Đường sắt trên cao đang thi công chạy song song cùng Xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Sài Gòn (Q2) đễn Dĩ An (Bình Dương) |
Chỉ tính riêng hệ thống xe buýt, bình quân mỗi năm, TP.HCM phải trợ giá từ ngân sách trên 1.000 tỷ đồng.
Đắt có xắt ra miếng?
Sáng 20/11, không khí làm việc tại công trường xây dựng khu đô thị, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng thuộc phường Thảo Điền (quận 2) cạnh dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên hết sức nhộn nhịp, khẩn trương. Những chiếc cần cẩu cao nghệu hối hả chuyển vật liệu xây dựng lên tầng cao các toà nhà đang xây dở dang. Đêm xuống, ánh đèn điện trên khu đất “vàng” thắp sáng cả một vùng ngoại ô cửa ngõ phía Đông Sài Gòn.
Một cán bộ thuộc Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM (BQL DA) tiếc rẻ: “Nếu khu đất này được sử dụng để cho thuê, tạo nguồn thu thì sau này có thể bù đắp đáng kể tiền trợ giá khi đưa tuyến metro số 1 đi vào hoạt động”
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP.HCM sẽ xây dựng 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất (hoặc đường sắt một ray) với tổng chiều dài khoảng 230 km. Kinh phí đầu tư xây dựng 8 tuyến metro ước tính trên 30 tỷ USD (chưa kể phần kéo dài tuyến đến các tỉnh, thành phố lân cận). Chỉ riêng tuyến metro số 1, kinh phí đầu tư đến nay đã lên tới gần 2,5 tỷ USD.