Thị trường căn hộ BĐS vẫn còn nhiều tiềm năng |
Sự phục hồi của thị trường BĐS vẫn còn nhiều tiềm năng với giá bán căn hộ trung bình chỉ đang cao hơn mức đáy của chu kỳ 10-15%, và chỉ tương đương khoảng 67% mức đỉnh năm 2008. Chu kỳ mới này vẫn còn cách mức đỉnh 3-4 năm nữa và mức đỉnh kế tiếp sẽ cao hơn mức đỉnh năm 2008, mặc dù độ chênh lệch sẽ không nhiều.
Trong nửa đầu năm 2015, thị trường BĐS đã có những chuyển biến khá tích cực. Cụ thể, theo báo cáo mới đây của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, giao dịch BĐS đã tăng mạnh trong thời gian qua. Trong 6 tháng đầu năm tại Hà Nội có khoảng 7.500 giao dịch thành công, tăng gấp 2,5 lần lượng giao dịch cùng kỳ năm 2014. Còn tại TP. Hồ Chí Minh có khoảng 7.050 giao dịch thành công, tăng gấp 2,8 lần lượng giao dịch thành công cùng kỳ năm 2014.
Bộ Xây dựng cũng cho biết tồn kho bất động sản cũng có tốc độ giảm khá nhanh trong thời gian qua. Tính đến cuối tháng 5, tổng giá trị tồn kho bất động sản (BĐS) cả nước còn khoảng 83.519 tỉ đồng, giảm 45.029 tỉ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương ứng giảm 35%.
Còn theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước, tính đến cuối tháng 5/2015, tín dụng bất động sản đã tăng 10,89%, tăng nhanh gấp đôi so với tăng trưởng dư nợ chung toàn hệ thống là 5%. Dư nợ cho vay lĩnh vực này đạt 330.000 tỷ đồng, tăng 70% so với thời điểm đầu năm 2012, là giai đoạn siết chặt tín dụng bất động sản.
Những số liệu trên đã cho thấy thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đang trong trạng thái phục hồi vững chắc sau tình trạng ảm đạm trong vòng hơn 4 năm. Sự phục hồi trên diện rộng với lượng hàng tồn kho giảm đều và ổn định, khối lượng giao dịch tăng vọt cũng như sự phục hồi về giá chào bán diễn ra trong tất cả cả các phân khúc cao cấp, trung cấp và nhà ở giá phải chăng trong thị trường.
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), sự phục hồi của thị trường BĐS vẫn còn nhiều tiềm năng với giá bán căn hộ trung bình chỉ đang cao hơn mức đáy của chu kỳ 10-15%, và chỉ tương đương khoảng 67% mức đỉnh năm 2008. VCSC cũng cho rằng chu kỳ mới này vẫn còn cách mức đỉnh 3-4 năm nữa và mức đỉnh kế tiếp sẽ cao hơn mức đỉnh năm 2008, mặc dù độ chênh lệch sẽ không nhiều. Điều này cho thấy mức giá trung bình có thể sẽ tiếp tục tăng hơn 60% từ mức hiện tại trước khi đạt đỉnh kế tiếp.
Trước đó, tại Hội nghị Hội viên Hiệp hội BĐS Việt Nam VNREA tổ chức hồi tháng 3/2015, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Trần Kim Chung cũng cho biết giá cả bất động sản (BĐS) trong 10 năm qua đã trải qua những thăng trầm rõ nét.
Cụ thể, giá BĐS giai đoạn 2004-2007 tăng phi mã, có những địa bàn giá nhà đất tăng 300%. Giai đoạn này giá BĐS liên tục xác lập các mặt bằng mới. Cuối năm 2007, tại các dự án, địa bàn tốt, giá BĐS đã tăng khoảng 300% so với thời điểm 2004. Giá BĐS đi ngang trong giai đoạn 2008-2010. Khi bước sang giai đoạn từ 2011-2013, giá BĐS đã xuống dốc "không phanh", khu vực xuống giá nhiều nhất là gần 50%. Giá BĐS từ năm 2014 đến nay không tiếp tục giảm mà có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại, một số dự án có vị trí tốt, đã hoặc sắp hoàn thành đưa vào sử dụng giá có tăng nhẹ từ 1-2% so với năm 2013.
Còn theo ông Nell MacGregor, Giám đốc điều hành Công ty Savills Việt Nam, giá bất động sản tại Việt Nam vẫn trong xu hướng tăng suốt 20 năm qua và trong 5 năm tới, giá sẽ không không bị “thổi” lên và thị trường sẽ không lặp lại tình trạng “bong bóng” như năm 2008 và 2010. Cũng theo ông Nell MacGregor, trong 5 năm tới, bất động sản Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh dựa vào sự tăng trưởng nền kinh tế vĩ mô, sự gia tăng tầng lớp trung lưu cũng như sự đa dạng về nguồn cung cầu.
Theo TriThứcTrẻ