Ôtô Tàu rầm rộ vào Việt Nam: Dân buôn trúng lớn

Thứ ba, 24/11/2015, 08:26
Một số ý kiến cho rằng, “ngày tàn” của ôtô tải Trung Quốc tại Việt Nam sắp tới do thuế nhập khẩu đang được xem xét nâng lên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) nhập ôtô tải Tàu lại mong chờ đến ngày này để họ thêm một lần trúng lớn.

Thuế giảm xe tràn ngập

Theo Thông tư 166 kèm Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2015-2018 của Bộ Tài chính, nhiều sản phẩm xe tải được giảm mạnh thuế suất thuế nhập khẩu từ ngày 1/1/2015.

Cũng từ đó, kim ngạch nhập khẩu xe tải nguyên chiếc từ Trung Quốc về Việt Nam tăng mạnh. Theo số liệu thống kê mới nhất, tính đến hết tháng 9/2015, nhập khẩu ôtô từ Trung Quốc đạt số lượng 20.000 xe, với giá trị 776 triệu USD, tăng 138% với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết xe nhập từ Trung Quốc là xe tải nặng.

Việc số lượng xe Tàu tăng đột biến được lý giải là do chính sách siết chặt tải trọng và số xe hết niên hạn sử dụng khiến cho nhu cầu về xe tải tăng cao. Song, bên cạnh đó còn có nguyên nhân quan trọng là thuế xe giảm mạnh, như đã nói ở trên.

Theo các DN, xe tải Trung Quốc hiện rẻ hơn xe sản xuất lắp ráp trong nước khoảng 5-15% tùy loại. Không những thế, xe Trung Quốc lại rất phong phú về chủng loại, mẫu mã đẹp, được dân kinh doanh ưu ái chọn mua. Chi phí thấp giúp khấu hao nhanh, qua đó tăng khả năng cạnh tranh về cước phí vận tải.

Chính vì vậy, mà lượng xe tải nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc tăng mạnh. Đỉnh điểm là tháng 5/2015 với số lượng nhập khẩu lên tới gần 7.600 xe.

Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho ra rằng thuế nhập khẩu ôtô tải nguyên chiếc còn rất thấp, thấp hơn so với thuế nhập khẩu linh kiện.

Cụ thể, trong khi chi phí lắp ráp và thuế nhập khẩu đối với linh kiện xe tải của các DN trong nước ở mức 24%, thì thuế nhập khẩu một số chủng loại ôtô tải nguyên chiếc (từ 20 tấn trở lên) chỉ còn 10-20%, thậm chí ôtô tải nguyên chiếc trên 45 tấn chỉ còn 0%.

Chính vì thế, các DN có xu hướng chuyển sang nhập xe tải nguyên chiếc thay vì nhập khẩu linh kiện để lắp ráp.

Thuế tăng, xe cũng tăng giá?

Sau khi nhận được phản ánh về vấn đề này, Bộ Tài chính mới đây đã ban hành dự thảo Thông tư sửa đổi thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xe ôtô tải, nhằm khuyến khích các DN sản xuất, lắp ráp xe trong nước.

Theo đó, xe tải có tải trọng từ 5 tấn trở xuống có thể sẽ bị tăng thuế suất từ mức 68% hiện nay lên 70%; xe từ 5-10 tấn tăng từ 50% lên 70%; xe từ 10-20 tấn giữ nguyên mức 30%; xe từ 20-dưới 45 tấn tăng từ mức 15%-20% lên mức 25% và 35% và xe trên 45 tấn giữ nguyên mức 0%. Sau thời gian lấy ý kiến, sẽ chỉnh sửa, ban hành chính thức và dự kiến thực hiện biểu thuế mới từ 1/1/2016.

Một số nguồn tin cho biết, thời gian qua, các DN Việt Nam đã ký hợp đồng nhập khẩu xe tải từ Trung Quốc với số lượng lớn. Hiện số xe nhập khẩu về Việt Nam đều thuộc về các hợp đồng đã ký.

Nhập khẩu về nhiều, cạnh tranh gay gắt, giá xe đang có chiều hướng giảm, cùng với đó là phải tung ra các chương trình khuyến mãi, hỗ trợ người mua xe.

Nay các DN đang mong chờ thuế nhập khẩu tăng từng ngày. Thuế tăng, đương nhiên số lượng xe nhập sẽ bị hạn chế, cùng với đó là giá tăng lên. Như vậy, những DN đã nhập số lượng xe lớn vào thời điểm thuế thấp, sẽ được hưởng lợi. Khi thuế đã tăng, sẽ đẩy giá xe trên thị trường tăng lên, xe bán ra không còn giảm giá, khuyến mãi nữa. Thêm một lần, DN nhập khẩu ôtô từ Trung Quốc lại đứng trước cơ hội “trúng” lớn.

Trong khi DN trong nước khốn đốn, thì DN nhập khẩu ôtô Trung Quốc được hưởng lợi lớn. Trước đó, đã có những DN lãi hơn 400 tỷ đồng trong ba quý vừa qua.

Ông Bùi Ngọc Huyên, chủ tịch HĐQT, Công ty CP ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), cho biết, cuối năm 2014, Bộ Tài chính có cử chuyên viên đến Vinaxuki tham khảo ý kiến về thuế nhập khẩu với xe tải nặng Trung Quốc.

“Khi đó chúng tôi đã đề nghị giữ nguyên thuế suất theo cam kết với WTO. Nhưng Bộ lại hạ quá nhanh và kết quả là xe tải nặng Trung Quốc tràn sang Việt Nam, với số lượng lớn. Điều này khiến cho hàng trăm nghìn bộ lốp cỡ lớn, hàng chục nghìn thùng chứa hàng xe tải nặng, do DN trong nước tự sản xuất, không tiêu thụ được. Việt Nam đang vận hành một quy trình ngược. Các chính sách không hỗ trợ, mà còn dập tắt khả năng phát triển của DN sản xuất trong nước”, ông Huyên nói.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn