Khảo sát đến ngày 20/3, các dự án từ cao cấp đến trung cấp và thậm chí là trung bình tại TP.HCM đều lần lượt xuất hiện tình trạng tăng giá nhẹ. Ở khu vực quận 7, căn hộ tầng 20, có ban công, block A dự án Hoàng Anh Thanh Bình, hướng nhìn về trung tâm thành phố đang được giao dịch chênh lệch 250 triệu đồng một căn. Một số căn hộ cùng dự án này xuất hiện giao dịch sang tay 90-100 triệu đồng một căn. Các căn hộ tăng giá hầu hết đều có thời điểm bàn giao nhà vào cuối năm 2015.
Tại Phú Mỹ Hưng, trong vòng 2 tháng nay, khu Hưng Gia - Hưng Phước và Cảnh đồi xuất hiện giao dịch nhà phố và biệt thự tăng giá 5%, cá biệt vài căn góc vị trí đẹp tăng 10%. Ở khu Đông, bên cạnh Masteri, Vinhomes Central Park đã nhiều lần tăng giá trên thị trường thứ cấp; tại phường Thảo Điền, giai đoạn mở bán kế tiếp của dự án The Ascent Condominiums cũng có giá bán nhích lên 3% so với giai đoạn một.
Quận 9 là địa bàn có tốc độ tăng giá nhà đất khá cao tại khu Đông trong vòng 3 tháng qua. Nhà phố lẻ dọc các tuyến đường lớn như Đỗ Xuân Hợp, Lã Xuân Oai, Lê Văn Việt tăng 7-9%, trong khi nhà gắn liền với đất ở các tuyến Nguyễn Duy Trinh, Tây Hòa tăng nhẹ 5%.
Hiện tượng tăng giá của bất động sản TP.HCM dịch chuyển từ phân khúc cao cấp sang trung cấp và cả các dự án trung bình. Ảnh: Vũ Lê |
Lùi ra xa khu nội đô Sài Gòn như quận Bình Tân, Thủ Đức, các dự án nhà ở thuộc phân khúc trung bình cũng rục rịch nâng giá trên thị trường tự do. Cụ thể, căn hộ Sun View Tower block sắp bàn giao (Thủ Đức) sang tay chênh lệch 30-50 triệu đồng. Tương tự, dự án Topaz (Bình Tân) cuối năm ngoái có giá 15 triệu đồng mỗi m2 nay đã sắp chạm mức 17 triệu đồng mỗi m2 đối với căn vị trí đẹp.
Thống kê của Công ty Đất Xanh, trong gần 3 tháng qua có 62% số lượng dự án nhà ở tại TP.HCM tăng giá, chiếm tỷ lệ cao nhất trong vòng hai năm qua. Số dự án giảm giá tại TP HCM chiếm 29% (chủ yếu sử dụng hình thức giảm giá gián tiếp bằng khuyến mãi) và có 9% dự án trên địa bàn đứng giá. Mức độ tăng giá trung bình khoảng 3-5%, rơi vào các dự án trung cấp.
Giải thích về tình trạng tăng giá bất động sản, Phó tổng giám đốc Công ty địa ốc Đất Xanh, Nguyễn Khánh Hưng cho biết: "Do thanh khoản thị trường đã cải thiện và có xu hướng khởi sắc từ cuối năm ngoái, nguồn cầu đã quay trở lại thị trường nên khá nhiều dự án xuất hiện tình trạng chủ động tăng giá".
Ông Hưng phân tích, tỷ lệ tăng giá bất động sản tại TP.HCM vẫn ở ngưỡng ổn định nên cũng không gây nhiều biến động cho toàn thị trường. Với các chủ đầu tư, động thái tăng giá vì 2 lý do: vị trí tốt hơn nên giá cao hơn và một số đơn vị tăng giá nhẹ để khấu trừ lãi suất đầu tư. Điểm chung là doanh nghiệp tăng giá trong biên độ 3%. Với giới đầu tư và đầu cơ (mua bán thứ cấp), việc tăng giá diễn ra phổ biến hơn, đa phần do tâm lý lạc quan và nhóm này cũng tăng giá với tỷ lệ cao hơn, khoảng 5-10%.
Giám đốc một sàn địa ốc tại khu Nam TP.HCM lo ngại, mặc dù tỷ lệ tăng giá vẫn nằm trong ngưỡng an toàn (chấp nhận được), nhưng điều này có thể tác động không nhỏ đến sự phát triển bền vững của thị trường. "Nhóm khách hàng mua nhà đất để ở sẽ thận trọng hơn khi đưa ra quyết định xuống tiền. Sự chần chừ này có thể khiến thị trường bị suy giảm nguồn cầu tiềm năng (có khả năng chi trả) trong ngắn hạn", ông dự báo.
Theo VnExpress