Giang đang trong quá trình xây dựng và thực hiện tầm nhìn chiến lược lâu dài: vào năm 2015 sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ nông nghiệp hàng đầu với tiêu chí luôn hướng đến người nông dân và cùng người nông dân ra đồng; sẽ trở thành một tập đoàn kinh tế phối hợp theo chiều dọc với nhiều mảng kinh doanh từ cung cấp hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ nông nghiệp, đến kinh doanh gạo và các nông phẩm khác. Công ty sẽ có thương hiệu gạo riêng dành cho xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Dù dự đoán năm nay sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn, nhưng những nhà đầu tư vào nông nghiệp kể trên đều hy vọng Chính phủ sẽ có những chính sách tạo động lực cho doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn, làm cho những người còn đang chưa biết dùng tiền nhàn rỗi đầu tư vào đâu cũng sẽ thấy đầu tư vào nông nghiệp là hợp lý.

Theo Doanh nhân

Các tin cũ hơn