Trong vụ chìm tàu khiến 9 người chết ở biển Cần Giờ, công ty Cổ phần Việt Sec được cho là đã tự ý lấy tàu H29 đang bảo trì cho mượn để chở nhóm công nhân PV Pipe ở Tiền Giang đi đám cưới. Trong hành trình tàu bị nạn, ông Vũ Văn Đảo, Giám đốc công ty Cổ phần Việt Sec cũng có mặt ở chiếc ca nô đi sau cùng, nhận tin tàu bị nạn và gọi đầu mối cứu hộ ở Vũng Tàu.
Ông Vũ Văn Đảo nói về hành trình tàu biên phòng đi cứu nạn. Ảnh: An Nhơn |
Trao đổi với PV chiều 8/8, ông Đảo cho rằng, chính việc cứu hộ chậm trễ đã khiến tai nạn thảm khốc xảy ra. "Trách nhiệm thuộc về cá nhân nào sẽ do cơ quan điều tra làm rõ. Nhưng tôi đang nghiên cứu hành trình của tàu biên phòng đi cứu hộ đầu tiên nhằm giải tỏa hoài nghi của dư luận về việc tôi ém thông tin tàu bị nạn, báo tin tai nạn quá muộn", ông Đảo nói.
Theo ông, 19h ngày 2/8, trong lúc đang ở ca nô sau cùng, ông gọi điện thoại về cho Tô Thanh Sơn – Giám đốc kinh doanh công ty, yêu cầu người này chuẩn bị nhiên liệu và liên hệ ngay biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu để xin một con tàu ra tiếp tế tàu H29. "Do thấy thời tiết xấu, sóng to, gió lớn nên tôi dự phòng khả năng các tàu sẽ bị tốn nhiều nhiên liệu nên mới yêu cầu", ông Đảo nói.
Đến 19h46, ông nhắn tin hỏi lại nhân viên Sơn: "Tàu H29 thế nào rồi em..?". 2 phút sau, ông Đảo nhận tin nhắn của cấp dưới: "Em lên tàu biên phòng rồi anh. Tàu đang trên đường ra tìm H29". Theo ông Đảo, sở dĩ ông nhắn cho Sơn tìm H29 vì tàu này đi đầu tiên trong số 3 tàu từ Tiền Giang lên Vũng Tàu.
Đến 20h30 ông nhận tin H29 bị nạn từ ông Phước. "Ngay lúc đó, tôi vừa gọi trực tiếp vừa nhắn tin báo với thượng tá Nguyễn Nhuận Quỳnh, Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa – Vũng Tàu thông báo tàu bị nạn ở biển Cần Giờ", ông Đảo nêu. "Sở dĩ tôi vừa gọi vừa nhắn tin để anh Quỳnh biết rõ mà đôn đốc tàu cứu hộ chạy khẩn trương hơn nữa, không phải rong ruổi như lúc đầu chỉ là tìm tiếp nhiên liệu", ông Đảo nói.
Theo ông Đảo, tọa độ xác định, tàu H29 đi đúng luồng hàng hải từ Tiền Giang về Vũng Tàu. Con tàu bị nạn cách chỗ xuất bến tàu biên phòng 15 km và cách điểm gần nhất Vũng Tàu 10 km. Trong quãng đường đó, theo ông, nếu tàu đi chậm nhất chỉ mất 30 phút.
"Tại sao trong một giờ rưỡi, từ 7h30 đến 8h30, tàu biên phòng không thấy tàu H29. Tàu biên phòng đi như thế nào, tốc độ bao nhiêu mà không gặp được tàu bị nạn. Kể cả đến hôm sau, họ cũng không gặp tàu H29 mà chạy về không?", ông Đảo nêu. Cùng đi trên tàu này có ông Tạ Thanh Sơn, nhân viên của ông Đảo.
Vị giám đốc cũng đưa ra giả thuyết: "Nếu tàu biên phòng tìm được H29 trước khi bị nạn thì thảm họa đã không xảy. Hoặc tìm được sau khi H29 bị nạn thì chính tàu này tiếp cận cứu người đầu tiên".
Về trách nhiệm của ông Sơn có mặt trên tàu biên phòng trong hành trình tìm kiếm, ông Đảo cho rằng cũng cần phải làm rõ. "Tôi chờ giải thích từ anh Sơn về việc cung cấp và xử lý thông tin nhưng sau tai nạn, anh ấy hoảng loạn tinh thần nên chưa tìm được lý giải. Tôi cũng cho rằng những người trên tàu biên phòng cần phải báo ngay kết quả tìm không được", ông Đảo nói.
Theo vị giám đốc này, mặc dù chuyến đi này ông có mặt với tư cách cá nhân và tàu của ông cũng gặp nguy hiểm nhưng ông thấy lương tâm mình cắn rứt. "Tại sao tôi nỗ lực như thế mà không ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn thảm khốc xảy ra. Thế nên cần phải làm sáng tỏ công tác tìm kiếm của tàu biên phòng", ông Đảo nói.
Trước những vấn đề ông Đảo đặt ra, Thượng tá Nguyễn Nhuận Quỳnh, Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa -Vũng Tàu cho biết, 19h30 hôm đó, ông đang nghỉ phép tại Nghệ An thì nhận được điện thoại của ông Đảo với nội dung: "Có một canô của công ty đi Cần Giờ, trên đường về bị hết nhiên liệu, nhờ tàu của đơn vị chở xăng dầu ra tiếp tế".
19h45 cùng ngày, tàu của biên phòng rời cảng Dầu khí mang theo 2 can xăng (khoảng 60 lít ) và 2 hộp nhớt đi tiếp tế. 20h30 cùng ngày, nhận cuộc gọi của ông Đảo báo tin H29 bị chìm, ông Quỳnh có hỏi: "Canô đang bảo dưỡng sửa chữa sao anh lại điều đi chở người ?".
Ông Đảo nói: “Em sai rồi, anh cố gắng giúp em". Ông Quỳnh cũng cho biết đã nói ông Đảo phải thông báo ngay cho các cơ quan liên quan để tổ chức cứu hộ cứu nạn và sẽ cho tàu tham gia tiếp tế cứu nạn ngay.
Ông Quỳnh điện thoại chỉ đạo ông Nguyễn Thế Phát, Phó chỉ huy trưởng nghiệp vụ triển khai lực lượng, phương tiện tổ chức tìm kiếm cứu nạn đồng thời điện thoại cho thuyền trưởng tàu đi tiếp tế Văn Đức Ánh lập tức chuyển sang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, sau đó báo cáo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh.
Còn theo tường trình ông Văn Đức Ánh, người lái tàu đi tiếp nhiên liệu: 19h45 ông lái tàu rời cảng Dầu khí đi theo hướng Cần Giờ do ông Sơn (nhân viên ông Đảo) dẫn đường. Đến 20h30, tàu vào khu vực Cồn Ngựa - Cần Giờ thì bị mắc cạn và lùi ra đồng thời báo cáo tình hình về chỉ huy đơn vị và tiếp tục tìm kiếm.
Đến 20h40, ông Ánh nhận tin tàu chìm và lệnh cho tàu chuyển sang công tác tìm kiếm cứu nạn khẩn cấp từ chỉ huy.
"Tôi đã điều động tàu chạy đến ngay tọa độ mà anh Sơn cho để tìm kiếm cứu nạn nhưng không thấy gì. Tôi tiếp tục điều động tàu tìm kiếm ở khu vực xung quanh đó cho đến khi thấy các cơ quan chức năng ra làm công tác cứu nạn. Sau đó, đã liên lạc với tàu SAR 272, thì nghe vớt được 17 người, tàu tiếp tục tìm kiếm cứu nạn cho đến khoảng 4h sáng ngày 3/8 nghe điện báo đã cứu được thêm 4 người nữa", ông Ánh nêu.
Theo VNE