Thấy gì từ việc KLS giải ngân trên 1.160 tỷ đồng?

Thứ tư, 30/11/-0001, 00:00
Ngày 11/11/2011, thị trường xôn xao thông tin Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS) đã giải ngân hết số tiền 1.161,5 tỷ đồng.

 

 

Việc giải ngân của KLS khó ảnh hưởng nhiều đến thị trường niêm yết (Ảnh minh họa)



Thông tin này ngay lập tức tạo nên những quan điểm trái ngược trên các diễn đàn chứng khoán. Có nhận xét cho rằng tự doanh của KLS đã tính toán sai thời điểm khi mua vào lúc này và khả năng “kẹp” hàng là lớn.

Thậm chí có những tính toán võ đoán rằng các khoản đầu tư đã lỗ “bét” ra cũng -30%, cứ như thể nhà đầu tư đã xem được danh mục của công ty này vậy!

Ngược lại, không ít ý kiến cho rằng KLS đã đổ tiền vào thì khả năng lớn thị trường sẽ phục hồi. Thậm chí có nhà đầu tư tỏ ra tiếc rẻ vì không biết thông tin này sớm để mua vào! Quan điểm cẩn trọng lại suy tính khả năng tiền đổ vào lớn như vậy mà thị trường không tăng được thì rủi ro của chứng khoán tới đây càng lớn.

Suy luận của nhà đầu tư là vô cùng. Tuy nhiên, có vẻ ít người chịu khó tìm hiểu kỹ thông tin. Trước hết KLS công bố thông tin về tình hình sử dụng vốn một cách định kỳ theo quy định. Hồi tháng 4/2011 KLS đã có một báo cáo tương tự.

Theo báo cáo ngày 14/4/2011, KLS cho biết: “Với số tiền thu được từ đợt chào bán, công ty đã đẩy mạnh hoạt động tự doanh, trong đó chủ yếu là triển khai tham gia góp vốn, mua cổ phiếu của các công ty tiềm năng. Tổng doanh số đầu tư kể từ thời điểm hoàn tất việc thu tiền trong đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng cho hoạt động này đến hết năm 2010 là trên 1.100 tỷ đồng. Tổng doanh số đầu tư được xác định bằng tổng số tiền đầu tư tất cả các đợt tham gia góp vốn, mua cổ phần của hoạt động tự doanh.

KLS cũng cho biết phần giải ngân cho các hoạt động như bảo lãnh, mở rộng thị phần môi giới, triển khai dịch vụ mới như giao dịch ký quỹ... chưa thực hiện được do thị trường không thuận lợi và chưa có quy định pháp lý. KLS đã đem các phần vốn này đi gửi ngân hàng.

Đặt trong bối cảnh công bố thông tin định kỳ này, báo cáo giải ngân của KLS công bố hôm nay không có gì đặc biệt. Theo đó, tính đến ngày 7/11, tổng doanh số đầu tư kể từ thời điểm hoàn tất việc thu tiền trong đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng cho hoạt động này là 1.161,5 tỷ đồng.

KLS cho biết đã giải ngân đẩy mạnh hoạt động tự doanh, trong đó chủ yếu là triển khai tham gia góp vốn, mua cổ phiếu của các công ty có tiềm năng. Đồng thời KLS cũng dành một phần vốn cho hoạt động giao dịch ký quỹ.

Mối quan tâm chính của thị trường với thông tin giải ngân của KLS nằm ở chỗ, công ty rót tiền vào đâu. Chú ý là có hai mảng đầu tư KLS hướng tới: một là tham gia góp vốn và hai là mua cổ phiếu. Như vậy, ngoài khả năng tăng đầu tư vào cổ phiếu niêm yết, KLS có thể còn tham gia mạnh vào hoạt động góp vốn cổ phần, đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp chưa niêm yết.

Không có thông tin cụ thể để xác nhận tỷ trọng vốn đầu tư vào mỗi mảng là bao nhiêu, nhưng chắc chắn không có chuyện đổ cả lượng vốn cả ngàn tỷ đồng đó vào thị trường niêm yết. Lật lại thời điểm KLS tính chuyện “bỏ nghề”, lý do chính cũng vì các cơ hội trên thị trường niêm yết đang cạn kiệt. KLS hướng đến việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư dài hạn, góp vốn vào doanh nghiệp, dự án với tầm nhìn dài hơi hơn là lướt sóng. Thậm chí ngay cả thời điểm đầu tháng 9 vừa qua, đại diện của KLS được trích dẫn trên báo chí còn cho biết sẽ đứng ngoài thị trường đến hết năm, khi nào thanh khoản của HSX đạt mức 3.000 tỷ đồng/ngày.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2011 của KLS, khoản tương đương tiền của công ty còn ghi nhận 1.521,65 tỷ đồng. Như vậy khả năng lớn là KLS giải ngân mạnh trong tháng 10 vừa qua. Nếu lượng vốn lớn chạy vào thị trường niêm yết trong tháng 10 thì không khó để thấy giá trị giao dịch sẽ khá hơn mức èo uột như vậy.

Với thông tin đã giải ngân cơ bản hoàn tất nguồn vốn thu được từ đợt phát hành thêm, kết quả kinh doanh của KLS có thể sẽ có xáo trộn trong quý 4. Khoản lợi nhuận từ lãi tiền gửi có thể sẽ thay đổi. Doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính có thể sẽ tăng lên. Thực ra ngay từ cuối quý 3 vừa qua, KLS cũng đã có khoản phải thu khác tăng rất mạnh, đạt 363,8 tỷ đồng trong khi quý 2/2011 gần như không có.

Hoạt động tự doanh đầu tư cổ phiếu niêm yết không có thông tin cụ thể, chỉ biết rằng giá trị ghi sổ của chứng khoán thương mại đến 30/9/2011 của KLS đã giảm khá nhiều và trích lập dự phòng cũng giảm đi. Ngoài ra, nếu tham gia góp vốn, KLS sẽ có những khoản khó dự đoán về cổ phiếu trên thị trường OTC.

(Theo VnEconomy)