Hiệp định TPP được ký kết, mở ra nhiều thuận lợi, cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, bức tranh không phải toàn màu hồng và vẫn có rất nhiều thách thức hiện diện.
Tại Diễn đàn kinh doanh với chủ đề “Đầu tư Nông nghiệp thời TPP”do Kênh Thông tin Tài chính- Kinh tế CafeF phối hợp với Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, ông Ngô Minh Hải- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn TH đã cho rằng về tổng thể TPP sẽ đem lại lợi ích cho Việt Nam vượt trội so với các quốc gia khác tham gia hiệp định. Tuy nhiên, đối với ngành nông nghiệp thì ngược lại khi đây là ngành chịu nhiều thiệt thòi nhất khi khó khăn còn lớn hơn thuận lợi.
Ông Hải cho biết, khi thuế quan được dỡ bỏ, ngành bò sữa Việt Nam sẽ phải đối mặt với 3 cường quốc Mỹ, Australia, New Zealand khi sản phẩm của họ tràn vào nước ta. Những cường quốc về ngành bò sữa này có nguồn tài chính lớn, công nghệ tiên tiến, năng suất sản phẩm cao dẫn đến giá thành sản phẩm thấp. Điều này tạo ra sức ép không hề nhỏ khi sản phẩm của họ tràn vào Việt Nam.
Theo ông Hải, sản phẩm nước ngoài đã có thương hiệu, tuân thủ quy chuẩn chất lượng ở mức cao. Trong khi đó, ngành bò sữa Việt Nam còn quá trẻ và điều kiện quy chuẩn còn mù mờ, chưa minh bạch và điều này sẽ càng khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn khi cạnh tranh.
Vẫn có thể cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại
Mặc dù những khó khăn đối với nông nghiệp, đặc biệt với ngành bò sữa là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng cơ hội vẫn còn với các doanh nghiệp trong nước khi các cường quốc mạnh về bò sữa khi xâm nhập thị trường Việt Nam sẽ gặp trở ngại không nhỏ, đó là “Vận chuyển”.
Theo ông Hải, việc vận chuyển sữa bột không phải vấn đề quá lớn. Tuy nhiên, nếu là sữa tươi vận chuyển từ Australia, Mỹ, New Zealand thì là một câu chuyện hoàn toàn khác khi những sản phẩm này có hạn sử dụng khá ngắn, không dễ bảo quản.
Phó TGĐ Tập đoàn TH nhận định doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh trên thị trường bằng việc xây dựng thương hiệu mạnh, một thương hiệu được tạo dựng bằng chính niềm tin của người tiêu dùng với chất lượng không thua các sản phẩm từ nước ngoài. Để làm được việc này, các doanh nghiệp cần vượt qua bằng chính nội lực và niềm tin của mình.
Ngoài ra, sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước cũng là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp Việt vượt qua khó khăn khi Việt Nam có rất nhiêu sản phẩm đạt chất lượng cao, không thua kém gì nước ngoài.
“Tôi mong rằng một ngày nào đó, người tiêu dùng ủng hộ sản phẩm Việt Nam như người hâm mộ ủng hộ đội tuyển quốc gia trên sân Mỹ Đình trong các trận đấu quốc tế” trăn trở của vị lãnh đạo TH với ngành nông nghiệp Việt Nam.
Theo Tri Thức Trẻ