Ngư dân khai thác thủy sản lao đao
Vừa trở về sau chuyến đánh bắt thủy sản dài ngày từ ngư trường Hoàng Sa, ngư dân Bùi Xuân Tấn (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), chủ tàu cá VO 908 buồn bã nói: Mấy ngày qua, việc cá chết bất thường đã gây tâm lý hoang mang cho người dân các tỉnh miền Trung. Mặc dù, thuyền của tui khai thác, đánh bắt cá thu xa bờ, nhưng khi về đất liền cũng tiêu thụ chậm hơn so với trước.
Tàu cá của ông Bùi Xuân Tấn cập cảng sau mấy ngày dài đánh bắt xa bờ |
Anh Hoàng Hải (khu phố 5, thị trấn Cửa Việt) cùng chung tâm trạng lo lắng. Anh Hải hành nghề cùng với em trai là Hoàng Tứ, chủ tàu QT 92189 TS từ nhiều năm nay, chủ yếu đánh bắt xa bờ tại vùng biển thuộc ngư trường Hoàng Sa. Anh Hải cho hay: “Hiện nay, các sản phẩm từ biển tiêu thụ khá chậm. Chính vì vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến những ngư dân hành nghề khai thác thủy hải sản. Ngày hôm nay chúng tôi cập bờ để thay ngư lưới cụ hành nghề, chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới. Hy vọng các ngành chức năng sớm tìm ra nguyên nhân để giải tỏa mối lo lắng cho bà con, cũng như để ổn định tình hình”.
Mấy ngày qua, mức tiêu thụ thủy sản sụt giảm đáng kể |
Trung bình chi phí cho mỗi chuyến đi biển rất cao, thế nhưng sau chuyến đánh bắt dài ngày trở về cá không bán được khiến nhiều người nghĩ đến việc nghỉ đánh bắt trong thời gian trước mắt.
Đánh giá về hoạt động khai thác thủy hải sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Trị, khẳng định: Hiện tượng cá chết bất thường trôi dạt vào dọc bờ biển đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, hoạt động đánh bắt của bà con ngư dân trên địa bàn thời gian gần đây.
Khi nhận thông tin cá chết nhiều, chúng tôi đã đi kiểm tra để xác định mức độ ảnh hưởng, đồng thời thu gom tiêu hủy để đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong khi chờ các cơ quan chuyên môn tìm ra nguyên nhân, tỉnh Quảng Trị đã có văn bản gửi các địa phương và khuyến cáo bà con không nên thu mua, chế biến các sản phẩm cá chết làm thức ăn và cho gia súc.
Đang đánh bắt cá trên biển, ngư dân Võ Lới, người đã có nhiều năm hành nghề khai thác thủy sản cũng tỏ ra lo ngại. “Mấy ngày qua tôi vẫn đánh bắt cá bình thường trên biển, chủ yếu các loại cá cơm. Tình trạng cá chết thời gian qua đã gây nên tâm lý hoang mang cho người dân và cả những người đánh bắt như chúng tôi. Các loại cá chết chủ yếu ở gần bờ khoảng 5-7 hải lý, còn bên ngoài khơi không có vấn đề gì. Các loại cá gần bờ hầu như đã bị chết hết, nếu không sớm tìm ra nguyên nhân để kịp thời xử lý thì có thể phải mất vài năm cá mới sinh sôi được” – ông Lới lo lắng.
Nhà hàng hoạt động cầm chừng, dân “thờ ơ” với cá biển
Trước tình trạng cá biển chết bất thường như hiện nay, các ngành chức năng tỉnh Quảng Trị đã vào cuộc khẩn trương lấy mẫu để phân tích tìm nguyên nhân. Tuy nhiên, những hệ quả từ hiện tượng cá chết bất thường thì đã thấy rõ.
Hệ thống nhà hàng kinh doanh hải sản ở Khu du lịch Cửa Việt trở nên đìu hiu |
Tại khu du lịch Cửa Việt, nơi có rất nhiều nhà hàng cung cấp các mặt hàng thủy, hải sản phục vụ du khách về đây tắm biển, nghỉ ngơi thì dường như chỉ hoạt động “cầm chừng”. Ông Nguyễn Văn Bòn cho biết, mấy ngày qua lượng khách về đây tắm biển giảm hẳn so với trước. Chính vì vậy, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thủy sản cũng ít dần. Gia đình tôi chủ yếu mua các sản phẩm hải sản từ các hộ đánh bắt xa bờ nhưng khách cũng ít dùng, chủ yếu là các mặt hàng như: nghêu, cua, ghẹ…
Các dãy bàn trống không |
Theo ghi nhận, hàng loạt nhà hàng ở đây rơi vào cảnh đìu hiu, các dãy bàn trống không. Anh Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, mấy ngày qua việc kinh doanh cũng trở nên ế ẩm, lượng khách ít hơn. Sắp đến dịp lễ nhưng cứ kéo dài tình trạng này thì e rằng người dân chúng tôi sẽ rơi vào cảnh khó khăn.
Tại chợ trung tâm TP Đông Hà, dường như người dân cũng “quay lưng” với các sản phẩm từ biển. Ngày thường, khu mua bán cá đông đúc nhưng từ 3 ngày qua thì trở nên thưa thớt. Nhiều tiểu thương cũng “méo mặt” vì ngồi từ sáng đến trưa nhưng không bán được hàng.
Bà Trần Thị Thỉ cho hay: “Tui ngồi từ sáng đến giờ nhưng không bán được bao nhiêu. Tui chủ yếu kinh doanh cá thu, cá ngừ…là những sản phẩm đánh bắt xa bờ nhưng hầu như không tiêu thụ được. Cứ tình trạng ế ẩm như thế này thì tui cũng không biết làm răng, bởi không ai ngó ngàng gì đến cá biển”.
Các điểm mua bán cá biển ế ẩm |
Theo khảo sát, các loại cá có giá trị kinh tế cao bây giờ cũng chỉ còn lại khoảng 10-20% giá trị nhưng vẫn không có người mua, như: Cá mú giảm từ 200.000 đồng xuống còn 30.000 đồng/kg; cá thiều giảm từ 80.000 đồng xuống còn 20.000 đồng/kg; cá hạnh giảm từ 100.000 đồng xuống 15.000 đồng/kg; cá bớp từ 200.000 đồng xuống còn 50.000 đồng/kg…
Ông Hồ Sỹ Biên, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị cho biết, những ngày qua đơn vị này cũng phối hợp với các cơ quan liên quan siết chặt công tác kiểm tra tại các nhà hàng, điểm kinh doanh hàng thủy hải sản trên địa bàn.
Liên quan đến hiện tượng cá chết bất thường, Bộ TN&MT cũng đã có công văn gửi các tỉnh miền Trung và tỉnh Quảng Trị về việc thực hiện một số biện pháp khẩn cấp nhằm giải quyết hiện tượng cá chết hàng loạt.
Cụ thể, Bộ này đề nghị UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, TT-Huế thông báo tuyên truyền để người dân không sử dụng cá chết chế biến thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi đồng thời kiểm soát, xử lý đúng cách không để tình trạng đưa cá chết ra tiêu thụ, buôn bán làm ảnh hưởng đến sức khỏe và gây ô nhiễm môi trường.
Theo Dân Trí