Người dân, đại diện doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo ngày 23/11 về việc thi hành Luật DN, Luật đầu tư 2014 sau năm tháng có hiệu lực (từ 1/7/2015).
Theo ông Nguyễn Hưng Quang - văn phòng luật sư NHQuang và cộng sự, mặc dù Luật DN cho phép DN được tự quyết định hình thức, số lượng và nội dung con dấu nhưng nghị định 78/2015 lại yêu cầu DN phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN trước khi sử dụng.
Và trong thông báo mẫu con dấu, DN còn phải nêu “thời điểm có hiệu lực của con dấu”. Do đó, một số cơ quan đăng ký kinh doanh đã yêu cầu DN chỉ được đăng ký thời điểm có hiệu lực của con dấu sau 3 ngày kể từ ngày gửi thông báo mẫu dấu, nếu không sẽ không nhận hồ sơ thông báo.
“Thậm chí DN còn được hướng dẫn: Chỉ được sử dụng con dấu khi mẫu dấu đã được đăng tải lên hệ thống đăng ký kinh doanh quốc gia” - ông Quang cho biết. Chưa hết, nghị định 96/2015 lại không cho một số loại DN được tự chủ con dấu (như các DN được thành lập theo Luật công chứng, Luật luật sư, Luật kinh doanh bảo hiểm...) dù Luật DN không hạn chế. Theo ông Quang, những nghị định này không phải hướng dẫn mà là thay đổi hẳn nội dung, phạm vi áp dụng của luật.
Cũng theo ông Quang, Luật DN chỉ yêu cầu DN phải “thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh” khi thay đổi ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, nghị định 78/2015 lại yêu cầu “kèm theo thông báo phải có quyết định và bản sao biên bản họp hội đồng thành viên hoặc của đại hội cổ đông (với công ty cổ phần)...”.
Ông Quang cho rằng với quy định nêu trên, không tính trường hợp có người nước ngoài tham gia, việc đi lại, tổ chức hội họp đã làm phát sinh chi phí không nhỏ cho DN... Tuy nhiên, ông Phan Đức Hiếu, thành viên soạn thảo Luật DN, lên tiếng trấn an rằng DN chỉ cần thông báo mẫu con dấu. Trường hợp sử dụng con dấu khi chưa thông báo, con dấu vẫn có hiệu lực, nếu có vi phạm cũng chỉ là vi phạm hành chính.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Cung - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - bày tỏ băn khoăn khi cho rằng tổ thi hành Luật DN vừa được Thủ tướng ký quyết định 1672/2015 thành lập “về cơ bản là hành chính, trong bộ máy hành chính; nặng về cơ quan phối hợp, không phải là tổ tư vấn cải cách”.
Theo ông Cung, điều kiện thành công của tổ công tác này là cần lực lượng tham mưu, tư vấn có chuyên môn cao ngoài bộ máy hành chính, các chuyên gia độc lập với sự đam mê, nhiệt tình và sáng tạo. Đặc biệt, lãnh đạo tổ biết chấp nhận rủi ro, kể cả rủi ro chính trị và nghề nghiệp vì lợi ích chung.
Ông Bùi Anh Tuấn, cục phó Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bộ Kế hoạch - đầu tư, cho biết sau 5 tháng Luật DN và Luật đầu tư mới có hiệu lực, cả nước đã có trên 40.800 DN được thành lập mới, tăng hơn 30% so với cùng kỳ 2014. Ngoài ra, đến nay đã có 52.000 mẫu con dấu được công khai trên hệ thống cổng thông tin đăng ký DN. Tuy nhiên theo ông Tuấn, trên 99% vẫn là mẫu dấu cũ, tròn. |
Theo Tuổi Trẻ