Ba trong năm đứa trẻ trong căn nhà 2,4m2

Chủ nhật, 11/08/2013, 21:31
Các thành phố lớn thường được biết đến với những khu cao ốc sang trọng, những tòa nhà chọc trời. Tuy nhiên, ngay tại trung tâm TP.HCM lại xuất hiện không ít ngôi nhà chỉ rộng vài m2, nơi trú ngụ của 6 - 7 người.

Chen chúc trong hẻm nhà mini

Đập vào mắt chúng tôi khi bước vào con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3, TP.HCM) là một mùi ẩm mốc, ủ dột bốc lên hòa cùng nắng mưa bất chợt của Sài Gòn. Những con hẻm nhỏ chỉ đủ cho một người đi vào. Hai bên hẻm được bày dựng vô số những vật dụng như bát đũa, nồi chảo, bếp núc… Những ngôi nhà trong khu phố này đều rất nhỏ, chỉ khoảng 6 - 10m2, có nhà chỉ 2,4m2, nhưng lại là nơi sinh sống rất nhiều người.

Vì thế, họ phải để tạm những vật dụng sinh hoạt nấu ăn ra bên ngoài cho nhà rộng thêm. Đa phần những gia đình sống trong hẻm này đều là dân gốc tại Sài Gòn. Tuy nhiên, không hiểu vì nguyên do mưu sinh, trang trải cuộc sống hay vì lý do gì mà họ bán dần, bán dần từng phần đất để rồi chỉ còn lại một miếng đất nhỏ và chen chúc nhau cùng sinh sống.

Ông Lưu Văn Lộc (SN 1933, tổ trưởng tổ dân phố khu phố 4, phường 5, quận 3, TP.HCM) ngán ngẩm, lắc đầu cho biết:

"Khu nhà đó trước đây vốn chỉ có hai gia đình sinh sống với những hiên nhà rất rộng. Nhưng vì cuộc sống quá khó khăn, thiếu thốn nên họ bán dần đất để lấy tiền chi tiêu. Vả lại, dân sinh sống ở đó cũng phức tạp lắm, phụ nữ thì hút thuốc, bài bạc, đề đóm; còn đàn ông lại nghiện ngập, trộm cắp… ít người chịu lo làm ăn.

Rồi không có kế hoạch hóa gia đình nên đứa sau theo đứa trước ra đời khiến cho cuộc sống nghèo nàn càng trở nên khốn khổ hơn. Kết quả, họ phải bán đất bán nhà đi để ăn tiêu".

nha ngheo

Ba trong năm đứa trẻ trong căn nhà 2,4m2

Nhà đông người, ngồi thì đủ, còn nằm lại thiếu, nên có khi phải lót chiếu ra ngoài đường nằm tạm. Chị Nguyễn Thị Dung (35 tuổi, chủ nhân căn nhà chỉ 2,4m2) tâm sự: "Nhà tôi có sáu người sống trong ngôi nhà này, nên vào những ngày nắng nóng, tôi phải lót chiếu ở ngoài hè đường nằm tạm. Còn ngày mưa, phải đến nhà hàng xóm ngủ tạm dưới nhà xe".

Ngoài cảnh nhà chen chúc nhau trong một vài ô vuông nhỏ ra thì công việc của họ cũng không hề ổn định. Trong căn hẻm, chỉ những gia đình có điều kiện hơn chút xíu mới chuyển đến là có công việc ổn định, còn những người sống tại đây lâu đời đều phải làm thuê làm mướn sống qua ngày.

Chị Trương Thị Phương (31 tuổi, chủ nhân một ngôi nhà nhỏ trong hẻm) cho hay: "Ở đây, chúng tôi làm đủ nghề để kiếm sống, làm công nhân có, bán chè cháo có, nhưng chủ yếu vẫn là làm thuê cho người ta. Ai thuê gì thì làm nấy, miễn sao có tiền về đong gạo".

Cận cảnh ngôi nhà 2,4m2

Tâm có thừa nhưng lực không đủ

Ông Lưu Văn Lộc, (tổ trưởng tổ dân phố khu phố 4, phường 5, quận 3, TPHCM) cho biết: "Khu phố 4 là nơi tập trung dân cư với nhiều thành phần rất phức tạp, đa số họ đều thất nghiệp, nhiều người có tiền án tiền sự, vào tù ra khám thường xuyên.

Chúng tôi cố gắng tuyên truyền, động viên và quan tâm đến từng gia đình nhưng tình hình tệ nạn xã hội vẫn không thuyên giảm, do nhận thức của người dân vẫn còn rất thấp.

Đặc biệt, trường hợp gia đình chị Dung, khu phố đã vận động kế hoạch hóa gia đình nhiều lần nhưng do chị không có chứng minh nhân dân, không được kế hoạch miễn phí, chị Dung cứ để vậy đến giờ nên mới đông con như thế.

Chính quyền địa phương biết gia đình chị Dung khó khăn nên cũng thường ưu tiên dành những suất quà, quỹ hỗ trợ mỗi khi Nhà nước có chính sách.

Tuy nhiên, dù chúng tôi có cố gắng quan tâm cũng không thể giúp được gì nhiều, chủ yếu nhất vẫn là sự nỗ lực của bản thân mỗi người".

Dẫn chúng tôi vào căn nhà nhỏ chỉ 2,4m2 (chiều ngang 1,2m, chiều dài 2m) của mình, chị Dung  chia sẻ:

"Ngôi nhà do cha mẹ tôi để lại, trước cũng rộng rãi lắm, nhưng sau này do làm ăn thất bại, cha mẹ đau bệnh, chồng thì cờ bạc, nghiện hút nên tôi phải bán dần để chi tiêu, cuối cùng chỉ còn vẻn vẹn 2,4m2 như bây giờ.

Tôi đành đắp đại mái nhà che nắng che mưa cho có chỗ ở. Ai cũng thắc mắc tại sao tôi có thể xoay xở đủ chỗ cho sáu mẹ con sống trong một căn nhà nhỏ như lồng chim như thế.

Thật ra thì sống đâu quen đó thôi, nhiều lúc cũng thấy thương cho bọn nhỏ, nhưng cũng đành chịu, chứ biết làm sao".

Trao đổi với PV về những khó khăn gặp phải khi sống trong ngôi nhà tí hon, chị Dung tâm sự:

"Để có đủ chỗ cho mấy mẹ con nằm nghỉ, tôi đã cố gắng đơn giản, tối đa mọi vật dụng trong nhà. Toàn bộ căn phòng chỉ gồm một chiếc nệm nhỏ, một chiếc tivi và vài bộ quần áo.

Nhiều lúc, có người thương tình cho cái bàn, cái ghế nhưng tôi không dám lấy, vì không có chỗ để.

Cũng vì nhà chật quá nên mẹ con tôi cũng ít khi nấu ăn, mà có nấu cũng chỉ bắc một nồi cơm với trứng luộc hoặc đổ mì gói cho qua bữa.

Chồng tôi không chịu đựng nổi cuộc sống chật vật, tù túng trong căn nhà quá hẹp như vậy nên cũng đã dứt áo ra đi từ hơn sáu năm trước".

Từ đó, mọi gánh nặng kinh tế đổ ập lên vai chị Dung, chị trở thành trụ cột chính, là chỗ dựa và cho năm đứa con thơ dại.

Xuất phát với hai bàn tay trắng, không bằng cấp, không nghề nghiệp, hằng ngày, chị Dung đi rửa chén bát thuê với tiền công khoảng 90 ngàn đồng/ngày. Ngoài ra, chị còn đi phụ việc những việc lặt vặt cho hàng xóm để kiếm thêm thu nhập, hễ ai kêu gì là chị làm đó, không quản ngại công việc gì, thời gian nào. Trước khi đi làm, chị Dung đưa cho mỗi đứa 2.000 đồng để trưa ăn suất cơm từ thiện gần nhà.

Nhìn năm đứa con nheo nhóc, chị Dung đắng lòng tâm sự: "Bố chúng nó bỏ đi, hoàn cảnh gia đình vậy, không chết đói đã may lắm rồi, còn học hành gì nữa. Trong năm đứa nhỏ, tôi vẫn cố gắng cho ba đứa đi học. Tuy nhiên, tôi chỉ đủ cho chúng học ở các trường mái ấm tình thương thôi, nhưng mà cũng không biết trụ đến được khi nào. Dù sao thì tôi cũng đã cố gắng hết sức để cho chúng biết đọc, biết viết là được rồi".

Tiễn chúng tôi ra ngõ, chị Dung buồn bã nói thêm: "Bây giờ, mấy đứa còn nhỏ nên cố gắng chen chúc với nhau cũng có chỗ ngủ, thời gian nữa tụi nhỏ trưởng thành, chắc tôi mua cho mỗi đứa một cái ghế bố ra đầu hẻm ngủ đỡ. Trước mắt, tôi chỉ cầu công việc ổn định để sáu mẹ con có miếng cơm qua ngày, không bị bữa đói bữa no là mừng rồi, cũng không dám mơ ước xa xôi gì hơn nữa. Chuyện sau này, cứ đến đâu hay đến đó vậy".

Thực sự, tận mắt chúng kiến cuộc sống của người dân nơi đây đang ngày càng trở nên bần hàn hơn. Những đứa trẻ sinh ra trong con hẻm này cũng gặp phải những bất hạnh đáng tiếc. Chúng không chỉ nay no mai đói, sống nhờ vào bát cơm từ thiện của thành phố mà còn không được học hành tử tế…

Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn