Thị trường khốc liệt chỉ dành cho đại gia
Theo thống kê của Bộ công thương, hiện trên cả nước có hơn 700 siêu thị, 132 trung tâm thương mại, chưa kể đến số lượng hàng trăm cửa hàng tiện lợi có thương hiệu khác.
Tổng doanh thu bán lẻ năm 2014 theo báo Người đô thị cung cấp đạt con số 100 tỉ USD và dự báo tăng lên 140 tỉ USD vào năm 2020. Đến năm này, theo quy hoạch cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.
Trong vài năm gần đây, các tập đoàn lớn nước ngoài như Lotte, Central, Aeon,…đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam cho thấy tiềm năng cũng như cuộc đua giành thị phần của thị trường bán lẻ Việt Nam.
Theo nguyên bộ trưởng bộ thương mại Trương Đình Tuyển, việc kết thúc đàm phán và ký các hiệp định như TPP, hiệp định thương mại với EU, hình thành cộng đồng AEC, cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp lớn nước ngoài đẩy mạnh đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam.
Tuy nhiên hiện chỉ ít tên tuổi doanh nghiệp Việt Nam lớn như Sài Gòn Co.op, Vingroup mới đủ sức tham gia vào cuộc đấu với các đại gia ngoại kể trên.
Giành nhau trên bản đồ thị trường bán lẻ
Phần lớn mọi người đều quan niệm kinh doanh siêu thị là bán lẻ tuy nhiên đây chỉ là một mảng trong phân khúc bán lẻ.
Hiện tại Việt Nam có 8 phân khúc chủ yếu có sự góp mặt của các nhà bán lẻ lớn gồm: Đại siêu thị/Trung tâm phân phối, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm phức hợp, siêu thị, siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi/cửa hàng chuyên dụng, siêu thị điện máy, bán lẻ trực tuyến và bán hàng qua truyền hình.
Với đặc điểm về vốn, kinh nghiệm, các doanh nghiệp bán lẻ sẽ lựa chọn phân khúc riêng như Metro hay cố gắng hiện diện ở tất cả các phân khúc như Sài Gòn Co.op hay Vingroup.
Sài Gòn Co.op là doanh nghiệp bán lẻ tiên phong tại Việt Nam được thành lập từ năm 1989 theo mô hình liên hiệp hợp tác xã. Hiện doanh nghiệp này có mặt trên 7 phân khúc bán lẻ trừ siêu thị điện máy.
Điểm đặc biệt là trên mảng đại siêu thị/trung tâm phân phối, Sài Gòn Co.op là doanh nghiệp Việt duy nhất cạnh tranh với tập đoàn Metro với Co.opXtra và Co.opXtra Plus cũng như hợp tác với đài truyền hình mở kênh bán hàng HTV Co.op.
Ngoài ra doanh nghiệp Việt này còn có 290 cửa hàng tiện lợi (Co.op Food và Co.op), 2 trung tâm thương mại (Sence City, SC VivoCity), 77 siêu thị Co.op Mart và kênh bán hàng trực tuyến coophomeshopping.vn. Doanh thu năm 2014 của Sài Gòn Co.op đạt khoảng 26 nghìn tỷ đồng.
Vốn là tập đoàn bất động sản lớn, vài năm gần đây tập đoàn Vingroup cũng đẩy mạnh sang mảng bán lẻ bằng việc thâu tóm, sáp nhập các doanh nghiệp có sẵn trên thị trường.
Ngoài phân khúc đại siêu thị và bán lẻ qua truyền hình không tham gia, Vingroup có mặt ở các kênh bán lẻ khác từ trung tâm mua sắm phức hợp (3 trung tâm Vincom Mega Mall), 200 cửa hàng tiện lợi Vinmart+, 10 trung tâm mua sắm Vincom Center, 19 siêu thị Vinmart, 55 siêu thị điện máy VinPro/VinPro+ và kênh trực tuyến adayroi.vn.
Doanh nghiệp ngoại hiện có nhiều phân khúc nhất tại thị trường bán lẻ Việt Nam là tập đoàn Central Thái Lan. Ngoài thương vụ mua tại hệ thống siêu thị điện máy nổi tiếng Nguyễn Kim, Central còn mở trung tâm mua sắm Robins, cửa hàng chuyên đồ thể thao Supersports tại Việt Nam.
Tập đoàn bán lẻ đến từ Pháp BigC vốn quan thuộc với người tiêu dùng ở phân khúc siêu thị nhưng cũng góp mặt trên kênh bán lẻ cửa hàng tiện lợi Cexpress, New Chợ và trang trực tuyến cdiscount.vn.
Một tên tuổi khác dù đến sau nhưng cũng nhanh chóng ghi dấu ấn với việc đầu tư 3 trung tâm mua sắm phức hợp Aeon Mall và phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi thông qua việc mua lại 2 thương hiệu Citimart và Fivimart.
Tập đoàn đến từ Hàn Quốc, Lotte được cho là yếu thế hơn các doanh nghiệp khác khi chỉ mới hiện diện ở phân khúc siêu thị với hệ thống Lotte Mart và kênh mua sắm ít người biết đến là lottedatviet.vn.
Còn mới đây, tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Pháp - Auchan, cũng vừa tham gia vào thị trường Việt Nam bằng việc hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội (MIPEC).
Theo đó, Auchan đã ký hợp đồng thuê mặt bằng của Trung tâm Thương mại Long Biên, để triển khai chuỗi siêu thị bán lẻ Simply Mart tại thị trường miền Bắc. Được biết, siêu thị Simply Mart đầu tiên sẽ được Auchan khai trương vào năm tới, tham vọng sẽ phủ kín khu vực phía Bắc với 20 siêu thị vào năm 2020.
Dân số trẻ, tỷ lệ người dân đến các trung tâm thương mại ngày càng nhiều khiến Việt Nam là mảnh đất nhiều tiềm năng với ngành bán lẻ.
Theo dữ liệu của Bộ Công thương, thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ, trong đó, có hơn 20 doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam.
Như vậy, dưới con mắt của các bán lẻ ngoại, miếng bánh thị phần tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Theo Tri Thức Trẻ