Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi và Luật Nhà ở sửa đổi đã chính thức có hiệu lực được gần 1 tháng nay. Mặc dù những hướng dẫn chi tiết để thực thi Luật này vẫn chưa được ban hành. Tuy nhiên, nhiều tín hiệu từ thị trường cho thấy, nhà đầu tư ngoại đang dần hâm nóng thị trường bất động sản Việt Nam.
Giao dịch tăng, giá tăng
Khảo sát mới nhất của Công ty CBRE cho thấy, sau một thời gian lép vế trên thị trường, phân khúc bất động sản cao cấp đang dần trở lại cuộc đua giành thị phần tại cả Hà Nội và TP HCM.
Biểu hiện là lượng giao dịch tăng ấn tượng thời gian gần đây, tại Hà Nội ước tính có khoảng 4.480 căn được giao dịch trong quý II, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước. Trong số các căn hộ mở bán mới quý II, CBRE cho hay, căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ tăng dần, mức tăng gấp 3 lần so với quý trước. Lần đầu tiên kể từ 2012, căn hộ cao cấp chiếm tỷ lệ khoảng 30% tổng số căn mở bán mới.
Căn hộ cao cấp được bán ngày càng tăng (Nguồn: CBRE) |
Tính chung 6 tháng qua, lượng giao dịch căn hộ cao cấp chiếm khoảng 22% tổng số giao dịch, tăng so với tỷ lệ 6% trong năm 2013 và 18% trong năm 2014. Cùng với đó, giá cũng tăng khoảng 4-6% so với năm trước. Sản phẩm thu hút khách nhất là các dự án có vị trí tốt với khoảng cách vừa phải đến trung tâm thành phố, hoặc gần các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng đang được triển khai.
Cùng tín hiệu khả quan này, tại TP HCM, trong quý II/2015, phân khúc cao cấp ghi nhận mức tiêu thụ khoảng 5.800 căn hộ, trong khi chỉ có khoảng 2.800 căn hộ được bán trong phân khúc bình dân.
Quý II/2015 được ghi nhận là quý có số căn hộ cao cấp mở bán theo quý đứng thứ nhì trong lịch sử (tương đương 4.500 căn), đa số nằm ở khu đông Sài Gòn. Không chỉ dừng lại ở số căn hộ chào bán mới, hầu hết các dự án cao cấp đã tăng giá bán trong giai đoạn/ lần mở bán sau, giá sơ cấp trên thị trường cao cấp tăng nhẹ 3,2% so với quý trước đạt 1.781 USD/m2.
Giá chào bán căn hộ cao cấp ở Việt Nam rẻ hơn nhiều nước khác trong khu vực (Nguồn: CBRE) |
Bà Nguyễn Hoài An, Phó Giám đốc Bộ phận tư vấn và nghiên cứu CBRE Việt Nam, cho biết, giá tăng chủ yếu tại các dự án quy mô lớn của chủ đầu tư có tên tuổi. Các dự án này thường cung cấp đầy đủ các tiện ích và hạng mục phụ trợ trong khu đô thị. Trong bối cảnh thị trường đang có dấu hiệu ấm lên, các chủ đầu tư cũng tái khởi động hoặc triển khai dự án cao cấp mới ở những vị trí đẹp để đáp ứng nhu cầu.
Còn ông Marc Townsend, Tổng Giám Đốc của Công ty CBRE Việt Nam, đánh giá: Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam khả quan hơn, với GDP tăng tốc lên cao nhất 5 năm qua, kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhất 10 năm, ngân hàng tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay, trong đó có vay mua nhà... là những yếu tố quan trọng hỗ trợ thị trường.
Vốn từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... sẽ “đổ bộ” bất động sản
Hiện tại, theo ông Marc Townsend, “người nước ngoài có tâm lý lạc quan vào thị trường bất động sản thương mại. Tập đoàn Lotte của Hàn Quốc mới đây đã mua lại cổ phần kiểm soát của khu phức hợp bậc nhất Diamond Plaza tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Trong khi đó, Keangnam Landmark ở Hà Nội, tòa tháp 72 tầng cao nhất Việt Nam được định giá 770 triệu USD, đang được Ngân hàng Goldman Sachs và Quỹ đầu tư Qatar Investment Authority nhăm nhe mua lại”.
Hơn nữa, “các công ty niêm yết có vốn sở hữu 100% của nước ngoài không thuộc lĩnh vực nhạy cảm sẽ được phép hoạt động từ ngày 1/9/2015. Điều này sẽ chỉ giúp đẩy mạnh hoạt động thu mua bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu chiến lược kinh doanh. Vốn đầu tư từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Hồng Kông hiện là nguồn vốn tích cực nhất trong lĩnh vực bất động sản, và tâm lý đầu tư sẽ chỉ tăng lên khi cân nhắc các điều luật mới trên”- Marc Townsend nhận định.
Không những thế, Marc Townsend cho rằng, “với nhiều triển vọng chính sách đang dần tạo điều kiện thuận lợi và minh bạch hơn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, không thể phủ nhận tiềm năng kinh tế lâu dài của Việt Nam. Những yếu tố cơ bản này, cùng với chi phí bất động sản tương đối thấp và lợi nhuận cho thuê cao hiện là bước chuyển mình của Việt Nam thu hút các nhà đầu tư bất động sản quốc tế”.