‘Không thay đổi, Việt Nam sẽ làm thuê cho thế giới’

Thứ sáu, 20/11/2015, 16:48
Kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhưng vẫn ở đẳng cấp thấp. Campuchia và Lào đã vượt mặt.

Mặc dù thừa nhận kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu nhưng các đại biểu tham dự diễn đàn “Tổng kết 30 năm phát triển kinh tế Việt Nam (VN)” do Viện Kinh tế VN tổ chức ngày 19-11 đều chung nhận định: Kinh tế VN vẫn tụt hậu, đang ở đẳng cấp thấp.

Hàn Quốc xuất khẩu ông chủ, Việt Nam xuất khẩu làm thuê

Dẫn lời một chuyên gia nổi tiếng, Viện trưởng Viện Kinh tế VN Trần Đình Thiên tổng kết: “Hiện nay Hàn Quốc xuất khẩu ông chủ sang VN, còn VN chủ yếu xuất khẩu lao động làm thuê sang Hàn Quốc. Đây là một hình ảnh đáng giá để nói về sự tụt hậu của VN 30 năm qua”.

Theo ông Thiên, 30 năm, Hàn Quốc thay đổi chân dung quốc gia rất nhanh, còn VN vẫn là hình ảnh quốc gia xuất khẩu lao động. Dẫn lời GS Trần Văn Thọ, ông Thiên cho rằng: “Dù xuất khẩu đẳng cấp thấp nhưng vẫn đang được nhiều người coi là thành công, song nếu cứ tiếp tục định hướng này thì VN sẽ là quốc gia đi làm thuê cho toàn thế giới”.

Đồng tình, TS Vũ Tuấn Anh, chuyên gia cao cấp của Viện Kinh tế VN, chỉ ra một nghịch lý khác: VN xuất khẩu lao động được đào tạo sang các nước Trung Đông, Hàn Quốc, Đài Loan… nhưng lại nhập khẩu lao động cơ bắp vào VN. Điển hình là lao động Trung Quốc tại những công trình do Trung Quốc làm tổng thầu ở Hà Tĩnh, Tây Nguyên.

Ở khía cạnh khác, TS Vũ Tuấn Anh nhận xét năng suất của lao động VN có tốc độ tăng trưởng rất chậm, thua kém nhiều nước trong khu vực như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…

“Năng suất lao động của chúng ta đứng ở mức thấp nhất khi so sánh với một số nước châu Á và chỉ đóng góp 20% vào sự tăng trưởng trong nhiều năm qua” - ông Tuấn nêu thực trạng.

Còn GS Nguyễn Quang Thái - Hội Kinh tế VN thì nhìn nhận năng suất lao động VN kém chủ yếu do cơ cấu kinh tế lạc hậu, dẫn đến lao động làm việc ở khu vực năng suất thấp quá đông. “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế không đạt yêu cầu và không phù hợp với tiềm năng kinh tế của VN” - ông Thái bình luận.

Việc nâng tỉ lệ nội địa hóa ngành ôtô sản xuất trong nước coi như bị phá sản.

“Xin đừng tô hồng Việt Nam”

GS Nguyễn Quang Thái kể: Tuần trước, ông làm việc trực tuyến với Ngân hàng Thế giới. Họ khen ngợi và đánh giá VN rất cao.

Đáp lại những lời khen này, ông Thái nói: “Cám ơn các bạn đã yêu quý VN nên đã tô hồng VN quá nhiều. Các bạn muốn để VN tiến lên, có khát vọng tăng trưởng thì các bạn nên nói rõ những khuyết điểm, những mặt còn yếu kém”.

Dưới góc nhìn của ông Thái, VN hiện đã tụt hậu và có những khía cạnh tụt hậu rất xa so với thế giới. “Chúng ta xuất khẩu được 150 tỉ USD nhưng để xuất khẩu được chừng này thì lại phải nhập khẩu nguyên liệu rất nhiều. Chúng ta đã làm nhân đạo rất tốt là… xuất khẩu hộ các nước khác!” - ông Thái tỏ vẻ ngậm ngùi.

Lấy ví dụ về xuất khẩu gạo, GS Thái nói VN xuất khẩu gạo được 3 tỉ USD nhưng dành ra tới 3,8 triệu ha để trồng lúa. “Chúng ta đang thích định lượng và thích sự ổn định về số lượng, không quan tâm đến chất lượng nên gạo của VN không có thương hiệu”.

Dẫn ra một con số khác, TS Vũ Tuấn Anh chỉ ra VN xuất khẩu gạo được 3 tỉ USD nhưng lại nhập khẩu tới 4 tỉ USD ngũ cốc, thức ăn chăn nuôi.

Từ đây các đại biểu cho rằng nền nông nghiệp của VN cũng tụt hậu như đặc trưng chung của nền kinh tế. TS Lê Xuân Bá, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, phát biểu: “Nền nông nghiệp VN không chỉ lạc hậu mà còn là nền nông nghiệp bẩn, đang đầu độc cả dân tộc một cách hợp pháp bằng các loại nông sản không an toàn”.

Theo ông Lê Xuân Bá, nếu không khắc phục được tình trạng này, nền nông nghiệp Việt chẳng những không tận dụng được cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại, mà còn bị những thách thức của tiến trình hội nhập quốc tế nhấn chìm.

Mai mốt có còn đi vay được không?

Lấy ví dụ về sự phát triển của hạ tầng VN, TS Vũ Tuấn Anh nhận xét hạ tầng đã có những thay đổi rất nhanh. Có điều cơ sở hạ tầng đó có được là nhờ VN đi vay.

“Trong tương lai, chúng ta có còn đi vay được nữa không? Nếu không thì chúng ta sẽ xử lý bài toán hạ tầng thế nào?” - ông Anh lo lắng. Ông cũng cho rằng nếu nói về tốc độ tăng trưởng, VN thuộc loại có tốc độ tăng trưởng cao. Thế nhưng chúng ta vẫn ở một đẳng cấp thấp so với các quốc gia khác. Hiện nay Campuchia và Lào cũng đã vượt VN.

“Niềm tự hào tốc độ tăng trưởng nhanh cũng chưa đủ để giúp chúng ta tiến lên” - ông Anh nhìn nhận.

Vạch ra lý do, TS Vũ Tuấn Anh nói VN hiện tăng trưởng nhờ vào vốn (60%), mà chủ yếu là nhờ đầu tư nước ngoài. Công nghệ rất lạc hậu, còn việc chuyển giao công nghệ chủ yếu là nhờ các tập đoàn lớn của nước ngoài.

Trong khi các doanh nghiệp của chúng ta chỉ chuyển giao và tiếp nhận công nghệ mới rất ít. “Nếu cứ đà này thì các doanh nghiệp nước ngoài sẽ chiếm lĩnh toàn bộ nền công nghiệp VN. Nếu một nền kinh tế với công nghệ lạc hậu, rệu rã thì có thể phát triển được hay không?” - ông Anh đặt vấn đề.

Để tăng trưởng bền vững và có hiệu quả, GS Thái đề nghị cần phải xem lại chính sách đầu tư của VN. “Tiền trong túi ít thì phải dè xẻn, phải tính toán sao cho hiệu quả. Nhưng đáng tiếc là chúng ta chưa quan tâm đến điều này” - GS Thái nói.

Đi vào cụ thể hơn, TS Dương Đình Giám nói: “Tư duy tỉnh này có nhà máy thép, tỉnh kia cũng phải có, tỉnh này có xi măng, tỉnh kia cũng đầu tư, không chịu kém đã làm lãng phí nguồn lực để phát triển”.

Bị ràng buộc bởi “vòng kim cô”

Chúng ta phải chú ý đến những bài học không thành công. Do khách quan, VN không có một mô hình, một chủ thuyết phát triển rõ ràng. Sự đổi mới kinh tế cũng chưa chú ý đến chất lượng.

Người VN thích tranh luận. Chúng ta 30 năm nay vẫn đang tranh luận với nhau về kinh tế thị trường định hướng XHCN, doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo. Cuộc tranh luận này vẫn chưa kết thúc.

Những quan điểm hiện đại như kinh tế tri thức, kinh tế xanh, quốc gia khởi nghiệp, chúng ta cũng đã tranh luận 15 năm nay mà không rõ nội hàm của nó là gì.

Chúng ta vẫn bị ràng buộc bởi nhiều vòng kim cô, mãi không thoát ra được. Chúng ta đang luẩn quẩn với những triết lý, chẳng hạn như cái chung hay cái riêng mang tính quyết định.

Nguyên Phó Thủ tướng VŨ KHOAN

Theo ông Lê Xuân Bá, ngành ôtô, tỉ lệ nội địa hóa với mục tiêu 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010 với xe thông dụng đã bị phá sản. Bởi hiện nay ngành này mới chỉ đạt có 7%-10% với xe con và 50% xe khách và tải nhẹ. Như vậy VN đang tụt hậu so với chính mục tiêu chúng ta đề ra.

Theo PLO

Các tin cũ hơn