Toshiba đang bị nhấn chìm trong một vết nhơ khó có thể gột rửa. Cụ thể, kết quả của cuộc điều tra vào tháng 7 vừa qua cho thấy tập đoàn này đã tiến hành hạch toán và phóng đại con số 170 tỉ yên (tương đương với 1,2 tỷ USD) lợi nhuận, liên đới tới 3 đời chủ tịch là các ông Hisao Tanaka, Norio Sasaki và Atsutoshi Nishida.
Trong diễn biến tiếp theo đó, Chủ tịch tập đoàn ông Hisao Tanaka đã “gửi lời xin lỗi sâu sắc đến cổ đông và tất cả các bên liên quan” bởi vụ việc “gây ra những thiệt hại lớn chưa từng có đến hình ảnh công ty” và sau đó từ chức.
Đây được cho là bê bối cực kỳ nghiêm trọng và ảnh hưởng sâu sắc tới danh tiếng của một tập đoàn Toshiba có tuổi đời tới 140 năm - từng là trụ cột của tinh thần doanh nghiệp Nhật Bản.
Hậu quả là, Toshiba sẽ phải nhận án phạt kỷ lục lên tới hơn 7 tỷ yen (tương đương với 56,4 triệu USD) cho những sai phạm trong việc “xào nấu” kết quả kinh doanh kể trên. Ngoài ra, giá trị cổ phiếu của công ty này cũng đã giảm khoảng 23% kể từ khi vụ bê bối bắt đầu bị điều tra vào hồi đầu tháng 4 năm nay.
Hiện tại, Toshiba đang nỗ lực minh bạch hơn. Hay ít nhất, họ đang cho thấy mình cố gắng làm việc này. Tháng 9 vừa qua, một nhóm thành viên hội đồng quản trị mới được hình thành. Và công ty đã ra điều khoản để đa số các thành viên hội đồng quản trị là giám đốc bên ngoài.
Shinzo Maeda - Cố vấn cấp cao của hãng sản xuất mỹ phẩm Shiseido đã chuyển sang nắm vị trí chủ tịch Toshiba. Uỷ ban đề cử, kiểm toán và hội đồng bồi thường đều là những giám đốc bên ngoài. Thêm nữa, các quản lý có thể đánh giá năng lực của chủ tịch công ty thông qua bỏ phiếu tín nhiệm.
Đây đều là những nỗ lực thật sự đáng khích lệ.
Liệu những nỗ lực này có đơm hoa kết trái?
Thứ 7 ngày 3/10 vừa qua, tổng cộng 174 nhà lãnh đạo và quản lý của Toshiba đã cùng tới văn phòng công ty tại Kawasaki, Kanagawa Prefecture - phía nam Tokyo.
Những người tham dự bao gồm lãnh đạo cấp cao tại các chi nhánh và giám đốc tại công ty mẹ. Trong cuộc họp, Chủ tịch và CEO của Toshiba là Masashi Muromachi đã kêu gọi chung tay cải tổ Toshiba để không chỉ nhân viên mà cả những người bên ngoài công ty có thể ghi nhận và nhìn thấy những thay đổi này.
Tuy nhiên rõ ràng đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Một người trong cuộc cho biết những giám đốc trong nội bộ công ty gần đây tỏ ra băn khoăn liệu có nên để một số người không quen thuộc với công ty (các giám đốc bên ngoài) đưa ra quyết định hay không.
“Họ nói không có gì và cũng không nghe tôi nói”, một người mới được bổ nhiệm vào vị trí giám đốc bên ngoài nói.
Nhìn chung, để tìm lại được sự cân bằng trong tình hình quản trị của tập đoàn, Toshiba sẽ còn phải nỗ lực trong một thời gian dài nữa. Đây mới chỉ là những bước đầu tiên trong vố số thách thức mà tập đoàn này phải đối mặt.
Theo Tri Thức Trẻ