Không nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc

Thứ ba, 24/11/2015, 10:13
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ không nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc như kế hoạch ban đầu mà thay thế bằng phương án cho thuê hạng mục nhà ga hành khách.
Nhà ga sân bay Phú Quốc sẽ cho nhà đầu tư thuê

Đây là thông tin được ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp Bộ GTVT, nói với TBKTSG Onlinetại hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) diễn ra hôm nay 23-11 tại TPHCM.

Trước sự quan tâm của ba nhà đầu tư đến việc nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc, ông Minh cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, ACV sẽ không thực hiện phương án nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc mà thay thế bằng phương án cho thuê khai thác phần nhà ga hành khách.

"Phương án cho thuê ra sao, giá cả bao nhiêu, thời gian cho thuê trong bao lâu thì đang được ACV xây dựng. Việc cho thuê còn phụ thuộc vào quá trình đàm phán với các nhà đầu tư quan tâm. Và, phương án cuối cùng chỉ được chốt lại khi Chính phủ và Bộ GTVT thẩm định," ông Minh cho biết.

Cũng tại hội thảo, có khá nhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc ACV có tiếp tục thoái phần vốn của nhà nước tại ACV trong những năm tới hay không?

Trả lời vấn đề nhà đầu tư quan tâm, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc ACV cho biết, sau cổ phần hóa, việc thoái thêm bao nhiêu vốn là quyền quyết định của đại hội đồng cổ đông dựa trên tình hình kinh doanh và sự phát triển tại các sân bay.

Liên quan đến các dự án đầu tư sắp tới của ACV, ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên ACV, cho biết bên cạnh dự án sân bay Long Thành sẽ được xây dựng trong những năm tới, tổng công ty còn mở rộng cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất; sân bay Đà Nẵng; Chu Lai và Phú Quốc.

Về kế hoạch khai thác sân bay Tân Sơn Nhất khi sân bay Long Thành hoàn thành, ông Hùng cho biết, khi hoàn thành sẽ khai thác đồng thời cả hai sân bay, trong đó, sân bay Long Thành sẽ đảm nhận 80% các chuyến bay quốc tế.

Tại một sự kiện tương tự được ACV tổ chức tại Hà Nội vào tuần trước, Chủ tịch Hội đồng thành viên Nguyễn Nguyên Hùng cho biết trong số 22 sân bay quốc tế và quốc nội trong cả nước mà ACV độc quyền quản lý và khai thác thì chỉ có vài cảng hàng không có lời, trong khi có đến phân nửa có doanh thu rất thấp.

Bản cáo bạch của ACV công bố cuối tuần trước cho thấy, mảng dịch vụ hàng không (kinh doanh dịch vụ hành khách, cất hạ cánh, dịch vụ mặt đất) là mảng hoạt động chủ lực của ACV, đóng góp trung bình 81% doanh thu của ACV trong giai đoạn từ 2012 đến hết tháng 6-2014 là thời điểm doanh nghiệp chốt số liệu để chuẩn bị cho kế hoạch bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).

Trong giai đoạn 2012-2014, doanh thu mảng này có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 13%. Riêng sáu tháng đầu năm 2015, doanh thu mảng dịch vụ hàng không đã tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái do tăng trưởng hành khách 21% trong thời điểm 6 tháng đầu năm. Tính bình quân, tăng trưởng hành khách hàng năm vào khoảng 16%.

ACV tiến hành IPO ngày 10-12

Theo kế hoạch, ACV sẽ tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng vào ngày 10-12 với 77,804 triệu cổ phần (tương ứng 3,47% vốn điều lệ) với mệnh giá là 10.000 đồng, giá bán khởi điểm là 11.800 đồng.

Sau khi cổ phần hóa Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam có vốn điều lệ 22.430 tỉ đồng, tương đương hơn 2,24 tỉ cổ phần.

Trong đó, cổ phần Nhà nước nắm giữ là 1,68 tỉ cổ phần (tương đương 75% vốn điều lệ); cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là 448,62 triệu cổ phần (tương đương 20% vốn điều lệ); cổ phần bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư thông thường 77,8 triệu cổ phần (tương đương 3,47% vốn điều lệ); cổ phần còn lại bán cho người lao động và tổ chức công đoàn của ACV.

Bản cáo bạch của ACV không nêu cụ thể lợi nhuận của bất cứ cảng hàng không nào do ACV hiện quản lý, mà chỉ công bố doanh thu năm 2014. Trong số này, cảng hàng không Tân Sơn Nhất dẫn đầu với 22,15 triệu hành khách trong năm 2014, đạt 110% công suất khai thác và có doanh thu đến 3.576 tỉ đồng, bằng 40% doanh thu dịch vụ hàng không của ACV.

Cảng Nội Bài đứng thứ nhì về doanh thu với 2.458 tỉ đồng trong năm 2014, tuy mới đạt chưa đầy 57% công suất khai thác. Tiếp đó là cảng Đà Nẵng (679 tỉ đồng), cảng Cam Ranh (285 tỉ đồng), Phú Quốc  (99 tỉ đồng). Tuy nhiên có đến 14 sân bay doanh thu dưới 56 tỉ đồng/năm; có 8 sân bay chỉ đạt doanh thu dưới 11 tỉ đồng/năm và chưa khai thác đến 50% công suất; và thậm chí có sân bay chỉ thu được 2,43 tỉ đồng/năm (sân bay Cà Mau).

Ông Nguyễn Nguyên Hùng cho biết chỉ có sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài là sinh lời nhiều nhất cho ACV nhưng con số lợi nhuận cụ thể thì ông Hùng không đề cập. Ông nói sân bay Đà Nẵng ở điểm hòa vốn, còn các sân bay Cam Ranh, Phú Bài... cũng đang dần ổn.

Người đứng đầu ACV nhận định rằng, trong tương lai thì mức độ tăng trưởng doanh thu của ACV tại các sân bay sẽ cao hơn vì tăng trưởng ngành hàng không sẽ còn cao hơn nữa. ACV dẫn dự báo của Tổ chức Hàng không quốc tế IATA nhận định, trong giai đoạn 2014-2034, Việt Nam sẽ là nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Châu Á- Thái Bình Dương về hàng không, với mức tăng 7,3%/năm, cao hơn nhiều mức tăng bình quân của các hãng hàng không trong khu vực.

ACV dự báo doanh thu cảng hàng không đạt 8.204 tỉ đồng năm 2015 và đạt 11.122 tỉ đồng vào năm 2020, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 8%/năm nhờ sản lượng hàng khách quốc tế tiếp tục tăng và đơn giá dịch vụ hành không được điều chỉnh tăng từ tháng 10-2014.

Theo TB KTSG

Các tin cũ hơn