Ảnh minmh họa |
Đẩy gói hỗ trợ đi chệch hướng
Liên quan tới tiến độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng, số liệu tính tới ngày 31-5-2015 cho thấy, tổng số vốn cam kết cho khách hàng vay là 14.161 tỷ đồng. Tổng số tiền đã giải ngân là 7.621 tỷ đồng, trong đó, 17.624 cá nhân, hộ gia đình đã được vay 5.520 tỷ đồng; 33 dự án đã được vay 2.101 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội, tính đến 31-5-2015, đã giải ngân được 3.741 tỷ đồng trong tổng hạn mức đã cam kết 5.652 tỷ đồng, tăng 56% so với cuối năm 2014. Trong đó, giải ngân cho vay doanh nghiệp 711 tỷ đồng và cá nhân 3.030 tỷ đồng, phục vụ 10.030 khách hàng vay vốn (gồm 11 doanh nghiệp và 10.019 cá nhân).
Có thể thấy, tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng đã được đẩy nhanh hơn sau một thời gian bị chững lại. Đây có thể xem là điều đáng mừng bởi có thêm nhiều người mua được nhà được hỗ trợ từ Nhà nước. Tuy nhiên, thực tế cho vay cũng bộc lộ nhiều vấn đề khiến dư luận chú ý, như việc chủ đầu tư “can thiệp” để người mua nhà có thể vay vốn dù diện tích hay giá trị căn hộ vượt quá tiêu chuẩn của gói 30.000 tỷ đồng.
Cách thức được chủ đầu tư dùng nhằm “hỗ trợ” người mua là lập 2 hợp đồng mua bán căn hộ. Ví dụ, tại một dự án ở khu vực quận Hà Đông, chủ đầu tư lập 2 hợp đồng bán căn hộ trị giá 1,2 tỷ đồng, trong đó một hợp đồng chỉ ghi giá trị căn hộ là 590 triệu đồng để đem đi vay vốn ưu đãi. Khách hàng sẽ dùng hợp đồng còn lại thanh toán với chủ đầu tư thông qua sàn giao dịch. Cũng có dự án, căn hộ vượt quá 70m2 nhưng chủ đầu tư lại biến báo bằng cách “tặng” phần diện tích vượt quá quy định cho người mua.
Chủ đầu tư, người mua và ngân hàng đều sai
Các thông tư hướng dẫn triển khai gói 30.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đã quy định rõ các điều kiện vay vốn như đối tượng vay, diện tích, giá trị căn hộ… nhằm hỗ trợ hiệu quả, đúng đối tượng và ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách để trục lợi. Theo các quy định này, các trường hợp gian dối về đối tượng, điều kiện vay ngoài việc bị xử phạt hành chính còn bị buộc phải trả lại số tiền đã vay, chấm dứt hợp đồng vay đã ký với các tổ chức tín dụng.
Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định liên quan đến xác nhận đối tượng đủ điều kiện được vay để hỗ trợ nhà ở theo quy định thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng: “Với cách làm như trên, chủ đầu tư, người mua nhà và ngân hàng đều sai. Cụ thể, chủ đầu tư đã sai khi cố tình “lách” để trục lợi, ngân hàng sai trong quá trình thẩm định, đánh giá, xem xét thủ tục và người vay sai khi “đồng lõa” để được vay vốn. Trong 3 chủ thể này, người vay sẽ chịu cảnh trăm dâu đổ đầu tằm”.
Luật sư Trương Thanh Đức nhận định: “Vi phạm nghiêm trọng nhất là chủ dự án, vừa trực tiếp vay được vốn, vừa gián tiếp bán được hàng. Với những khách hàng không đủ điều kiện vẫn cố tình làm sai để vay vốn giá rẻ, cần hủy ngay hợp đồng mua nhà, thu hồi lại vốn. Trường hợp người mua đã nhận nhà, nên cân nhắc và có mức xử phạt hợp tình hợp lý như thu hồi vốn hoặc nâng lãi suất khoản vay thành vay thương mại. Trường hợp người thu nhập thấp, đủ điều kiện về thu nhập để vay gói 30.000 tỷ đồng, nhưng bị dụ dỗ, tiếp tay cho sai phạm, nếu bị phạt bằng cách áp lãi suất thương mại, họ sẽ không thể trả nợ. Thu hồi vốn cũng không thể và khoản nợ này sẽ biến thành nợ xấu”, Luật sư Trương Thanh Đức phân tích.
Theo ANTĐ