Trình Chính phủ xem xét cho ý kiến về dự thảo mới đây của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ Tư pháp nêu nhiều vấn đề “nóng” đang nổi lên trong dư luận.
Báo cáo về các hướng ý kiến liên quan đến vấn đề mang thai hộ, Bộ Tư pháp cho biết, nhiều người đề xuất cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (chỉ cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại) để tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, được quyền làm cha, mẹ theo nguyện vọng.
Tuy nhiên, để tránh bị lạm dụng, pháp luật phải quy định chặt chẽ, cụ thể các điều kiện đối với người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ; hình thức pháp lý của việc mang thai hộ; quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên và nhiều vấn đề khác có liên quan đến việc mang thai hộ.
Hướng quan điểm “cứng rắn” hơn lại đề nghị nghiêm cấm việc mang thai hộ với lý do đây là vấn đề nhạy cảm và phức tạp, có thể mang lại nhiều hậu quả xấu về mặt xã hội, mặt khác cũng không phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.
Cơ quan soạn thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi tán thành với hướng nới quy định, cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Một nội dung khác, về tuổi kết hôn, Bộ Tư pháp hạ tuổi kết hôn với nam giới từ mức 20 tuổi như luật hiện hành xuống mức 18 tuổi, bằng độ tuổi áp dụng cho nữ.
Lý do đưa ra, quy định độ tuổi kết hôn như vậy để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Bộ luật dân sự, pháp luật về tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan. Pháp luật dân sự hiện hành quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên là người đã thành niên, nếu không ở tình trạng mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì được quyền tham gia tất cả các quan hệ dân sự và tố tụng dân sự.
Trong các lĩnh vực hoạt động xã hội khác thì pháp luật cũng quy định nam giới từ đủ 18 tuổi là đã có đầy đủ năng lực pháp lý để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trước Nhà nước và xã hội. Ví dụ, theo Luật Nghĩa vụ quân sự, công dân nam từ đủ 18 tuổi trở lên phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của luật này.
Việc hạ tuổi kết hôn là để thực hiện nguyên tắc bình đẳng giới đã được quy định trong Công ước CEDAW mà Việt Nam là thành viên.
Công nhận “hợp đồng hôn nhân”? Dự thảo sửa đổi luật Hôn nhân và gia đình lần này cũng đưa nhiều đề xuất mới, mở ra hướng công nhận “hợp đồng hôn nhân”, chế độ tài sản thỏa thuận của vợ chồng, chế định ly thân… Bộ Tư pháp đánh giá, một số quy định của luật hiện hành còn cứng nhắc, chưa tạo được cơ chế pháp lý linh hoạt, phù hợp với bản chất của các quan hệ hôn nhân và gia đình. Ví dụ, việc chỉ quy định một chế độ tài sản duy nhất của vợ chồng là chế độ tài sản pháp định mà không có quy định cho phép vợ chồng được lựa chọn chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận (chế độ tài sản ước định) nên chưa đảm bảo cho vợ chồng thực hiện được quyền tự thỏa thuận, tự định đoạt đối với tài sản của mình đã được quy định trong pháp luật dân sự. Đối với cơ chế giải quyết mâu thuẫn giữa vợ và chồng, luật hiện hành cũng chỉ mới dự liệu hai giải pháp là hòa giải đoàn tụ và giải quyết cho ly hôn, trong khi trên thực tế, ngoài hai giải pháp này, nhiều cặp vợ chồng lại mong muốn lựa chọn giải pháp ly thân với tư cách là phương thức giải quyết phù hợp nhất đối với tình trạng quan hệ hôn nhân, gia đình của họ. Trong khi ly thân được đnahs giá là một biện pháp giúp các bên vợ, chồng tránh tình trạng bạo lực gia đình; ly thân tạo điều kiện cho vợ chồng có thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi tới quyết định cuối cùng trong giải quyết mâu thuẫn của mình là ly hôn… Đây là một vấn đề thực tiễn được cơ quan soạn thảo nhấn mạnh là giải pháp được nhiều cặp vợ chồng lựa chọn để giải quyết mâu thuẫn khi họ chưa muốn ly hôn nên luật không thể né tránh. Đặc biệt, đây là giải pháp rất hữu ích cho cộng đồng người Công giáo vì theo giáo lý, họ không được phép ly hôn. |
Theo Dantri