Số liệu mới công bố bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong năm 2015, các lô hàng nông, thuỷ sản xuất khẩu vi phạm bị phát hiện qua kiểm tra chứng nhận an toàn thực phẩm tăng cao.
Trong 9 tháng đầu năm 2015, số lô hàng thuỷ sản xuất khẩu vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm là 165 lô và 78 lô bị phát hiện vi phạm quy định hoá chất kháng sinh.
Báo cáo của cơ quan thú y tại cửa khẩu cũng chỉ ra, một nguyên nhân quan trọng khác khiến hàng nông, thuỷ sản xuất khẩu bị trả về do đóng gói sai quy cách, nhãn mác sai thông tin.
Theo chuyên gia nông nghiệp, GS. Võ Tòng Xuân, hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông, thuỷ sản hoạt động manh mún, chưa tiếp cận đầy đủ thông tin, yêu cầu từ phía doanh nghiệp nhập khẩu, các tổ chức hiệp hội chưa đưa ra những giải pháp và thông tin đầy đủ cho doanh nghiệp.
“Hàng nông, thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam bị trả về nguyên nhân không chỉ ở chất lượng của sản phẩm, mà còn do doanh nghiệp chưa hiểu đúng, hiểu đủ những yêu cầu liên quan đến đóng gói, mẫu mã, bao bì sản phẩm. Một số doanh nghiệp để đưa hàng vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ cần thuê những tổ chức tư vấn quốc tế am hiểu các thủ tục pháp lý để tư vấn cho doanh nghiệp”, GS. Võ Tòng Xuân nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo bà Nguyễn Thị Thu Thanh, Phó giám đốc Công ty TNHH Hải sản Bền Vững (Khánh Hoà) - doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường chính là Mỹ hơn 10 năm nay, để đưa được sản phẩm vào thị trường Mỹ, doanh nghiệp cần phải trung thực khi cung cấp thông tin hàng hoá, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đặc biệt lưu ý quy trình dán nhãn mác, đóng gói sản phẩm từ phía doanh nghiệp Mỹ.
Bà Thanh thông tin thêm, tại thị trường Mỹ vừa qua xuất khẩu của doanh nghiệp đã tăng khá mạnh, khi năm 2013 xuất khẩu và thu về 1 triệu USD, năm 2014 con số này lên 1,2 triệu USD.
Với trường hợp của Công ty Cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco), định hướng của Lafooco là đưa các sản phẩm nhân điều nguyên liệu, hạt điều thành phẩm, đậu phộng thành phẩm... đến các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật, châu Âu... Lafooco xác định, bằng chính thương hiệu của mình, công ty sẽ xâm nhập vào những thị trường kể trên thay vì song hành cùng thương hiệu các nhà nhập khẩu khác.
Tuy nhiên, để đưa sản phẩm vào thị trường được đánh giá là khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu... thì câu chuyện không đơn giản chỉ dừng lại ở chất lượng sản phẩm, mà các thủ tục về an toàn thực phẩm, phân phối... cũng rất quan trọng.
Do đó, đại diện Lafooco chia sẻ, doanh nghiệp tìm tới GFSF (Diễn đàn An toàn thực phẩm thế giới) - tổ chức phi chính phủ về vệ sinh an toàn thực phẩm có trụ sở tại Hoa Kỳ, để có thêm những tham vấn quan trọng cho mục tiêu của doanh nghiệp.
Với hơn 400 thành viên, bao gồm các tổ chức, công ty trong ngành nông nghiệp, thủy sản trên thế giới, GFSF có khả năng vận động hành lang và am tường các thủ tục pháp lý, kết nối thương mại để chọn cách tiếp cận những thị trường khó tính một cách hiệu quả nhất.
Bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch CSC Việt Nam - đối tác chiến lược triển khai chương trình của GFSF tại Việt Nam, cho biết mục tiêu của GFSF là tạo ra một diễn đàn kết hợp giữa các cơ quan chính phủ, tổ chức công với khối doanh nghiệp tư nhân, để nâng cao tình trạng an toàn thực phẩm tại Việt Nam và hỗ trợ thúc đẩy việc xuất khẩu sản phẩm thực phẩm của Việt Nam ra các thị trường quốc tế.
Là thành viên Hội đồng Quản trị PAN Group - tập đoàn đang sở hữu các doanh nghiệp hàng đầu về nông nghiệp, thực phẩm như NSC, LAF, ABT, Bibica…, CSC Vietnam kỳ vọng sẽ là cầu nối của diễn đàn này tại Việt Nam.
“Các doanh nghiệp Việt cần có một địa chỉ để nhận được tư vấn chuyên nghiệp về cách xây dựng hay thay đổi chiến lược sản phẩm của mình như thế nào để phù hợp với yêu cầu của thị trường các nước phát triển như Mỹ, Nhật, châu Âu… qua đó, tăng được giá trị xuất khẩu, giảm thiểu rủi ro có thể phát sinh trong các tranh chấp thương mại do chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm khi xuất khẩu sang các thị trường này”, bà Trà My khuyến nghị.
Theo VnEconomy