Tại hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào Tổng công ty Cảng hàng không tuần qua, PV đã có cuộc trao đổi với ông Chủ tịch ACV - Nguyễn Nguyên Hùng về tình hình hoạt động của doanh nghiệp và kế hoạch cổ phần hóa.
Báo cáo ACV công bố trước đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng cho thấy thu nhập trung bình của hơn 8.000 nhân viên sân bay đạt gần 21 triệu đồng. Ông đánh giá như thế nào về mức thu nhập này, trong bối cảnh chất lượng dịch vụ tại các sân bay luôn bị đánh giá thấp?
Theo số liệu báo cáo thì năm 2014, thu nhập trung bình người lao động ACV là gần 21 triệu đồng, nhưng thực chất chỉ được 17 triệu đồng thôi. Số còn lại là chi phí thuê nhân công bên ngoài cộng dồn vào.
Dịch vụ hàng không ở các sân bay gồm nhiều doanh nghiệp khai thác, ACV chỉ quản lý mặt bằng, nhà ga, sân đậu… Mỗi một công ty có một tiêu chí phục vụ riêng của họ. Vì vậy, chất lượng dịch vụ sân bay phụ thuộc vào từng công ty. Nếu dịch vụ quá tệ, bị khách hàng than trách nhiều thì với vai trò quản lý chung, ACV sẽ nhắc nhở, khuyến cáo và yêu cầu các doanh nghiệp này phải cải thiện.
ACV hiện khai thác 22 sân bay với bộ máy hơn 8.400 nhân viên. Ông nghĩ sao về con số trung bình gần 400 người để quản lý một sân bay?
Bộ máy này của tổng công ty đã tối ưu hóa rồi. Tôi nghĩ như vậy không hề cồng kềnh. Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, quản trị doanh nghiệp, quản trị đầu tư và sản xuất kinh doanh chắc chắn sẽ còn phải thay đổi. Dự kiến sẽ có hơn 7.900 cán bộ được chuyển sang làm trong công ty cổ phần. Số lao động còn lại sẽ chuyển qua các doanh nghiệp khác. Cổ phần hóa rất hay là không ai thất nghiệp cả.
Sau khi chuyển sang hoạt động với mô hình mới, chúng tôi mong muốn hiệu quả sẽ cao hơn. Công ty sẽ cố gắng nâng lương và chế độ phúc lợi cho nhân viên nhưng tất cả còn phụ thuộc vào kết quả kinh doanh. Nếu công ty hoạt động hiệu quả, kết quả tốt thì chắc chắn lương nhân viên sẽ cao hơn mức hiện nay.
Tuy vậy, biên lợi nhuận của ACV hiện chỉ ở mức hơn 10%, trong khi các sân bay trong khu vực hay Trung Quốc đều ở mức 30-50%. Điều này sẽ thay đổi như thế nào sau cổ phần hóa?
6 tháng đầu năm, biên lợi nhuận gộp của ACV đạt 11,26%, trong khi trung bình khu vực là trên 36%. Biên lợi nhuận thấp vì ACV đang trong quá trình đầu tư, mở rộng cơ sở hạ tầng các sân bay, chi phí khấu hao rất lớn. Năm 2014, khấu hao và chi phí hoạt động của ACV đã chiếm gần 60% doanh thu, chi phí nhân công là 26%... Việc xây dựng nhà ga T2 Nội Bài chẳng hạn, ACV phải trích 1.800 tỷ đồng để khấu hao. Sau cổ phần hóa, chúng tôi sẽ giảm dần chi phí này. Lợi nhuận sẽ tăng mạnh, không thua kém gì các nước khu vực.
Ngành hàng không của Việt Nam có tiềm năng phát triển quá lớn. 90 triệu dân mà tỷ lệ đi máy bay chỉ hơn 10 %, so với mức 30-40% của khu vực. Việt Nam đang hội nhập sâu với thế giới, ngành cũng có cơ hội bứt phá. Theo dự báo của IATA (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế), trong giai đoạn 2014-2034, Việt Nam sẽ là nước có tốc độ tăng trưởng hàng không nhanh nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, số lượng hành khách sẽ tăng thêm khoảng gần 97 triệu người.
Trong cơ cấu doanh thu của ACV, dư luận chú ý tới khoản tiền hàng trăm tỷ đồng đến từ phí gửi xe, bán đồ ăn uống... bởi giá bán các mặt hàng này tại sân bay luôn bị coi là đắt đỏ. Sau cổ phần hóa, nguồn thu này sẽ ra sao?
Năm 2014 doanh thu từ phí gửi xe, cho thuê bến bãi khoảng 236 tỷ đồng, các doanh thu bán hàng, phục vụ ăn uống... khoảng 665 tỷ đồng. 80% phí tại sân bay đều do Nhà nước kiểm soát, còn riêng phí gửi xe do Hội đồng nhân dân tại các địa phương có sân bay quản lý. Vì vậy việc điều chỉnh giá giá luôn có lộ trình. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là dịch vụ phi hàng không và doanh thu bán hàng tại các sân bay còn nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới.
Trong quá trình cổ phần hóa ACV, phần lớn vốn chào bán sẽ dành cho nhà đầu tư chiến lược. Tiêu chí chọn đối tác của tổng công ty là gì, thưa ông?
Chúng tôi dự kiến bán đấu giá 3,47% cổ phần ra công chúng và 20% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. ACV mong muốn sẽ tìm được nhà đầu tư chiến lược sát cánh dài lâu, cùng chung tay giúp sức đưa doanh nghiệp phát triển lên tầm cao mới. Tiền thu từ cổ phần hóa sẽ được sẽ nộp lại cho Nhà nước, số rất ít còn lại mới để tại doanh nghiệp. Mục đích cuối cùng của cổ phần hóa là thu hút mọi nguồn lực để nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, quản trị vốn, mở rộng đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại để các hãng hàng không đến khai thác.
Về tiêu chí chọn nhà đầu tư chiến lược, ACV đã trình lên Bộ Giao thông vận tải và đang đợi phê duyệt. Tuy nhiên, các nhà đầu tư này sẽ bao gồm cả trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. ACV có sẵn kinh nghiệm phát triển hàng không rồi, giờ chỉ cần các đối tác đầu tư để cùng nhau phát triển. Tôi cho rằng việc định giá 11.800 đồng một cổ phần là khá hợp lý và có sự hấp dẫn nhất định với nhà đầu tư.
Theo VnExpress