Hành trình tìm sự thật của chị Nguyệt "Hoài Đức"

Chủ nhật, 11/08/2013, 14:59
Từ một người làm xét nghiệm thầm lặng ở bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội), chỉ một tuần vừa qua cái tên “chị Nguyệt Hoài Đức” đã trở nên nổi tiếng.

Khắp nơi người ta nói về sự dũng cảm của chị khi tiến hành thu thập chứng cứ, rồi đứng ra tố cáo vụ nhân bản xét nghiệm động trời ở bệnh viện này. Nhưng hành trình đi đến sự thật không phải con đường bằng phẳng. “Tôi đã gầy đi 5kg, nhiều đêm không ngủ, lúc nào cũng cảm thấy đau đầu...”, chị Hoàng Thị Nguyệt tâm sự.

Hành trình đến sự thật

Hành trình ấy bắt đầu từ khoảng tháng 7/2012 khi khoa xét nghiệm bệnh viện Đa khoa Hoài Đức được chia tách. Bằng con mắt chuyên môn, các chị nhận thấy với bằng ấy nhân lực, máy móc, không thể nào trả kết quả sau một giờ lấy mẫu.

“Ít ra phải 2 giờ mới có thể trả kết quả được, tôi cũng rất ngạc nhiên vì làm sao có thể trả kết quả nhanh đến thế. Rồi chúng tôi phát hiện một chuyện lạ: nhân viên khoa xét nghiệm được phép tự ký vào phiếu kết quả, tự ý in ra phiếu kết quả xét nghiệm khống...”, chị Nguyệt cho hay.

su that

Chị Hoàng Thị Nguyệt.

Phát hiện ban đầu ấy là bước đi đầu tiên của hành trình, nhưng điều chị Nguyệt và các chị Phan Thị Oanh, Phan Nam Đông... lo lắng nhất là tình trạng phiếu xét nghiệm trùng kết quả. Nhiều trường hợp chẩn đoán lâm sàng là đau ruột thừa nhưng kết quả xét nghiệm lại không thể hiện điều đó.

Bệnh nhân đến bệnh viện chờ đợi, có những cháu nhỏ 1-2 tháng tuổi khóc thét khi bị chọc kim lấy máu ở đầu ngón tay nhưng mẫu máu lại bị vứt bỏ, rồi gắn kết quả xét nghiệm của một người nào khác vào khiến các chị đau lòng.

“Có trường hợp bệnh nhân 46 tuổi động kinh có chung kết quả xét nghiệm với cháu bé 3 tuổi viêm phế quản. Nhiều lần chúng tôi đã đấu tranh ở cuộc họp giao ban khoa nhưng tình trạng không cải thiện, nên chúng tôi quyết định thu thập chứng cứ. Lúc ấy đơn giản chỉ muốn chứng cứ, nếu không đồng nghiệp sẽ cho rằng mình không được làm nên nói xấu họ”, chị Nguyệt kể.

Để thu thập chứng cứ, chị Nguyệt bàn bạc với chị Phan Thị Oanh, kỹ thuật viên, trưởng khoa xét nghiệm, để cùng tìm bằng chứng sai phạm.

Không có kinh nghiệm, các chị phải đi tìm, hỏi mua những máy quay nhỏ hình dạng giống bút bi hoặc ổ cắm điện, đặt vào những chỗ kín đáo để ghi hình lại toàn bộ quá trình sai phạm trong từng việc lấy máu kiểu hình thức, để máu khô, nhận phong bì lại quả của công ty bán hóa chất... Chị Oanh là người có công rất lớn trong việc thu thập tài liệu, đặt máy quay.

Tất nhiên, mọi thứ không hề dễ dàng khi các chị thực hiện “điều tra”. Từ một môi trường làm việc thân thiện, yêu thương, các chị bắt đầu bị cô lập, đồng nghiệp muốn nói chuyện cũng chỉ dám trao đổi bằng ánh mắt. Theo yêu cầu của giám đốc bệnh viện, nhân viên khoa không vào sổ kết quả xét nghiệm (hoặc là vào sổ rất lẻ tẻ) nên nhóm tố cáo rất khó có được bằng chứng cụ thể. Riêng hai tháng 7 và 8/2012 hoàn toàn không được vào sổ.

Những tháng tiếp để tránh sự nghi ngờ về các kết quả xét nghiệm trùng nhau một cách bất thường, các nhân viên này một mặt vẫn ghi các chỉ số xét nghiệm (và cả các chỉ số khống), một mặt lại sửa một vài chỉ số. Do vậy trên giấy tờ có nhìn thấy hiện tượng sao chép kết quả xét nghiệm, nhưng trên sổ sách kiểm tra rất khó để tìm bằng chứng.

Nhóm của chị Nguyệt sau đó đã phối hợp một mặt vừa trả kết quả cho bệnh nhân, mặt khác vừa vào sổ và in sao phiếu xét nghiệm làm bằng chứng. Việc làm của các chị cũng khiến một số nhân viên liên quan nhóm “nhân bản kết quả” khó chịu.

Họ viết các dòng chữ như “đồ chó”, “đồ đểu” ngay trên phiếu kết quả xét nghiệm lưu (những mẫu kết quả này các chị đã giao nộp cơ quan công an). “Nhiều buổi trưa tôi chỉ ăn một chút, còn thức đêm đến 2-3g sáng là chuyện thường để kiểm tra các phiếu kết quả thu thập được một cách chính xác”, chị Nguyệt cho biết.

Hãy bảo vệ chị Nguyệt

Đó là tâm sự của một bạn học của chị Hoàng Thị Nguyệt khi chúng tôi đến thăm lớp học của các chị tại Viện Huyết học - truyền máu Trung ương sáng 10/8. Người này cho rằng: “Từ hôm chuyện này lên báo chí, tivi, thì mọi người, người bệnh rất ủng hộ chị ấy. Nhưng việc chị ấy làm đã động đến quyền lợi của một số người, vì vậy tôi mong hãy bảo vệ chị Nguyệt và các chị tham gia tố cáo, vì người dám nói lên sự thật bây giờ không phải là nhiều”.

Có lẽ vì những tâm sự dồn nén này mà trong suốt buổi nói chuyện với chúng tôi, chị Nguyệt cứ khóc suốt. Khuôn mặt chị hốc hác và cặp mắt thâm quầng. Chị Nguyệt tâm sự chị mới đỡ đau đầu khoảng một tuần nay từ khi vụ việc được đưa ra công luận, còn trước đó lòng chị nặng trĩu vì những áp lực và nỗi lo sợ.

Người phụ nữ can đảm 46 tuổi này cứ luôn miệng yêu cầu đừng nói nhiều về chị, mà hãy nói về những người dũng cảm khác cũng đứng tên trong đơn tố cáo, cũng tham gia thu thập chứng cứ... Và hãy nói về những người bệnh, họ đã thiệt thòi nhiều, giờ đã đến lúc phải trả lại công bằng cho họ.

"Chúng ta phải hoan nghênh, biểu dương những người dũng cảm đứng đơn tố cáo, điển hình là chị Hoàng Thị Nguyệt. Nếu không có họ, chúng ta chưa chắc đã biết những sự việc đang diễn ra trong Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức. Bên cạnh đó cần phải có hình thức khen thưởng. Đây là việc làm cần thiết trong đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng hiện nay", ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội bày tỏ quan điểm.

Theo Tuoitre

Các tin cũ hơn