Có mặt tại làng nghề làm bún nổi tiếng Phú Đô (Từ Liêm, Hà Nội), chúng tôi không khỏi giật mình trước quy trình làm bún cẩu thả và mất vệ sinh tại một số cơ sở.
Bước vào đầu làng, mùi bún chua nồng xen lẫn mùi nước thải khiến ai đi qua cũng phải rùng mình. Hai bên đường, nhiều hộ tận dụng lối đi để phơi thúng, xô nhựa - dụng cụ chính để sản xuất bún.
Tại hộ sản xuất nằm trong một con ngách nhỏ ở xóm 4, hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là những thùng cáu bẩn bên trong đựng bột gạo. Chúng tôi được anh T., chủ cơ sở dắt đi thăm quan nơi "sản xuất" một vòng. Anh T. chỉ những chiếc thùng bằng nhựa màu xanh lem nhem xếp bên cạnh chiếc máy trộn và bảo đó là dụng cụ dùng để ủ bột.
Làng Phú Đô có khoảng gần 500 hộ sản xuất bún, cung cấp từ 40 - 60 tấn/ngày ra thị trường. Tại hộ sản xuất của anh T, nằm trong một con ngách nhỏ phía đầu làng, hơn chục thùng nhựa cáu bẩn dùng để ủ bột làm bún được xếp la liệt. Những viên gạch, viên đá xây nhà giờ có thêm tác dụng ép bột. Bao tải bột chuẩn bị cho những mẻ bún tiếp theo được ép trực tiếp trên nền đất. Không có nắp đậy, ruồi nhặng bu đầy phía trên thùng bột dùng làm bún. Thùng đựng bột bốc mùi nồng nặc. Máy trộn hoen rỉ dùng để sản xuất bún. |
Mở thử ra xem, lớp bọt trắng sùi lên mép thùng, mùi chua lòm xộc lên mũi. Mặc dù biết muốn làm ra bún, bột gạo phải ngâm vài ngày nhưng sau khi được mục sở thị cách ủ bột của hộ sản xuất này, ai chứng kiến cũng phải lắc đầu ngán ngẩm.
Thấy chúng tôi đưa tay bịt mũi, anh T giải thích: "Mùi chua tự nhiên của bột gạo đấy, không có vấn đề gì đâu". Anh T khẳng định loại men này không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Tiếp tục tiến vào bên trong xưởng là chiếc máy ép, máy đánh bột để sát cạnh tường hoen rỉ còn vương bột gạo chưa kịp rửa sau mẻ bún tối qua.
Rời nhà anh T., chúng tôi có mặt tại nhà chị Q. (xóm 1, Phú Đô). Vẫn là những hình ảnh nhếch nhác, mất vệ sinh trong quy trình ngâm bột nhưng tại hộ sản xuất này, công đoạn làm bún cũng bẩn không kém. Trong căn bếp rộng hơn 15m2 được ngăn đôi, một bên được dùng làm nơi ngâm và trộn bột, một bên là người sản xuất đang hì hục làm các công đoạn cuối cùng để cho ra những mẻ bún phục vụ buổi chợ chiều.
Tại hộ sản xuất ở xóm 1, thùng đựng bột được xếp ngay cạnh rãnh nước thải, xung quanh ruồi nhặng bu đầy. Máy trộn bột hoen rỉ, để ngay sát tường ẩm mốc. |
Gần 20 chiếc thùng nhựa (vốn là những thùng sơn đã sử dụng hết) xếp chồng chất ngay cạnh rãnh nước thải. Chiếc để ủ gạo lên men, chiếc để đựng bột vẫn còn chưa ráo nước. Chúng tôi quan sát thấy chị Q. dùng đôi tay trần thục vào bể ngâm bột ngoáy, rồi vuốt bột từ trên cánh tay xuống chiếc thùng nhựa, hai tay ôm gọn chiếc thùng đổ bột vào cối trộn, thi thoảng, chị Q. lại dùng nước rửa tay để rửa bún.
Chậu nước rửa tay được người sản xuất tiết kiệm dùng để rửa bún. Bún được xếp la liệt trên những tấm nhôm ngay sát nền đất. Người sản xuất vô tư đi lại ngay sát những thúng bún chuẩn bị đem ra chợ bán. |
Chúng tôi hỏi: "Sao chị không đeo găng tay vào cho đảm bảo vệ sinh". Chị vô tư trả lời: "Cần gì phải đeo găng tay, cứ thế này làm là tiện nhất. Cả thôn Phú Đô nhà nào mà chả làm như vậy. Yên tâm, không có vấn đề gì đâu em ạ. Nhà chị hôm nào chẳng ăn mà có sao đâu".
Trước mắt chúng tôi, những mẻ bún được vớt từ nồi nước sôi rồi thả vào chậu nước lã, nước thừa lại đổ vào xô để đựng dụng cụ. Bún vớt ra rồi họ lại để bún lên những tấm nhôm kê cách nền nhà khoảng 20cm, không cần che đậy. Thỉnh thoảng một vài công nhân còn bước qua những thúng bún thành phẩm được bày la liệt trên nền đất.
Tại một lò bún khác nằm ngay sát đường đi, chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều tảng bún nóng hổi vừa ra lò quyện chặt vào nhau được xếp la liệt phía dưới đất, bên cạnh là một chiếc quạt điện được bật sẵn để làm nguội bún. Số bún này sắp được cho vào thúng để các lái buôn tới lấy hàng mang ra chợ bán.
Những chiếc "chậu" màu xanh đục cáu bẩn chứa dụng cụ làm bún.
Cạnh chiếc cối xay bột có mấy chiếc quần bẩn, dưới nền nhà la liệt bao bột được chế biến ướt nhẹp, đóng thành từng tảng bắt đầu được đưa vào chế biến. Phía cuối máy ép bún có ba chiếc chậu cáu bẩn đựng nước màu xanh đục mà theo chủ cơ sở đó là dụng cụ dùng để đựng bột làm bún.
Theo Khampha