- Đêm qua, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% sau gần một thập kỷ giữ ở mức gần như bằng 0%, đúng như dự kiến của các chuyên gia tài chính trong và ngoài nước. Ông đánh giá ra sao về động thái này của Mỹ?
- Sau 7 năm duy trì một mức lãi suất gần như bằng 0% để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế, nước Mỹ biết rằng đã đến lúc phải tính toán lại việc sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng này. Nếu duy trì quá lâu, chính sách này sẽ gây ra tác động không tốt cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, và ảnh hưởng tới các chỉ số vĩ mô như thất nghiệp, lạm phát...
Vì vậy, việc FED tăng lãi suất thực chất là đáp ứng được cả sự chờ đợi của nhà đầu tư, cũng như thỏa mãn yêu cầu nội tại của kinh tế Mỹ, đảm bảo một tương lai phát triển ổn định hơn.
Theo dự báo của các nhà làm chính sách của Mỹ, lạm phát rồi sẽ tăng lên, dù hiện tại mới chỉ tiệm cận con số 2%. Việc tăng lãi suất là bước đi nhằm ngăn ngừa những bất trắc xảy ra trong tương lai của FED.
Cơ quan này cũng thông báo lãi suất sẽ tiếp tục được điều chỉnh dần trong năm 2016, với một liều lượng nhỏ, để nền kinh tế không phải chịu cú sốc.
Theo ông Trương Văn Phước, chênh lệch lãi suất lớn khiến đồng Việt Nam có lợi thế hơn hẳn trong hoàn cảnh đồng USD tăng giá. |
- Vậy với các nền kinh tế khác, chính sách này có gây ra tác động tiêu cực nào hay không thưa ông?
- Thị trường thế giới đã tiên liệu vấn đề này rồi. Bằng chứng là sau khi FED tăng lãi suất thì tỷ giá đồng USD gần như không biến động gì nhiều, giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới cũng thế.
Chúng ta đều biết, các quốc gia ở châu Âu đang trong ở trong một giai đoạn phát triển khó khăn và duy trì mức lãi suất khá thấp. Điều này cũng đúng với cả Nhật Bản. Vì vậy, mức tăng chỉ 0,25% của lãi suất cơ bản Mỹ cũng sẽ không có tác động nhiều đến khu vực này trong ngắn hạn.
Trong dài hạn, với sự phục hồi của nền kinh tế khu vực, mặt bằng lãi suất tại châu Âu chắc chắn sẽ nâng dần lên. Theo dự kiến của chúng tôi, trong một năm tới, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ nâng lãi suất đồng EUR lên khoảng 1%.
Riêng Trung Quốc, với những khó khăn như xuất khẩu thấp, tăng trưởng giảm, quốc gia này đang tiếp nhận việc FED tăng lãi suất với thái độ thận trọng. Nhân dân tệ gần đây có mất giá, nhưng mức độ không nhiều. Không những thế, nhân dân tệ vừa được lựa chọn vào rổ tiền tệ của IMF, còn Trung Quốc lại vừa đặt ra chỉ số Yuan Index với một nhóm 13 đồng tiền. Đây là tín hiệu cho thấy Trung Quốc muốn thoát khỏi sức ảnh hưởng quá lớn với đồng USD (trước đây nước này neo tỷ giá cổ định theo USD).
- FED tăng lãi suất vào thời điểm thị trường ngoại tệ của Việt Nam có dấu hiệu căng thẳng, tỷ giá tại các ngân hàng đã lên kịch trần. Theo ông, tỷ giá trong nước sẽ chịu tác động ra sao?
- Lãi suất USD chỉ tăng 0,25%, trong khi lãi suất của tiền đồng vẫn ở mức rất cao, với chênh lệch lên tới 5-7%. Vì vậy, lợi thế vẫn nghiêng hẳn về đồng Việt Nam. Việc nắm giữ tiền đồng vẫn có lợi cho nhà đầu tư.
Theo dự đoán của chúng tôi, đồng USD sẽ dao động trong khoảng 3-5%, bởi mức tăng mà FED cam kết trong một năm chỉ là 1%, vốn không phải là mức đột biến.
Năm nay, tỷ giá của Việt Nam với đồng USD đã được điều chỉnh khoảng 5%. Tuy nhiên, đây là bước điều chỉnh hi hữu, bất khả kháng. Trong khi đó, hiện lạm phát của chúng ta rất thấp, hỗ trợ giá trị đồng tiền ổn định. Hơn nữa, tình trạng cán cân thương mại của Việt Nam đã cải thiện, dù có nhập siêu nhưng con số 4-5 tỷ USD là nhỏ, còn lượng kiều hối vẫn chuyển về nhiều, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp vẫn tìm tới.
Dĩ nhiên, chúng ta đều biết tỷ giá được tính toán giao dịch ở mức nào có lợi nhất cho nền kinh tế. Điều này phụ thuộc vào 2 yếu tố, gồm chủ định của người làm chính sách (Ngân hàng Nhà nước) và phản hồi tác động ngược lại của thị trường cung - cầu. Xét cả 2 yếu tố đó thì Việt Nam sẽ không để đồng nội tệ lên giá quá, hay mất giá quá.
- Với việc Mỹ theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, đẩy giá trị USD tăng tương đối so với các đồng tiền khác, liệu áp lực nợ nước ngoài của Việt Nam có đáng lo ngại?
- Tác động tăng lãi suất của Mỹ lên nợ vay nước ngoài của Việt Nam sẽ không lớn. Trong nợ công của Việt Nam thì một nửa vẫn là vay bằng tiền đồng, phần còn lại là vay bằng USD và các đồng tiền khác.
Trong số vay nước ngoài, tỷ trọng của đồng USD chiếm 50%. Nếu USD tăng giá thì cũng có nghĩa là những đồng tiền kia sẽ rẻ hơn một cách tương đối. Do vậy, tác động hai chiều sẽ tự tiêu diệt nhau, dẫn đến ảnh hưởng tăng nợ là không đáng kể.
Theo Zing