Cuối tuần qua, có 2 sự kiện công nghệ đáng chú ý là Ngày Internet Việt Nam “Internet of things” (IoT) và Hội thảo “Hệ lụy của loại hình Uber taxi, Grab taxi và các giải pháp ứng dụng CNTT vào quản lý vận tải”. Cả hai sự kiện này đều nhắc đến một hiện tượng đang gây sự tranh cãi và chú ý đặc biệt của dư luận: Uber và Grab.
Bỏ qua chuyện Uber taxi, Grab taxi có vi phạm luật kinh doanh, gây khó cho quản lý hay không, nhưng rõ ràng những ứng dụng công nghệ thông tin như Uber và Grab đang có một sức mạnh rất lớn, có thể khai tử cả một nhánh vận tải taxi truyền thống.
Cũng như gần đây, Viber, Zalo đe dọa doanh thu hàng chục ngàn tỷ đồng của các nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone.
“Viettel phải mất hơn 20 năm, hơn 30.000 người, đầu tư 2 - 3 tỷ USD mới đạt doanh thu 2 tỷ USD, còn Viber chi phí đầu tư gần như bằng 0. Viettel mất biết bao nhiêu năm xây dựng mạng lưới, vậy mà có một công ty chỉ chưa đến trăm người viết ra Viber đã đe dọa tới doanh thu”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Viettel cho biết và nói thêm, Viettel nhìn nhận sự xuất hiện của OTT theo hướng tích cực, là cú hích để mình thay đổi.
Không những “khai tử” nhiều ngành nghề, những ứng dụng công nghệ tầm thế giới như WhatsApp cũng chỉ 30 người và mất 2 năm để đạt được 450 triệu người dùng và được FaceBook mua lại với giá 19 tỷ USD.
Flappy Bird là một trong những sản phẩm công nghệ không mất nhiều vốn đầu tư, không mất nhiều thời gian, nhưng lại nhanh chóng có lượng khách hàng lớn và mang lại doanh thu khủng cho người sáng tạo ra nó |
Đơn giản hơn, có thông tin cho rằng, sản phẩm game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông gây sốt năm 2014, chỉ trong một thời gian ngắn đưa lên App Store và Google Play, mỗi ngày mang về 50.000 USD và ước tính đã mang lại cho Nguyễn Hà Đông hàng trăm tỷ đồng trước khi gỡ xuống.
Uber và Grab, Viber hay Zalo, WhatsApp hay Flappy Bird, tất cả đều là những sản phẩm công nghệ không mất nhiều vốn đầu tư, không mất nhiều thời gian, nhưng lại nhanh chóng có lượng khách hàng lớn và mang lại doanh thu khủng cho người sáng tạo ra nó.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho rằng, các doanh nghiệp và nhà quản lý cần phải thay đổi tư duy và cách tiếp cận mới trong kỷ nguyên của Internet. Đó là trải nghiệm số, mà mô hình của Uber và Grab Taxi là ví dụ.
“Uber không có hạ tầng (mạng viễn thông), cũng chẳng có xe, nhưng nhờ công nghệ mà họ đã và đang làm thay đổi hoàn toàn cách thức làm việc và kinh doanh của chúng ta. Trước đây, các doanh nghiệp tin học thường chỉ phục vụ doanh nghiệp khác, thì giờ họ đứng ra làm doanh nghiệp số”, ông Bình khẳng định.
Nhận định về cơ hội lớn trong thời đại IoT, ông Bình cho rằng, trong 5 năm tới, sẽ có khoảng 50 tỷ thiết bị kết nối, nhiều gấp 5 lần hiện tại. Từ đó, IoT có thể tạo ra nền kinh tếmới, trị giá 1.900 tỷ USD. "Đây là cuộc cách mạng không thể tưởng tượng được. Cuộc cách mạng này sẽ thay đổi hình hài thế giới. Bằng mọi giá, Việt Nam phải chớp được cơ hội này".
Theo ông Bình, Việt Nam đã và đang tham gia vào thế giới IoT. Chẳng hạn, đầu tháng 12/2015, dự án có tên là Akisai của Fujitsu sẽ được đưa về Hà Nội. Đây là một dự án nông nghiệp chính xác dựa trên cơ sở IoT.
Ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, Viettel đang kỳ vọng tỷ trọng về công nghệ thông tin có thể chiếm tới 50% doanh thu toàn Tập đoàn.
Đến năm 2020, Viettel đặt mục tiêu đạt doanh thu từ 450.000 đến 500.000 tỷ đồng, nghĩa là công nghệ thông tin sẽ mang lại doanh thu 230.000 - 250.000 tỷ đồng/năm, tương đương hơn 10 tỷ USD.
Điểm khác biệt trong cách tiếp cận lĩnh vực công nghệ thông tin của Viettel là chiến lược “không bán sản phẩm mà là cung cấp dịch vụ”. Viettel đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng trước, phát triển các phần mềm tiện ích và cung cấp cho khách hàng dưới dạng dịch vụ. Cách thức này tạo nên sự bùng nổ về nhu cầu, thay đổi thói quen cho khách hàng khi quyết định thuê dịch vụ mà không phải đầu tư hay duy trì hệ thống.
Viettel hay FPT theo đuổi những dự án công nghệ mang tầm quốc gia. Nhưng đó là chuyện của những ông lớn làm chuyện đường dài. Những doanh nghiệp nhỏ Việt Nam muốn “ngủ đêm tỉnh dậy” trở thành Viber, Uber, WhatsApp… hãy khởi nghiệp từ việc nhỏ, ngay bây giờ và từ những ứng dụng nhỏ hay đơn giản như game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông. Đó chính là cơ hội, là doanh thu của hàng ngàn doanh nghiệp đang “còng lưng” gia công phần mềm thuê cho nước ngoài.
Theo Báo Đầu Tư