15 năm ‘cò’ đẻ thuê của gã xe ôm trước cổng bệnh viện

Thứ sáu, 22/04/2016, 13:29
15 năm “cò” mối đẻ thuê, bơm tinh trùng, mua bán tinh trùng... Nghề nào hắn cũng thạo, dịch vụ nào hắn cũng hay và quan trọng hắn có thể chu toàn được tất cả giấy tờ cho bệnh nhân.

Khi người khuyết tật nhờ mang thai hộ

Cũng là những “gánh nặng” về vấn đề con cái, anh H. (Ba Đình, Hà Nội) sinh ra trong gia đình có 3 chị em, điều kiện kinh tế khá giả. Nhưng sự đời trớ trêu, từ nhỏ anh bị khuyết tật, cả cơ thể lúc nào cũng co dúm, cuộc sống của anh gắn liền với chiếc xe lăn và sự trợ giúp của gia đình. Hai người chị của anh, dù đã cao tuổi nhưng vẫn chưa xây dựng gia đình.

Khát vọng có tiếng trẻ thơ trong nhà và có người nối dõi, từ lâu đã trở thành “nỗi niềm trắc ẩn” của họ.

Chia sẻ về câu chuyện của anh H., Tiến sỹ, Bác sỹ Lê Vương Văn Vệ - Giám đốc Trung tâm Nam học hiếm muộn kể lại:

Bệnh nhân ấy tên N.Đ.H. (hơn 40 tuổi, bị liệt từ nhỏ). Theo lời kể của Tiến sỹ Vệ, ông tình cờ gặp anh H. trong 1 lần anh H. đi khám nam học.

“Bị khuyết tật từ nhỏ nên cơ thể anh H. là 1 khối “dúm dó”. Lúc đó, tôi đã chắc chắn người đàn ông đó khó có thể làm bố.

Mọi thông tin về anh tôi có được chỉ là khu vực anh đang sống cùng chút thông tin về hoàn cảnh gia đình. Và sau lần gặp ấy 1 thời gian, tôi quyết định cho nhân viên của mình đi tìm người đàn ông này.

Không biết địa chỉ chính xác, chúng tôi tìm qua công an khu vực với những lời miêu tả về trạng thái cơ thể, hoàn cảnh gia đình. Cuối cùng, người đàn ông khuyết tật với mong muốn sinh con nối dõi và giúp gia đình có tiếng cười con trẻ cũng xuất hiện tại phòng khám của chúng tôi.

Và sau quá trình thăm khám, làm xét nghiệm, thụ tinh nhân tạo... anh H. cũng đã có cho mình được giọt máu. Con đường mà họ có được đứa trẻ ấy, theo tôi được biết là nhờ qua dịch vụ mang thai hộ”, Tiến sỹ Vệ kể.

Những người phụ nữ mang thai hộ họ chỉ coi đó là công việc, có tiền là họ làm (Ảnh minh họa)

Gia đình anh H. biết rõ về cô gái này nhưng cô thì tuyệt nhiên không biết gì về gia đình anh. Kể cả việc anh bị khuyết tật, cô cũng không có thông tin. Qua tìm hiểu, chúng tôi có thêm thông tin, người mang thai hộ giúp anh H. là một người phụ nữ quê Nghệ An và cũng ở tuổi gần 40.

“Cô gái ấy được thuê cho nhà riêng để ở. Tính ra chi phí hàng tháng chi cho cô này sống giữa đất thủ đô và cả thai nhi cũng phải hơn 4 triệu đồng.

Có dịch vụ soi tinh trùng để tránh trường hợp “lạc” tinh trùng của người khác vào. Sinh con xong coi như hai bên kết thúc hợp đồng và được phép về quê tiếp tục công việc hàng ngày của mình mà không lưu luyến hay vương vấn gì chuyện con cái”, một người bạn của anh H. kể cho tôi nghe.

Người đàn ông chu đáo trong dịch vụ đẻ thuê

Và đâu đó, trong tôi vẫn là những lời của người đàn ông mang tên T.A mà tôi gặp ở trước cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương – kẻ đang hàng ngày tự hào với chiến tích 15 năm “cò” mối đẻ thuê, bơm tinh trùng, mua bán tinh trùng...

Nghề nào hắn cũng thạo, dịch vụ nào hắn cũng hay và quan trọng hắn có thể chu toàn được tất cả giấy tờ cho bệnh nhân. Chỉ cần giao dịch “tiền” giữa hai bên được chấp thuận.

“Anh còn có thể giúp em trong vấn đề chọn giới tính thai nhi. Em cứ cân nhắc giữa việc mang thai hộ và nhận con nuôi.

Mang thai hộ là 550 triệu đồng, giá trọn gói. Còn nhận con nuôi anh cũng có mối cho em nhưng anh chưa thể khẳng định giá chính xác là bao nhiêu vì còn tùy thuộc vào gia đình người có con, họ muốn mình “bồi dưỡng” bao nhiêu nữa. Nhưng em cứ sẵn tâm lý là 40 – 50 triệu đồng.

Còn về phần đứa trẻ, sinh ra nó còn đỏ hỏn và sẽ thay đổi hình dáng từng ngày nên anh không thể chọn cho em đứa bé có gương mặt na ná vợ chồng em. Đó là điều rất khó”, anh T.A đã tư vấn cho chúng tôi như thế khi “vợ chồng” tôi vẫn hàng ngày than khóc với anh chuyện hiếm muộn và nỗi khát khao được làm mẹ.

Cảnh tư vấn mang thai hộ trước cổng Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Anh gọi điện cho tôi rồi hẹn gặp riêng “chồng” tôi nói chuyện với tư cách là những “thằng đàn ông” sẽ dễ bề tâm sự, chia sẻ để tìm phương án tốt nhất cho hạnh phúc gia đình.

Về vấn đề mang thai hộ, chiều 19/6/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi, chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

Cụ thể, Luật quy định việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên, được lập thành văn bản có công chứng và không được trái với các quy định trong pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Bên nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện như: Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; vợ chồng đang không có con chung; đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

Tương tự điều kiện với người được nhờ mang thai phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc chồng; từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần; ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có hôn nhân thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.

Người mang thai hộ phải tuân thủ quy định về thăm khám, các quy trình sàng lọc để phát hiện, điều trị các bất thường và những dị tật của bào thai. Đồng thời vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Người nhờ mang thai phải có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật này và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan. Nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường…

Việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có hiệu lực từ 15/3/2015.

Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp mà chúng tôi tiếp xúc, chúng tôi tìm hiểu đều chưa theo các quy định của Luật này.

Theo Người Đưa Tin

Các tin cũ hơn