Hòa Bình tiến vào Myanmar

Thứ hai, 16/03/2015, 15:06
Cũng như nhiều doanh nghiệp Việt, sau một thời gian nghỉ Tết Nguyên đán ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hòa Bình tổ chức cuộc họp ban điều hành để “lên dây cót” cho những kế hoạch trong năm mới. Tuy nhiên, khác với nhiều doanh nghiệp, ban điều hành Hòa Bình lại bay sang tận Yangon (Myanmar) để họp.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Hòa Bình, cho biết việc chọn họp ở Myanmar bên cạnh mục đích chính là dự một sự kiện của đối tác tại đây, ban lãnh đạo Hòa Bình còn xem như là xuất hành đầu năm để “lấy hên” cho chiến lược tiến ra thị trường thế giới.

Sự kiện mà Hòa Bình tham gia tại Myanmar là lễ cất nóc dự án chung cư GEMS ở thủ đô Yangon sau 19 tháng thi công. Đây là dự án do tập đoàn Myanmar Capital Development Limited (CDL) làm chủ đầu tư, có quy mô gồm 4 tòa nhà cao 21 tầng, 1 tòa nhà giữ xe cao 5 tầng.

Đặc biệt, GEMS là dự án đầu tiên của Hòa Bình tại Myanmar và là dự án đầu tiên mà một nhà thầu xây dựng Việt Nam cung cấp dịch vụ quản lý thi công ở nước này. Thực tế cho thấy, mặc dù Myanmar được xem là một trong những thị trường tiềm năng nhất châu Á, nhưng cho tới nay số doanh nghiệp Việt đặt chân vào Myanmar chỉ đếm trên đầu ngón tay, đặc biệt lĩnh vực xây dựng bất động sản lại càng ít.

“Giá trị gói thầu này không lớn nhưng nó chứng minh một điều rằng năng lực của Hòa Bình là không thua gì các doanh nghiệp xây dựng khác trong khu vực và trên thế giới”, ông Hải nói.

Ông cũng cho biết khi Myanmar chính thức mở cửa, Hòa Bình cũng đã lên kế hoạch thăm dò, nhưng do thị trường khá mới nên việc tiếp cận là rất khó. Năm 2013, qua sự giới thiệu của ASP, một doanh nghiệp Singapore vốn là nhà thiết kế cho dự án GEMS, Hòa Bình đã kết nối được với CDL. Sau khi tham quan các dự án do Hòa Bình thi công ở Việt Nam, CDL đã ký hợp đồng với Công ty cho hạng mục quản lý xây dựng.

Ông Lê Viết Hải, Tổng Giám đốc Hòa Bình (thứ hai từ phải sang), bấm nút cất nóc dự án chung cư GEMS 21 tầng ở Yangon, Myanmar.

Theo ông Hải, năng lực và trình độ kỹ thuật của ngành xây dựng Việt Nam nói chung và Hòa Bình nói riêng đã có những thành tựu vượt bậc trong thời gian qua khi hội nhập vào kinh tế thế giới. Các công trình như Keangnam Hanoi Landmark Tower, Times Square hay tổ hợp khách sạn - văn phòng - căn hộ cho thuê cao cấp Kumho Asiana... đều do Hòa Bình xây dựng với các kỹ sư và công nhân Việt Nam.

Không chỉ làm thầu phụ cho các dự án lớn, khách sạn 5 sao Le Meridien tại TP.HCM do Hòa Bình làm nhà thầu chính, theo ông Hải, đã khẳng định năng lực của nhà thầu trong nước, xóa bỏ thế độc quyền của nhà thầu nước ngoài tại các công trình yêu cầu tính mỹ thuật cao, quy mô lớn và đẳng cấp quốc tế.

“Với bước đầu tiếp cận khá thành công, Hòa Bình hy vọng sẽ mở rộng phát triển hơn ở Myanmar trong thời gian tới. Và với năng lực hiện có, chiến lược của Công ty không phải là bắt đầu từ những dự án nhỏ đi lên mà tham gia vào các dự án lớn, công trình cao tầng, thậm chí là siêu cao tầng”, ông Hải nói.

Thực ra, dự án ở Myanmar không phải là dự án ở nước ngoài đầu tiên của Hòa Bình. Việc xuất ngoại đã được Công ty thực hiện vào năm 2011 khi hợp tác chiến lược với Công ty Phát triển Địa ốc UOA để cùng triển khai dự án Khu Dân cư cao cấp Le Yuan gồm 670 căn hộ. Đây là dự án đầu tiên của Hòa Bình tại Kuala Lumpur và ở dự án này, Công ty cũng đóng vai trò quản lý dự án.

Trong quá trình quản lý dự án, đối tác UOA đánh giá rất cao về trình độ tay nghề chuyên môn của đội ngũ kỹ sư Hòa Bình và Le Yuan được xem là một công trường kiểu mẫu trong số các công trường của chủ đầu tư. Vì thế, cùng với dự án Le Yuan, Hòa Bình tiếp tục được UOA giao quản lý dự án Desa Green. Le Yuan đã đi vào hoạt động vào cuối năm ngoái, còn Desa Green vẫn đang được thi công.

Năm 2013, Hòa Bình cũng từng lên kế hoạch thâm nhập thị trường Indonesia khi cổ đông lớn là PT. Nikko Securities Indonesia, thành viên của Tập đoàn Sumitomo Mitsui Banking, có thể giúp Hòa Bình phát triển sang Indonesia và các nước trong khu vực. Tuy nhiên, theo ông Hải, sau khi phát triển quá nóng, thị trường Indonesia đã chững lại nên Hòa Bình đã ngưng kế hoạch mở rộng để giảm thiểu rủi ro.

“Điều lo lắng nhất khi phát triển thị trường mới là rủi ro tài chính, đặc biệt trong thời gian ban đầu. Đó là lý do vì sao Hòa Bình chỉ mới bước ra thị trường nước ngoài trong vai trò quản lý dự án”, ông Hải nhận xét.

Theo ông, việc tham gia vai trò quản lý dự án thực chất giống như việc xuất khẩu chất xám, bán kinh nghiệm. Hình thức này gần như không có rủi ro. Không chỉ giúp Hòa Bình khuếch trương được thương hiệu ở thị trường khu vực mà còn mang lại hiệu quả kinh doanh khá tốt cho Tập đoàn. “Chỉ với 20 kỹ sư, nhưng năm 2014 vừa qua, doanh thu mà họ mang về cho Hòa Bình đến hơn 1 triệu USD”, ông Hải tiết lộ.

Theo NCĐT

Các tin cũ hơn