Dòng vốn ngoại đang rút dần khỏi Masan Consumer

Thứ bảy, 19/12/2015, 11:12
Từ giữa năm nay, quỹ đầu tư từ Mỹ đã rút hơn 50% vốn đầu tư vào Masan Consumer

Mới đây, KKR Ma san Aggregator L.P, tổ chức thuộc KKR cho biết, đã chuyển nhượng gần 4,73 triệu cổ phiếu của CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer). Số lượng cổ phiếu quỹ nãy còn nắm giữ hiện tại là hơn 20,4 triệu cổ phần, tương đương 3,82% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.

Trong khi đó, một đơn vị đầu tư khác thuộc KKR là MC Holdings II (Cayman) Limited cũng đã bán ra 5 triệu cổ phiếu của Masan Consumer, làm giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ xuống còn gần 22 triệu cổ phiếu, tương đương 4,11% vốn điều lệ. Cả hai giao dịch trên cùng được thực hiện từ ngày 20/11/2015.
Như vậy, sau khi thực hiện giao dịch, 2 quỹ thuộc KKR còn đang nắm giữ tổng cộng hơn 42,4 triệu cổ phiếu, tương đương 7,93% vốn điều lệ Masan Consumer.
Trước đó, hồi giữa năm nay, KKR cũng đã bán ra 42,56 triệu cổ phiếu Masan Consumer, tương ứng 50% cổ phần đã đầu tư cho nhà đầu tư khác.
Được biết, thông qua hai công ty con MC Holdings và KKR Aggregator, KKR đã đầu tư tổng cộng 359 triệu USD vào Masan Consumer và đây là khoản đầu tư lớn nhất của quỹ này vào khu vực Đông Nam Á. Khoản đầu tư đầu tiên của KKR vào Masan Consumer là vào hồi tháng 4/2011 với mức 159 triệu USD. Đến tháng 1/2013, quỹ này rót thêm 200 triệu USD vào Masan Consumer và nâng tỷ lệ sở hữu của mình lên khoảng 20%.
PAN Group nâng sở hữu tại NSC lên 75%
CTCP Tập đoàn PAN (mã PAN) mới báo cáo kết quả chào mua công khai cổ phiếu của CTCP Giống cây trồng Trung ương (mã NSC).
Theo đó, PAN đã mua vào thành công toàn bộ 1.857.007 cổ phiếu NSC đã đăng ký mua trước đó. Với giao dịch này, PAN đã nâng mức sở hữu của mình tại NSC từ 62,88% lên 75,03% (11.471.250 cổ phiếu).
Theo Báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của NSC, công ty lãi hợp nhất 9 tháng đầu năm đạt 820,4 tỷ đồng, tăng 68,4% so với cùng kỳ và hoàn thành 173,3% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 115,6 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ và hoàn thành 140,9% kế hoạch năm.
Quý IV năm nay, NSC đặt mục tiêu 380 tỷ doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế đạt 54 tỷ đồng. Giá cổ phiếu của NSC đang ở mức 95.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài PAN là cổ đông lớn nhất, Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI cũng sở hữu hơn 1,4 triệu cổ phiếu NSC (9,38%), CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre sở hữu 1,36 triệu cổ phiếu (8,87%).
SCIC đăng ký bán toàn bộ 3,2 triệu cổ phiếu SCJ
SCIC đã đăng ký bán toàn bộ 3.208.930 cổ phiếu SCJ (tương ứng với 16,44% vốn điều lệ), mục đích giao dịch là để cơ cấu lại danh mục đầu tư. Ngày dự kiến bắt đầu giao dịch là 22/12/2015 và ngày kết thúc dự kiến là 18/01/2016, phương thức giao dịch là thỏa thuận và khớp lệnh.
Nếu giao dịch được thực hiện thành công, SCIC sẽ không còn nắm giữ cổ phiếu SCJ. Trước đó, ông Nguyễn Văn Bổng, Chủ tịch HĐQT của SCJ và người thân cũng đăng ký bán toàn bộ hơn 1 triệu cổ phiếu SCJ (5,12%) của mình vào ngày 16/12.
Công ty TNHH Gia Phúc Phú, cổ đông lớn thứ 2 của SCJ sau SCIC cũng đăng ký bán toàn bộ gần 3,2 triệu cổ phiếu SCJ (16,37%) vào ngày 8/12 vừa rồi. Ông Bổng cũng là Chủ tịch HĐQT của Công ty TNHH Gia Phúc Phú.
IPO Lâm nghiệp Sài Gòn: Thu về hơn 41 tỷ đồng
Hơn 4,1 triệu cổ phần (35,06% vốn điều lệ công ty) được mang ra đấu giá với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần.
Có tổng cộng 12 nhà đầu tư tham gia đăng ký mua 12,41 triệu cổ phần, cao gấp hơn 3 lần số lượng được mang ra đấu giá. Giá trúng cao nhất là 13.000 đồng và giá trúng thấp nhất là 10.100 đồng, giá trung bình là 10.103 đồng/cổ phiếu.
Kết quả có 6 nhà đầu tư cá nhân và 3 nhà đầu tư tổ chức mua thành công 100% số cổ phần được đưa ra chào bán. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt trên 41 tỷ đồng.
Chứng khoán An Thành và Chứng khoán Phú Hưng chính thức hợp nhất
Ngày 16/12 vừa qua, Chứng khoán An Thành và Chứng khoán Phú Hưng đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chấp thuận hợp nhất. UBCKNN cũng chấp thuận việc đăng ký phát hành để hoán đổi cổ phiếu cho PHS và ATSC.
Theo đó, Công ty chứng khoán mới sẽ có vốn điều lệ là gần 202,6 tỷ đồng (20.258.507) cổ phiếu. Trong đó cổ phần tương ứng của PHS và ATSC lần lượt là 16.743.779 cổ phần và 3.514.728 cổ phần.
Với số vốn điều lệ là 41 tỷ của ATSC (4,1 triệu cổ phiếu), mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phần của ASTC sẽ nhận được 0,857 cổ phần. PHS với vốn điều lệ là 347,45 tỷ đồng, mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phần của PHS sẽ nhận được 0,482 cổ phiếu.
Số cổ phiếu hình thành sau khi hoán đổi chỉ có giá trị khi Công ty chứng khoán mới hình thành từ hợp nhất giữa PHS và ATSC được UBCKNN cấp Giấy phép thành lập và hoạt động.
Invest Tây Đại Dương tiếp tục đăng ký mua 3,5 triệu cổ phiếu GTN
CTCP Invest Tây Đại Dương đăng ký mua vào 3,5 triệu cổ phiếu GTN. Nếu Invest Tây Đại Dương mua thành công, số lượng cổ phiếu mà công ty này nắm giữ sẽ là 18,5 triệu cổ phiếu, tương đương với 24,73% vốn điều lệ của GTN.
Mục đích thực hiện giao dịch là để đầu tư tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần, nhằm tái cấu trức sở hữu phục vụ cho việc phát triển GTN trong dài hạn. Phương thức giao dịch là khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Thời gian dự kiến giao dịch là từ ngày 21/12/2015 đến 19/01/2016.
Đấu giá Kim Lien Tourism: Lượng đăng ký mua gấp 36 lần cổ phần chào bán
Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa công bố thông tin về kết quả đăng ký mua cổ phần của CTCP Du lịch Kim Liên do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu.
Theo đó, có 36 nhà đầu tư đăng ký mua trọn lô hơn 3,6 triệu cổ phần Kim Lien Tourism do SCIC sở hữu, trong đó có 19 nhà đầu tư tổ chức và 17 nhà đầu tư cá nhân.
Tổng khối lượng cổ phần đăng ký mua là 131,3 triệu cổ phần, tương ứng gấp 36 lần số cổ phần chào bán.

Theo BizLive

Các tin cũ hơn