Sáng 8.8, mặc cho trời mưa như trút nước, kỹ thuật viên (KTV) xét nghiệm Hoàng Thị Nguyệt vẫn xắn quần, cầm guốc, cùng chúng tôi đi đến từng nhà của 3 bệnh nhân “được” sử dụng chung kết quả xét nghiệm máu ở BV Hoài Đức.
Động kinh, tiêu chảy, viêm phế quản cùng chung kết quả xét nghiệm(!?)
Trong một loạt bệnh nhân bị sử dụng chung mẫu máu, chúng tôi chọn 3 bệnh nhân: Một bệnh nhân có bệnh động kinh và hai cháu nhỏ (3 tuổi và 11 tháng tuổi) để tìm hiểu.
Người đầu tiên chúng tôi gặp là anh Nguyễn Công Thụ (40 tuổi, đội 5, xã Cát Quế, Hoài Đức). Bị bệnh này hơn 20 năm, anh Thụ cho biết, từng ấy năm uống thuốc liên tục hằng ngày, cơm có thể bỏ nhưng thuốc thì không. Lần đi khám bệnh ngày 8.4.2013 ở BV Hoài Đức, anh chỉ khám mẩn ngứa.
Kết quả xét nghiệm máu của anh Thụ bị bệnh động kinh đã 20 năm được dùng cho 2 cháu bé bị tiêu chảy, viêm phế quản. Ảnh: Hải Nguyễn |
Nghe chúng tôi cho biết anh là một trong số những bệnh nhân chịu hậu quả “nhân bản” phiếu xét nghiệm, anh Thụ lặng đi.
Dù đã được biết chuyện này qua báo chí, nhưng bà con hàng xóm thấy vậy lại lo lắng và càng bức xúc, ào ào đưa kết quả xét nghiệm của mình, nhờ KTV Nguyệt về tra giúp mình có trong diện bị lừa không.
Nếu như anh Thụ có địa chỉ rõ ràng, được KTV Nguyệt hẹn từ hôm trước, riêng với các cháu bé, chúng tôi phải qua 2 trạm y tế xã để tra cứu tên bố mẹ của các cháu, để từ đó tìm nhà. Cũng rất may, vì thấy việc “nhân bản” quá nhẫn tâm, các nhân viên ở đây rất nhiệt tình giúp.
Cả bố mẹ cháu Phạm Tuấn Đạt (3 tuổi, đội 5, Cát Quế) - người cùng có phiếu xét nghiệm với anh Thụ - nghe thấy có báo chí đến hỏi về nội dung này, đã hỏi dồn: Nếu trùng như vậy con tôi có làm sao không?
Sau khi được KTV Nguyệt giải thích thì mẹ cháu mới bình tĩnh ngồi xuống. Nhưng khi biết con mình lại sử dụng chung mẫu máu với một bệnh nhân động kinh, chị Cao Thị Hưởng (mẹ cháu) lại một phen hốt hoảng.
Nếu như phiếu xét nghiệm của cháu Đạt ghi rõ chẩn đoán là viêm phế quản thì với cháu Nguyễn Đức Khải (11 tháng tuổi, ở thôn Nội, xã Đức Thượng) lại không ghi bệnh gì. Nhưng khi chúng tôi đến nhà, nhìn sổ y bạ mới biết là cháu điều trị bệnh tiêu chảy. Vậy là động kinh, tiêu chảy, viêm phế quản đều dùng chung một giấy xét nghiệm!
Lấy máu xét nghiệm để… vứt đi!
KTV Nguyệt hỏi chị Nguyễn Thị Yến - mẹ của cháu Khải: Khi lấy máu xét nghiệm, họ lấy máu ở đâu? Chị Yến chỉ vào ngón tay: Họ cứa đầu ngón tay để lấy máu vào miếng kính.
Bé Đạt - người có kết quả xét nghiệm bị "nhân bản" từ mẫu máu của bệnh nhân động kinh 20 năm. Ảnh: Hải Nguyễn |
Ngớ ra một chút, rồi chị Nguyệt la lên: Chết rồi, họ lừa bệnh nhân trắng trợn quá! Chúng tôi bất ngờ với câu nói của chị Nguyệt, bởi việc lấy máu như vậy có gì đặc biệt.
Lúc này chị Nguyệt mới từ tốn giải thích, ở bệnh viện của chúng tôi, nếu đã thử huyết học, sinh hóa thì phải lấy máu ở ven thì mới đủ lượng máu để phân tích. Còn lấy máu từ ngón tay vào miếng kính (trong ngành gọi là lam kính) thì chỉ dùng cho việc thử máu đông, máu chảy.
Như vậy, ngay từ đầu các KTV này đã có chủ định lấy máu để... vứt đi. Không tin vào tai mình, rất nhiều phóng viên hỏi lại việc lấy máu vào kính hay vào ống và vì sao lại như vậy?
Sau khi chắc chắn không hiểu lầm, tất cả anh em phóng viên đều lắc đầu, còn bố mẹ của cháu bé cứ ngẩn ra: Hóa ra mình bị lừa mà không biết.
Cháu Đạt cũng được các KTV lấy máu ở đầu ngón tay vào miếng kính như cháu Khải. Mẹ cháu Đạt lại tá hỏa: Hóa ra 2 lần trước các vị này cũng lừa tôi rồi!
Nói ra chúng tôi mới biết, tuy 3 tuổi nhưng cháu đã nằm viện 3 lần chỉ vì mỗi bệnh viêm phế quản. Cả 3 lần nằm viện đều lấy máu ở ngón tay để xét nghiệm huyết học?
Khi biết cả 2 cháu đều bị lừa việc thử máu, mẹ cháu lại hốt hoảng: Có nghĩa là 2 đứa chúng nó phải dùng kết quả của bệnh nhân động kinh ư!
Theo Laodong