Khi con nít đọc báo
Câu nói của bé Na, 6 tuổi, khiến chị Nga choáng váng, mặt cắt không còn giọt máu. Chị lắp bắp hỏi con: “Sao con lại nói thế hả? Ông ngoại con đi nước ngoài mà, mấy năm nay ông có về đâu” thì cô con gái ghé tai mẹ thì thầm: “Con nói ông ngoại khác cơ. Trong máy tính nói thế mà”.
Hóa ra, trong lúc mải nấu cơm, chị Nga đã không tắt máy tính trong phòng làm việc và cô con gái đã vào phòng mẹ lướt web, đọc thông tin. Sau khi đọc xong bài báo “Chủ tịch xã xin lỗi người bị nghi oan hiếp cháu ngoại” trên một trang thông tin điện tử có tiếng, vội vàng vào mách với mẹ.
Ở lứa tuổi còn quá nhỏ, một thông tin xấu cũng ảnh hưởng rất lớn đến tâm hồn của trẻ. Ảnh minh họa |
Sau một hồi đọc lại toàn bộ bài báo này, chị Nga mới phát hiện, bài báo này nói về tình trạng xâm hại trẻ em nhưng lại là một tin đồn thất thiệt tại xã Vĩnh Trạch Đông, Bạc Liêu. Trong đó, ông Chủ tịch xã vì thiếu văn hóa và tinh thần trách nhiệm trong việc kiểm tra, thẩm định thông tin từ một tin đồn vô căn cứ, đã gây ra oan sai cho người dân lương thiện. Nhất là trong sự việc liên quan đến ông và cháu ngoại này.
“Nội dung là như thế nhưng con bé còn quá nhỏ để có thể hiểu được mọi vấn đề. Chỉ cần đọc cái tít có những từ nhạy cảm ông ngoại hiếp cháu là nó có ý nghĩ không tốt như thế. Phải giải thích đi giải thích lại, con mới hiểu và thôi không thắc mắc nữa.
Nhưng từ sau hôm đó, tôi phải thường xuyên trông chừng con và chỉ cho con tiếp xúc với máy tính khi có mặt bố mẹ ở đó để lọc những thông tin không tốt”, chị Nga được một phen hú hồn kể lại.
Cũng trong tình trạng “dở khóc dở cười” khi cậu con trai học lớp 3 sau khi đọc xong một bài báo trên mạng, với tựa đề “Osin và người tình bắt cóc con chủ đòi 50 lượng vàng” chạy ra mách mẹ: “Mẹ ơi! mẹ phải cảnh giác với cô Tâm giúp việc nhà mình nha. Mấy cái cô giúp việc là xấu tính lắm, chuyên đi bắt cóc con nhà người ta, lại còn lăng nha lăng nhăng nữa. Con ghét cô Tâm lắm!”.
Mất mấy phút bình tĩnh, chị Hiền bảo con: “Con đừng nói linh tinh thế, cô Tâm buồn” nhưng cậu con trai vẫn quả quyết: “Con không có nói linh tinh. Không tin mẹ lên máy tính của ba mà xem”. Đến lúc này, chị Hiền mới thở phào nhẹ nhõm vì đó chỉ là tin mà cậu con trai đọc trên báo mạng mà thôi.
Thiếu những thông tin vui cho trẻ em
Theo ThS tâm lý Phạm Thị Thúy, TP.HCM, trong cuộc sống gia đình, có một điều cấm kỵ bất thành văn mà ai cũng biết đó là: Không được làm việc xấu, nói chuyện xấu, nhất là nói các chuyện có yếu tố phi đạo đức, phản giáo dục trước mặt con trẻ.
Các chuyện như ngoại tình, vợ chồng, anh em, con cháu sát hại, tranh giành của cải lẫn nhau, chuyện loạn luân… thì tuyệt đối không được kể cho con trẻ nghe. Hoặc nếu có kể thì phải kể về sự trừng phạt, và hệ quả tiêu cực của nó để mọi người rút kinh nghiệm và không mắc lỗi như vậy nữa.
Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại ngày nay, một kênh thông tin tác động đến trẻ em rất nhiều là truyền thông. Hầu như nhà nào cũng có máy tính kết nối internet. Thế nên, ngay cả bé lớp 1 cũng đã biết lướt web đọc báo.
Đông nhất là các cháu trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở. Trong khi đó, trên các báo mạng ngày nào cũng nhan nhản các thông tin về cướp, giết, hiếp… Mà ở độ tuổi này, các em tiếp xúc thông tin rất nhanh nhạy nhưng lại không đủ tầm để hiểu hết mọi vấn đề nên dễ dẫn đến những hiểu nhầm đáng tiếc.
Nhà báo Lê Văn Thiềng, Trưởng ban Công tác Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho rằng, báo chí hiện nay, thông tin buồn nhiều hơn thông tin vui cho trẻ em. Những báo chuyên viết về những câu chuyện, tấm gương người tốt việc tốt… cho trẻ em chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đơn cử như Báo Khăn quàng đỏ, Báo Nhi đồng và Đài Phát thanh.
“Mỗi khi mở Đài Phát thanh nghe câu hát: Nhanh bước nhanh Nhi đồng. Theo cở đỏ sao vàng/ Kìa lời gió ngàn kìa lời sông núi/ Nhắc nhở em rằng/ Tuy mình đang còn thơ ấu/ Nhưng chúng em kết đoàn/ Chăm học, chăm làm cho ngoàn,/Tập tành sao/ Thân hình em được nở nang/ Trở nên bao người lao động vinh quang/ Em kính yêu, vâng lời nhớ ơn Bác Hồ/Yêu hòa bình, yêu nước Việt Nam” là lòng tôi càng thêm yêu đời, sống và làm việc có ý nghĩa hơn, nói gì đến trẻ em”, nhà báo Thiềng tâm sự.
Cũng theo nhà báo Thiềng, các báo cần mở thêm chuyên mục và trang chuyên đề về trẻ em. Ngoài các tin, bài, ảnh, các bác còn đăng thơ người lớn viết về trẻ em, trẻ em viết về trẻ em thật sinh động. Đây chính là công việc cần làm.
Theo Infonet