Theo ghi nhận trong nhiều năm qua, đây là lần đầu tiên Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM phát hiện và tạm giữ một số lượng lớn gạo nhập lậu. Bởi đối với gạo lậu, việc ngăn chặn sẽ dễ hơn từ biên giới, khi đi sâu trong nội địa, nếu các đối tượng xé bỏ bao bì gốc thì rất khó xác định đâu là gạo ngoại đâu là gạo nội.
Ngày 17/12, ông Trần Thanh Tùng, Đội trưởng Đội QLTT quận Tân Phú, có văn bản đề xuất phạt “vựa gạo Tiền Giang” (49 Bác Ái, phường Tân Thành, quận Tân Phú) 52,5 triệu đồng và tịch thu tang vật gồm hơn 14 tấn gạo Thái Lan nhập lậu tại đây.
Lô gạo Thái Lan nhập lậu đang bị lực lượng QLTT tạm giữ. |
Vụ việc đã được lực lượng QLTT quận Tân Phú theo dõi và nắm thông tin trong một thời gian dài, đến ngày 14/12 mới bất ngờ kiểm tra địa chỉ trên và phát hiện 292 bao gạo Thái Lan (49kg/bao, tương đương hơn 14 tấn) không có hóa đơn chứng từ. Trên bao bì ghi chữ nước ngoài và không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định nên cơ quan chức năng tiến hành tạm giữ. Bà Đỗ Thị Tú Anh, chủ hàng, thừa nhận đây là gạo nhập từ Thái Lan, được mua với giá 16.000 đồng/kg từ mối ở miền Tây chở lên. Dù kinh doanh và chứa gạo với số lượng lớn nhưng cơ sở không có giấy phép kinh doanh theo quy định.
Đến chiều 17/12, theo ghi nhận của phóng viên, vựa gạo trên vẫn kinh doanh bình thường. Khi chúng tôi hỏi mua gạo Thái, người bán nói chỉ bán gạo Việt Nam, kể cả gạo cắm biển “gạo Miên” cũng là giống Campuchia trồng trong nước. Tuy nhiên, khi quan sát kỹ thì tại đây vẫn còn một số biển ghi “Thái nhập” nhưng quay vào trong, với giá niêm yết là 20.500 đồng/kg.
Một vụ việc khác xảy ra vào trưa 15/12, Đội QLTT huyện Củ Chi phối hợp với Đội CSGT Củ Chi đang làm nhiệm vụ tại ngã tư Làu Táu (ấp Làu Táu Thượng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi) tiến hành kiểm tra xe tải do ông Trần Thành Tài (SN 1994) điều khiển, phát hiện vận chuyển gạo và đường nhãn mác nước ngoài nhưng không có hóa đơn chứng từ. Kiểm kê chi tiết thì có 4 loại gạo (Thai Hom Mali Broken, Thai Glutinuos Rice, Bun Hour Rice Mille và một không hiệu), số lượng 17 bao, tương đương 850kg.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục QLTT TP.HCM, nhận định từ nay đến Tết, tình hình thẩm lậu hàng hóa từ các nước giáp biên giới với Việt Nam diễn biến phức tạp. Trong đó, lực lượng chức năng đang chú trọng kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là gạo do nhu cầu gia tăng dịp cuối năm. “Đối với gạo nhập lậu, nếu còn nguyên bao bì gốc thì dễ xử lý. Nhưng nếu đối tượng thay đổi bao bì, trà trộn với gạo trong nước sẽ rất khó khăn trong việc xác minh nguồn gốc xuất xứ. Đây là rào cản lớn nhất trong công tác ngăn chặn gạo lậu tràn vào TP.HCM”, ông Bách nhận định.
Về hướng xử lý đối với gạo nhập lậu, ông Bách cho biết theo quy định, mặt hàng gạo không bị tiêu hủy mà sẽ tịch thu và bàn giao cho cơ quan chức năng thực hiện phát mãi, bán đấu giá để thu nộp ngân sách.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng thị trường nội địa lại “chia sẻ” cho gạo Thái, Campuchia? Lý giải vấn đề này, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) - chuyên xuất khẩu gạo, cho rằng dù gạo Việt nhiều đến đâu thì vẫn có chỗ cho gạo ngoại vì nhu cầu của người tiêu dùng rất phong phú, không phải ai cũng trung thành với gạo Việt và nhất là tâm lý sính ngoại của người Việt còn rất nặng nề.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác là thị trường gạo trong nước trước giờ chủ yếu do các tiểu thương, thương lái nắm giữ; thị phần gạo đóng gói của các doanh nghiệp có thương hiệu còn rất ít. Ông Tuấn cho biết công ty của ông rất muốn tham gia thị trường nội địa nhưng vì vướng thuế nên không cạnh tranh được với thương lái. “Trong khi gạo xuất khẩu không chịu thuế nhưng nếu bán cho các đại lý, đăng ký thuế khoán thì phải chịu thuế 5%. Quy định này có nhiều điểm vô lý nên đã được đề xuất bỏ từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa tháo gỡ” - ông Tuấn nói.
Không phát hiện gạo nhựa Năm 2015, một số nơi trong nước rộ lên thông tin về gạo giả (gạo nhựa) nhưng các kết quả xét nghiệm chính thức đều bác bỏ điều này. Theo ông Dương Đức Trọng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM, năm qua đã lấy 7 mẫu gạo gửi Trung tâm Phân tích công nghệ cao Hoàn Vũ phân tích đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (90 hoạt chất) nhưng đều không phát hiện dư lượng. Đơn vị này cũng gửi 9 mẫu gạo để kiểm tra arsen nhưng kết quả không phát hiện có dư lượng. |
Theo NLĐ