Ngày 11/7, qua số điện thoại trên website www.mamsong..., bà Lan (một phụ nữ khoảng 40 tuổi, quê Vĩnh Long) liên lạc với ông Thưởng, người phụ trách website, để tìm người đẻ thuê. Bà Lan bày tỏ trong khi chồng bà có khả năng sinh sản bình thường thì bà lại không có khả năng mang thai.
Ông Thưởng xưng là giám đốc công ty “hiếm muộn mầm sống Việt” và là người sáng lập website cung cấp dịch vụ đẻ thuê có một không hai ở Việt Nam.
Website do ông Thưởng phụ trách. |
Quảng bá đẻ thuê
Tại điểm hẹn là quán cà phê trong hẻm 273 Tô Hiến Thành (Q.10), ông Thưởng khẳng định tại TP.HCM và Hà Nội, ông đều có người mang thai hộ cũng như đẻ thuê. Ông Thưởng giải thích rành rọt mang thai hộ là mang đứa con trong bụng được hình thành từ tinh trùng và trứng người khác. Còn đẻ thuê là bao gồm cả mang thai hộ và mang thai từ chính trứng của người đó và tinh trùng của người đi thuê.
Ông Thưởng, người nhận môi giới đẻ thuê, và website do ông này phụ trách. |
Ông Thưởng bày thêm: “Còn muốn sử dụng phôi hình thành từ trứng của chị và tinh trùng của chồng chị cấy vào người mang thai hộ, giá trọn gói là 400 triệu đồng, thực hiện ở Hà Nội hoặc Thái Lan”.
Giá cả có thể thay đổi tùy vào ngoại hình và trình độ của người cho thuê bụng. Khi gặp “đối tác” là người cho thuê bụng, nếu bà Lan ưng ý sẽ làm thủ tục xét nghiệm, giao tiền cọc 10 triệu đồng, thụ thai thành công, người thuê sẽ đưa thêm 30%, số còn lại giao đủ cho ông Thưởng khi nhận đứa bé, bao thêm làm giấy chứng sinh mang tên người thuê với giá 10 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Thưởng tên thật là Tưởng Đình Thương (34 tuổi, quê Nghệ An) vốn là “cò” buôn bán tinh trùng. Hơn một năm nay, do nắm bắt nhu cầu cần con của những cặp vợ chồng hiếm muộn, ông Thưởng đã lập website kinh doanh các dịch vụ như đẻ thuê, mang thai hộ, buôn bán trứng phụ nữ, tinh trùng.
Ông này huỵch toẹt: “Mình hoạt động ngầm là chính. Cần thiết tôi sẽ đóng dấu vân tay khi làm hợp đồng. Đẻ xong là đường ai nấy đi. Như vậy là chị có đứa con chính chủ rồi”.
Ông Thưởng, người nhận môi giới đẻ thuê.
Tuyển mộ gái đẻ thuê
Để có phụ nữ đẻ thuê, mang thai hộ, ông Thưởng chiêu mộ các chị em phụ nữ khỏe mạnh, dưới 30 tuổi. Chiều 13/7, tại quán cà phê trong hẻm 273 Tô Hiến Thành (Q.10), ông Thưởng cho biết số tiền người mang thai hộ, đẻ thuê nhận được dao động từ 100-120 triệu đồng, còn bán trứng giá 13-15 triệu đồng tùy vào ngoại hình và trình độ. Bán trứng thì có tiền ngay sau khi chọc hút trứng, còn mang thai hộ thì khi giao em bé mới thanh toán.
Đứa bé sơ sinh được ông Thưởng ra giá 30 triệu đồng.
Ngay lập tức, ông ta đi xe máy đến một quán nước đối diện Bệnh viện Từ Dũ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3). Người có nhu cầu mua trứng là phụ nữ khoảng 40 tuổi tên Ánh. Sau khi hỏi han, dò xét kỹ lưỡng, bà khách tỏ vẻ ưng ý sẵn sàng trả 30 triệu đồng cho một lần mua trứng. Tuy nhiên, hai bên thỏa thuận cần đợi người bán trứng đến ngày rụng trứng mới làm siêu âm, chọc hút trứng.
Bác sĩ tiếp tay
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà Châu, chuyên mua bán trứng phụ nữ có thâm niên khoảng 10 năm và làm thêm dịch vụ đẻ thuê hơn năm năm nay, làm ăn chung với ông Thưởng. Sáng 27/7, bà Châu hẹn bà Lan đến quán cà phê trên đường Cao Thắng (Q.10) để xem mắt người đẻ thuê mới tên Quyên (27 tuổi, quê ở Cà Mau). Bà Lan tỏ vẻ ưng ý.
Bà Châu báo giá lĩnh bơm tinh trùng là 170 triệu đồng, thụ tinh trong ống nghiệm 270 triệu đồng, bao gồm phí nhận bao làm giấy chứng sinh mang tên người thuê, chưa tính phí nuôi dưỡng người mang thai. Sau khi điện thoại một lúc, bà Châu cho biết sẽ dẫn bà Lan đến phòng khám của bác sĩ Hồng đang làm tại Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc (thị xã Thuận An, Bình Dương) có chuyên môn cao nên có thể làm được ngay phòng khám tại nhà.
Chiều 27/7, bà Châu chở Quyên, dẫn bà Lan đến phòng khám sản phụ khoa - hiếm muộn của Bác sĩ Đinh Thị Hồng trên đường Nguyễn Oanh (P.17, Q.Gò Vấp). Trong lúc chờ siêu âm, bà Châu tư vấn cho bà Lan cần photo giấy chứng minh của cả hai vợ chồng bà, giấy kết hôn công chứng làm bốn bản để bà ta làm hồ sơ mang hình Quyên nhưng mang tên bà Lan.
Khoảng mười phút sau, bác sĩ Hồng từ phòng siêu âm ra và nói: “Coi như tôi làm ngơ, việc giấy tờ cứ để Châu lo. Có thể làm như thế này là không đúng lắm. Nhưng về chuyên môn thì chị đừng có lo gì hết. Chỉ lo là về giấy tờ thủ tục các thứ không chặt chẽ hoặc để lộ”. Bà Hồng cũng nói sẽ lo cho bà Lan kỹ lưỡng cho đến khi có em bé. Bà Hồng dặn Quyên: “Chuyện của chị Châu với chị với cả chị này (bà Lan) không được để lộ ra”.
Theo bà Hồng, có hai cách để làm: một là bơm tinh trùng trực tiếp (kích trứng lên rồi bơm tinh trùng), hai là thụ tinh trong ống nghiệm sau đó cấy phôi vào người Quyên. “Đối với người trứng đẹp như thế này, tôi khuyên chị nên bơm tinh trùng cho nó nhẹ, tỉ lệ thành công cũng cao”, Bác sĩ Hồng khuyên.
Theo bà Hồng, tinh trùng của chồng bà Lan sẽ lấy ở nhà nghỉ rồi mang đến chỗ chuyên gia lọc tinh trùng mà bà Hồng quen. Sau đó, tinh trùng này được mang đến phòng mạch của bà để bơm vào người chị Quyên. Tỏ vẻ chưa yên tâm, bà Lan hỏi: “Chị đã từng làm thành công ca nào chưa?”. Bà Hồng nói: “Bây giờ còn hỏi câu đấy, quá nhiều ca chứ không phải mới. Như vậy tôi mới nói mạnh như vậy chứ”.
Nghiêm cấm mang thai hộ, đẻ thuê Hiện pháp luật Việt Nam nghiêm cấm các hành vi mang thai hộ, đẻ thuê, mua bán trứng phụ nữ, tinh trùng và mua bán trẻ em. Trong đó, đối với hành vi mang thai hộ, khoản 3 điều 10 nghị định 96/2011/NĐ-CP ngày 21/10/2011 quy định xử phạt vi phạm hành chính về khám bệnh, chữa bệnh quy định phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. Điều 12 nghị định 12/2003/NĐ-CP quy định “chỉ các cơ sở y tế được Bộ Y tế hoặc sở y tế tỉnh, TP trực thuộc trung ương công nhận đủ điều kiện mới được thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm”. Và các cơ sở y tế được phép thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản có trách nhiệm thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản theo quy trình kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành. Hiện pháp luật nghiêm cấm hành vi mang thai hộ, đẻ mướn. Do đó, việc bác sĩ tiếp tay cho việc mang thai hộ, đẻ mướn là hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp bác sĩ là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bác sĩ đó sẽ bị xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức hoặc kỷ luật lao động theo pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và pháp luật về lao động. (Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Hội Luật gia TP.HCM) |
Theo Tuoitre