Ảnh minh họa |
Theo số liệu mới nhất từ Tổng Cục Thống kê, 11 tháng năm 2015 đã có 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam.
Trong đó, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 25 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Malaysia 24 tỷ USD; Vương quốc Anh 12,69 tỷ USD; Nhật Bản 12,67 tỷ USD.
Như vậy, sau một thời gian giảm mạnh vốn đầu tư vào Việt Nam (giảm từ năm 2012 là 56 tỷ USD xuống còn 23 tỷ USD năm 2014), năm 2015, Nhật Bản chính thức bị Hàn Quốc bỏ xa về số vốn dồn vào thị trường Việt Nam.
Về số lượng dự án, Hàn Quốc cũng có nhiều dự án đầu tư vào Việt Nam hơn Nhật Bản. Có khoảng 653 dự án do nhà đầu tư Hàn Quốc quy tập tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, con số này của các ông lớn Nhật Bản là 281 dự án.
Có thể nói, sự trỗi dậy của làn sóng đầu tư Hàn Quốc là do hai ông lớn trong ngành công nghệ Samsung và LG đã đổ bộ vào Việt Nam và kéo theo nhiều nhà cung cấp phụ tùng với quy mô đầu tư lớn không kém.
Cụ thể, chỉ riêng hai tổ hợp sản xuất của Samsung ở Bắc Ninh đã kéo theo hơn 40 nhà cung cấp Hàn Quốc đi cùng.
Tháng 5 vừa qua, LG cũng đưa vào hoạt động một nhà máy trị giá 1,5 tỷ USD sản xuất và lắp ráp các thiết bị gia dụng tại khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng). Nhà máy này là cơ sở sản xuất lớn nhất của LG tại Đông Nam Á.
Cùng với đó, từ đầu năm 2015 đến nay, hàng loạt dự án của các đại gia xứ sở kim chi cũng từng "nổi đình nổi đám" trong giới đầu tư.
Chẳng hạn như: dự án Nhà máy sản xuất sợi chỉ Tây An tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, có tổng vốn đầu tư 6 triệu USD (giai đoạn 1), chuyên sản xuất sợi chỉ polyester, sợi chỉ ni lông và các loại chỉ may công nghiệp khác...
Hay như: dự án Công ty TNHH Taekwang MTC Việt Nam tại KCN Long Bình, Đồng Nai (hoạt động tại Việt Nam từ năm 2005) điều chỉnh tăng vốn đầu tư 43,2 triệu USD, chuyên sản xuất mặt hàng giày thể thao xuất khẩu.
Không chỉ dừng lại ở hai lĩnh vực điện tử, hàng loạt tập đoàn về thương mại, dịch vụ, sản xuất khác như Lotte, chuỗi rạp chiếu phim CJ, Kumho... cũng đang không ngừng mở rộng kinh doanh và tăng cường sự hiện diện sâu rộng ở thị trường Việt Nam
Vậy, điểm hấp dẫn của thị trường Việt Nam với các đại gia xứ sở kim chi này là gì?
Tại cuộc khảo sát mới đây do Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA) thực hiện đối với 540 doanh nghiệp Hàn Quốc, kết quả chỉ ra rằng, Việt Nam là điểm đến được các doanh nghiệp này lựa chọn nhiều nhất.
Sở dĩ chọn Việt Nam, theo các doanh nghiệp này, là do cơ hội đang mở ra từ các thỏa thuận tự do hóa thương mại mà Việt Nam tham gia.
Trong đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc trông chờ nhiều hơn cả vào cam kết giảm thuế, mở rộng thị trường, cơ hội đầu tư từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Hàn Quốc.
Theo ông Martin Tricaud, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HSBC tại Hàn Quốc, sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến đầu tư của các công ty Hàn Quốc nhờ lực lượng lao động trẻ dồi dào, có tay nghề; chi phí nhân công thấp hơn Trung Quốc và các nước láng giềng; môi trường chính trị ổn định…
Bên cạnh đó, các FTA đang kết nối Việt Nam với 55 quốc gia trên thế giới cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam trong các tiến trình này cũng được các nhà đầu tư Hàn Quốc đánh giá cao.
"Dòng chảy thương mại và đầu tư sắp tới sẽ tiếp tục, nhất là khi FTA Việt Nam - Hàn Quốc được tận dụng", ông Martin Tricaud khẳng định.
Theo Tri Thức Trẻ