Hình ảnh những căn biệt thự bỏ hoang ở Nhơn Trạch sẽ giúp nhiều người tỉnh táo hơn khi lao theo các cơn sốt nóng mới trên thị trường địa ốc |
Những điểm nóng “săn” đất
Thời gian gần đây, giới kinh doanh địa ốc rỉ tai rủ nhau về huyện Cần Giờ, tìm kiếm các khu đất trong khu dân cư để mua lại. Cần Giờ là một huyện vùng sâu, vùng xa của TP. HCM, tại sao lại có sức hút mạnh đối với giới đầu tư như vậy?
Câu trả lời bắt nguồn từ dự án lấn biển Cần Giờ, hay còn gọi là Dự án Saigon Sunbay tại xã Long Hòa, từng do CTCP Đô thị du lịch Cần Giờ khởi công xây dựng từ năm 2007. Dự án này từng được mệnh danh là vịnh mặt trời, với ý tưởng lấn biển Cần Giờ, biến một bãi biển nhiều sình lầy, bùn đất đen của vùng đất phía Đông TP. HCM thành một vịnh nhỏ trong xanh.
Tổng mức đầu tư của dự án dự định lúc mới khởi công là 8.500 tỷ đồng, tương đương 526 triệu USD. Theo kế hoạch, dự án chia làm 2 giai đoạn, kéo dài trong 5 năm. Khâu kiến tạo, san lấp mặt bằng từ 2007 đến năm 2012. Kinh phí giai đoạn 1 ước tính khoảng 280 triệu USD. Giai đoạn 2, xây dựng các hạng mục, công trình, hoàn thành vào giữa năm 2016.
Tuy nhiên, dự án “khủng” này đã nằm trên giấy suốt nhiều năm qua do chủ đầu tư không đủ nguồn lực. Mới đây, nguồn tin của Đầu tư Bất động sản cho biết, một tập đoàn lớn nhất nhì Việt Nam hiện nay đã nhảy vào mua lại dự án này. Với năng lực khá mạnh của đơn vị, nhiều người tin tưởng, giấc mơ lấn biển Cần Giờ sẽ nhanh chóng được thực hiện, nên đã “săn” đất tại đây để đón đầu.
Một điểm nóng thu hút giới đầu tư địa ốc nữa là Long Thành (Đồng Nai). Kể từ sau khi Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành được Quốc hội thông qua, bất động sản Long Thành, đặc biệt là khu vực gần dự án này đã tăng giá một cách chóng mặt. Từ một vùng quê yên tĩnh, ít bóng dáng xe ôtô, thời gian gầy đây, mỗi ngày có đến hàng chục chiếc xe ôtô và rất nhiều xe máy quanh quẩn ở khu vực Long Thành để “săn đất”.
Người mua nhiều, khiến giá đất tăng nhanh. Ngay con đường đi vào Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành, hơn 1 tháng trước, giá chỉ 600 - 700 triệu đồng/1.000m2, nay đã tăng lên 1 - 1,2 tỷ đồng. Theo anh Hùng, một người dân địa phương, việc giá đất tăng ầm ầm nằm ngoài sức tưởng tượng của người dân.
“Trước đây tôi cũng có ý định bán đất, nhưng giờ quyết định không bán nữa, vì bán rồi sợ giá tiếp tục sẽ còn tăng cao”, anh Hùng nói.
Không chỉ đất trong khu dân cư, ngay cả dự án đất nền ở khu vực này cũng tăng giá, nhưng giao dịch lại không đáng kể. Theo ông Trần Đức Phương, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Nam Tiến, đơn vị hợp tác phát triển Dự án Bất động sản sân bay, sau khi Dự án Sân bay Long Thành được thông qua, nhu cầu mua đất ở dự án tăng rất nhiều, nhưng chủ đầu tư quyết định găm hàng không bán, chờ đến khi sân bay chính thức khởi công mới tung hàng.
Coi chừng mắc cạn
Theo phân tích của giới chuyên môn, việc các nhà đầu tư, đầu cơ đua nhau săn đất đón đầu quy hoạch, xét ở một góc độ nào đó là sự nhạy bén trong đầu tư. Tuy nhiên, những bài học từ nhiều năm trước đến giờ vẫn còn giữ nguyên tính thời sự.
Tại Long Thành, đây không phải là lần đầu tiên diễn ra cơn sốt đất, mà nhiều năm trước đã từng diễn ra, sau đó phải bán tháo vì không đủ kiên nhẫn chờ đợi. Hay như tại Nhơn Trạch (Đồng Nai), khi có thông tin được quy hoạch trở thành thành phố mới, nhà đầu tư đã ùn ùn kéo nhau mua đất tại đây, song gần 10 năm qua, nhiều khu đô thị tại Nhơn Trạch hiện vẫn không bóng người, còn nhà đầu tư có đất muốn tìm cách thoát, nhưng không được.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM, việc giá đất tăng từ 5 - 10%, thậm chí là 20% là bình thường, nhưng nếu chỉ trong một thời gian ngắn, giá đất nhảy vọt lên 50%, thậm chí có nơi lên đến 100% thì chắc chắn là sốt ảo. Vấn đề đặt ra ở đây là những thị trường sốt nóng một cách bất thường, thường không mang tính bền vững.
“Nhà đầu tư nên thận trọng, bởi dù Sân bay Quốc tế Long Thành có được khởi công xây dựng ngay, thì nhanh cũng phải 5 - 10 năm sau mới đưa vào hoạt động, đó là chưa kể có chuyện giới đầu cơ đẩy giá rồi thoát nhanh, chỉ có những người đến sau cùng lãnh đủ”, ông Châu khuyến nghị.
Theo Cafeland