Một góc khu trưng bày đồ gỗ của doanh nghiệp Việt Nam tại triển lãm ở Mátxcơva. |
Ông Chiến về TP.HCM sớm hơn dự định trong khi Bibica vẫn để một đại diện ở lại Mátxcơva thương thảo thêm với một số đối tác. “Mục tiêu của chúng tôi là tìm được nhà nhập khẩu, làm ăn lâu dài, chứ chỉ mang hàng sang bán thì dễ lắm, bao nhiêu cũng hết”, ông Chiến nói thêm.
Bibica không phải là doanh nghiệp duy nhất tham gia triển lãm lần này đã nhanh chóng tiêu thụ xong lượng hàng dự kiến để bán cả tháng chỉ trong vài ngày đầu tiên. Các sản phẩm sữa đậu nành, nước uống trái cây, sữa bột của Vinamilk cũng đã bán hết, chỉ còn sản phẩm trưng bày với mục tiêu thiết kế tìm khách hàng hợp tác kinh doanh.
Bên gian hàng của Công ty đường Quảng Ngãi, một hàng dài người đứng chờ thử sản phẩm sữa đậu nành Soyamilk. Gian hàng của cơ sở sản xuất túi xách, đồ dùng từ da cá sấu của Việt Phong xem ra tấp nập hơn cả. Một phụ nữ tầm ngoài 50 đang sử dụng iPhone chụp hình một cái túi treo trên giá. “Tôi tên Maria, tôi muốn mua cái túi này tặng con gái, nhưng phải gửi hình xem nó có thích không”, bà nói khi được bắt chuyện.
Phần lớn sản phẩm trưng bày của Công ty Đồ gỗ Đức Lợi, có ba nhà máy sản xuất ở Bình Dương, đều treo biển “đã bán” dù triển lãm mới diễn ra được bốn ngày. Ông Lê Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc, cho biết người hỏi mua lẻ rất nhiều. Trao đổi với ông Phan Minh Lâm,Giám đốc tiếp thị của AA Corporation, ông nói bán hàng lẻ rất dễ vì giá cả đồ gỗ Việt nói chung thấp hơn mặt bằng giá đồ gỗ tại Nga. Cái khó là làm sao kiếm được đối tác hợp tác mà AA Corporation chưa có cơ hội tìm được.
Ngay sau khi khai trương triển lãm, đường dây nóng của Công ty Incentra, chủ đầu tư và quản lý khu phức hợp, đồng thời là một trong những bên đồng tổ chức triển lãm, đã nhận được nhiều cuộc gọi của khách hàng, phàn nàn sao hàng hóa như thủ công mỹ nghệ, sản phẩm xanh, sạch, gia vị, cà phê và nhất là nước hoa Miss Saigon của Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn... chỉ trưng bày mà không bán.
Bà Vương Bích Thu, đại diện Incentra, giải thích thực ra không phải doanh nghiệp không bán, mà là bán hết rồi, ngay ngày đầu tiên. Công ty Mỹ phẩm Sài Gòn phải gọi điện về nhà, yêu cầu gửi ngay hàng sang theo chuyến bay tiếp theo của Vietnam Airlines. Được cái Vietnam Airlines đang giảm giá cước 50% cho tất cả hàng hóa đưa vào triển lãm, nên chi phí vận chuyển của doanh nghiệp nhẹ hẳn.
Theo bà Thu, triển lãm có cả bán hàng, mà nếu không bán thì có thể Hiệp hội Người tiêu dùng ở đây sẽ lên tiếng. Một số doanh nghiệp sẽ phải bổ sung hàng để bán. Tuy nhiên để mang một khối lượng lớn hàng hóa vào Nga nhằm tiêu thụ dài hạn, phải tuân theo các thủ tục xuất nhập khẩu tương đối phức tạp, mất thời gian 3-6 tháng. Do đó mục đích của nhiều doanh nghiệp lần này (và cả những doanh nghiệp đã sang Nga trước đây) là tìm được nhà nhập khẩu, phân phối hàng chính thức của nước sở tại. Một khi nhà nhập khẩu địa phương đứng ra lo các thủ tục giấy tờ, doanh nghiệp Việt Nam chỉ tập trung xuất hàng, mọi việc sẽ “dễ chịu” hơn.
Khó khăn nhất cho hàng hóa Việt vào Nga có lẽ là thủy sản. Thủy sản Hùng Vương và một số công ty sản xuất, xuất khẩu cá tra khác cũng có mặt tại triển lãm. Bên lề triển lãm, một doanh nghiệp Việt ở Nga lâu năm nhận định thủy sản là mảng “xương” nhất mặc dù lợi nhuận nếu xuất được tương đối cao.
Lý do là các nhà xuất khẩu thủy sản Việt phải có được chứng nhận xuất xứ, chất lượng hàng hóa do cơ quan kiểm dịch của Nga cấp, mới đưa được hàng vào. Để mời cơ quan này sang Việt Nam kiểm dịch, chi phí bỏ ra không dưới 100.000 đô la Mỹ, trong đó có cả chi phí không tên. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đại sứ Việt Nam tại Nga đã rất nỗ lực, nhiều lần họp bàn với các đồng sự Nga, nhất là đại diện Bộ Phát triển kinh tế Nga để tháo gỡ trở ngại. Những ách tắc phía trên đã được cởi bỏ, nhưng nút thắt phía dưới ở cơ quan kiểm dịch dường như vẫn chưa chuyển động.
Nhìn từ triển lãm ở Mátxcơva vào tháng mùa đông này, có thể nhận ra rất rõ hai chuyển động. Thứ nhất nhu cầu tiêu thụ hàng Việt ở Nga là có, không những có mà còn rất tiềm năng. Kinh tế Nga quí 3-2015 suy giảm tới 4,3%, khiến cho hy vọng nền kinh tế có sức tiêu thụ lớn tại đây không rơi vào khủng hoảng, đã trở nên mong manh. Giá dầu mỏ sụt giảm, đồng rúp mất giá và lệnh cấm vận của Mỹ, châu Âu đang cản đà tăng trưởng của Nga.
Ông Trương Phú Chiến nói ông đến Matxcơva ngày 8-11-2015 tỷ giá đồng rúp/đô la Mỹ là 62-63 rúp, ông về ngày 15-11, tỷ giá đã là 69 rúp ăn một đô la Mỹ, tức đồng rúp mất giá khoảng 10% chỉ trong một tuần. Điều đó dĩ nhiên ảnh hưởng đến các công ty Việt Nam vì họ bán hàng thu tiền rúp.
Thủ tướng Nga D. Medvedev dự báo lệnh cấm vận có thể làm nước Nga thiệt hại 106 tỉ đô la Mỹ, còn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đầu tháng 10 vừa qua dự báo kinh tế Nga sẽ tăng trưởng âm 3,8% trong năm nay.
Các doanh nghiệp Nga đã gần như không thể phát hành trái phiếu trên thị trường vốn toàn cầu kể từ giữa năm ngoái do lệnh cấm vận. Hệ quả là doanh nghiệp Nga không thể tái cấp vốn cho những khoản nợ sắp đáo hạn với nước ngoài. Lạm phát đang đè nặng lên “con gấu” Nga với mức 16% trong 10 tháng đầu năm. Misa - nhân viên lái xe có thâm niên của Incentra, người sinh ra và lớn lên ở phố cổ nổi tiếng Starưi Arbat của Mátxcơva, nói thu nhập của ông 50.000 rúp/tháng.
Trước kia khi một đô la Mỹ ngang với 30 rúp, lương của ông đủ nuôi gia đình, nhưng giờ lạm phát và tỷ giá làm ông xoay xở không nổi. Ông nhớ lại thời trước ông có thể mua vé xem bất cứ trận đá banh nào của đội Spartak Mátxcơva, nay với ông đến sân vận động xem đá banh là một thứ xa xỉ!
Thứ hai cả doanh nghiệp và các bộ, ngành, nếu đã xác định Nga là một thị trường cần phải chiếm lĩnh, thì nên có một cái nhìn mới với tầm nhận thức mới về thị trường nơi đây. Việt Nam và Nga có bề dầy quan hệ hàng chục năm, mà hiện tại thương mại của Việt Nam với Nga chỉ đứng thứ 6 trong số các thị trường châu Âu, thứ 23 đối với tất cả thị trường thế giới.
Chúng tôi đã hỏi đại sứ Việt Nam tại Nga: “Đại sứ quán, thương vụ Việt Nam tại Mátxcơva sẽ làm gì để tạo đột phá trong tương quan thương mại hai nước?”. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Nga, nói: “Chúng ta quyết tâm phá thế trì trệ trong thương mại Việt - Nga”. Theo ông, nguyên nhân là chúng ta không đủ thông tin cho doanh nghiệp Nga vào Việt Nam và doanh nghiệp Việt vào Nga. Bên cạnh đó, cơ chế vận hành thanh toán, trao đổi hàng hóa còn là rào cản làm cho tốc độ đầu tư, thương mại của hai nước chưa như mong muốn.
“Các doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu thông tin về Nga, nhất là doanh nghiệp phía Nam. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn còn lo ngại tình hình an ninh trật tự tại Nga như những năm 1990, đó là một thiếu sót về truyền thông, nên con đường gặp nhau giữa hai cộng đồng doanh nghiệp chưa hiệu quả”, ông Sơn nhấn mạnh, “Doanh nghiệp hai nước cần trao đổi thường xuyên với nhau, thúc đẩy cơ chế thanh toán song phương càng sớm, càng tốt. Đây sẽ là một nội dung quan trọng cho cuộc họp Ủy ban Liên chính phủ hai nước sẽ tổ chức vào tháng 12 tới”.
Nước Nga - mảnh đất đáng để tới làm ăn Khi tôi bước ra khỏi bến tàu điện ngầm VDNK (Triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân), chuyến xe buýt cuối cùng trong ngày chạy thẳng về Khu phức hợp đa năng Hà Nội - Mátxcơva đã rời đi từ lúc nào. Đã gần 23 giờ, từng cơn gió buốt cắt vào màn đêm của thủ đô nước Nga. Phía bên kia đường của đại lộ Hòa Bình, khách sạn Kosmos cao hơn 30 tầng, một thời nguy nga lộng lẫy giờ xám lại. Tôi định vẫy taxi thì một phụ nữ trung niên chậm rãi bước tới: “Cô về Trung tâm Hà Nội - Mátxcơva à?”. Tôi gật đầu, bà bảo hãy đi theo bà và chúng tôi đón chiếc xe điện số 172 tại một bến khác. “Tôi sống ở khu vực này lâu rồi” - bà kể và tự giới thiệu tên Irina - “Cuối tuần tôi sẽ qua trung tâm Việt Nam mua đồ, nghe nói có triển lãm bán hàng”. Giờ đây người ta lại có thể lang thang trong metro, khắp nơi ở Mátxcơva kể cả lúc đêm khuya mà vẫn bình yên vô sự. Người dân Nga có thể đã thay đổi một phần nào đó theo thời cuộc, nhưng tự đáy lòng, họ vẫn tốt bụng như ngày xưa, thời Xô viết. Nước Nga, suy cho cùng, là mảnh đất đáng để đặt chân tới làm ăn, là nơi hạt gạo, hạt cà phê Việt Nam nên có mặt. |
Theo TB KTSG