Vì sao tầng lớp trung lưu Mỹ lại ghét Trung Quốc đến thế?

Thứ hai, 25/04/2016, 11:49
43% số cử tri Mỹ cho rằng thỏa thuận thương mại tự do với quốc gia khác đem lại ảnh hưởng tiêu cực cho đất nước, đặc biệt là giao thương với Trung Quốc. Tỷ lệ này là 67% trong số các cử tri ủng hộ ứng viên Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Mặc dù kinh tế Mỹ hiện đang là đầu tàu tăng trưởng của thế giới nhưng tầng lớp trung lưu nước này lại đang lo lắng sâu sắc về tình hình hình việc làm, tiền lương cũng như viễn cảnh tương lai của mình.

Đặc biệt, nhiều người trong tầng lớp này đã chỉ trích Trung Quốc như một yếu tố chủ yếu khiến cuộc sống của họ tồi tệ hơn.

Nghiên cứu của Viện Pew cho thấy có đến 43% số cử tri Mỹ cho rằng thỏa thuận thương mại tự do với quốc gia khác đem lại ảnh hưởng tiêu cực cho đất nước, đặc biệt là giao thương với Trung Quốc.

Nguyên nhân của sự không hài lòng trên là do tình hình bùng nổ tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc, trong khi số người thuộc tầng lớp này tại Mỹ lại chỉ tăng nhẹ.

Theo đó, thu nhập của tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc đã tăng 70% trong khoảng 1988-2008, còn những hộ gia đình trung lưu Mỹ và những quốc gia phát triển khác chỉ tăng thu nhập khoảng 4%.

Tăng trưởng thu nhập của tầng lớp trung lưu tại Mỹ và Trung Quốc trong khoảng 1988-2008 (%)

Mặc dù theo Ngân hàng Thế giới (World Bank-WB), thu nhập của tầng lớp trung lưu Trung Quốc chỉ vào khoảng 8.000 USD/năm và thấp hơn nhiều so với Mỹ, vào khoảng 54.000 USD nhưng tốc độ tăng trưởng thu nhập của người dân quốc gia Châu Á này lại vượt trội so với Mỹ.

Hãng McKinsey dự đoán đến năm 2022, phần lớn những người thuộc tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc sẽ kiếm khoảng 9.000-34.000 USD/năm. Đi cùng với đó là chất lượng cuộc sống cao hơn, chi tiêu nhiều hơn, du lịch nhiều hơn và có tầm ảnh hưởng lớn hơn với kinh tế thương mại nhiều nước.

Tầng lớp giàu có và trung lưu của Trung Quốc sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Trái ngược lại, dù thu nhập của người dân Mỹ cao hơn nhưng do chí phí đắt đỏ cùng với tốc độ tăng trưởng thu nhập yếu, tầng lớp trung lưu nước này đang phải đối mặt với rủi ro phá sản cao.

Hiện chi phí tiêu dùng tại Mỹ đã tăng rõ rệt qua những năm gần đây nhưng thu nhập của người dân không thay đổi nhiều so với thời kỳ giữa thập niên 90.

Bên cạnh đó, tầng lớp trung lưu Trung Quốc không chỉ là những người duy nhất có tăng trưởng thu nhập,mà nhiều nước Châu Á khác, như Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan... cũng có tăng trưởng về mức sống trong 30 năm qua.

Tư tưởng chống Trung và quan điểm của ứng cử viên Donald Trump

Tầng lớp trung lưu tại Mỹ đang khá lo lắng về tình hình thu nhập cũng như cuộc sống của bản thân và đây là một lý do chủ yếu khiến ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump thu được nhiều ủng hộ trong thời gian qua.

Tỷ phú Trump đã cam kết sẽ thay đổi chính sách thương mại của Mỹ với nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc và sẽ lấy lại số việc làm mà ông cho là bị các nước Trung Quốc hay Mexico lấy mất từ Mỹ.

Hiện có đến 67% số cử tri ủng hộ ứng cử viên Trump cho rằng toàn cầu hóa và tự do thương mại có ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Mỹ.

Có 43% cử tri Mỹ cho rằng tự do thương mại là điều tội tệ với Mỹ và tỷ lệ này là 67% trong số các cử tri ủng hộ Donald Trump

Toàn cầu hóa cũng như các hiệp định thương mại tự do đem lại nhiều lợi ích và thách thức cho các nước tham gia. Hầu hết những người bị thiệt bởi tiến trình này đều nhận ra họ đang bị tác động, trong khi những người được hưởng lợi hầu như không cảm thấy gì.

Nói cách khác, tầng lớp giàu có, doanh nhân là những người được hưởng lợi chính từ toàn cầu hóa và các hiệp định thương mại trong khi những người nghèo, tầng lớp lao động không được hưởng nhiều.

Tại Mỹ, những người có thu nhập trên 80.000 USD/năm đã có mức tăng trưởng thu nhập khoảng 30%-60% trong vài năm qua. Trong khi đó, tầng lớp trung lưu lại không có sự tăng trưởng nhiều.

Tăng trưởng thu nhập của tầng lớp giàu nhất thế giới và nghèo nhất thế giới trong khoảng 1988-2008.
Thu nhập bình quân mỗi năm của các hộ gia đình trung lưu Mỹ không thay đổi nhiều so với 20 năm trước đây.

Nhóm những người giàu nhất đang càng ngày càng giàu hơn. Tỷ lệ thu nhập của top 10% người giàu trong tổng số thu nhập toàn nước Mỹ đã tăng từ mức 35% năm 1980 lên 50% hiện nay.

Ngoài ra, những người không có trình độ đại học tại Mỹ đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tỷ lệ người tự tử và nghiện ngập đã tăng nhanh trong tầng lớp người dân không được giáo dục tốt trong khi lại giảm đối với những người có trình độ.

Tỷ lệ người tự tử và nghiện ngập bình quân trong mỗi 100.000 người da trắng tại Mỹ

Đặc biệt, việc những người da trắng tại Mỹ ngày càng khó kiếm việc làm hơn khi tỷ lệ nam giới da trắng có việc làm tại quốc gia này đã giảm từ 88% năm 1954 xuống 72% năm 2015.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến xu thế phản đối thương mại tự do và toàn cầu hóa tại Mỹ đang ngày càng tăng.

Dẫu vậy, tự do thương mại và toàn cầu hóa rõ ràng cũng không chỉ tác động tiêu cực mà còn đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những tác động này là không rõ nét cũng như không khiến người dân cảm nhận được lợi ích từ tự do thương mại.

Số liệu của WB cho thấy tầng lớp đói nghèo với thu nhập dưới 1,9 USD/ngày trên toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử, ở mức dưới 10% với 702 triệu người năm 2015. Tỷ lệ này năm 2012 là 12,8% với 902 triệu người.

Mặc dù vậy, tình hình cải thiện thu nhập của tầng lớp nghèo không được đồng đều. Khu vực Châu Á là những nước giảm tỷ lệ nghèo đói nhanh nhất trong khi Châu Phi lại không có nhiều thay đổi.

Theo Trí Thức Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích