TP.HCM: Phát hiện 8/144 mẫu bún chứa tinopal

Thứ năm, 08/08/2013, 09:19
Đây là thông tin được GS Chu Phạm Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật TPHCM - đưa ra tại hội nghị chuyên đề về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) vào sáng ngày 7.8.

Theo GS Chu Phạm Ngọc Sơn, từ ngày 1 - 6.8, cơ quan quản lý và các DN đã gửi đến Trung tâm Sắc ký Hải Đăng 144 mẫu thực phẩm bún, phở, bánh canh, bánh ướt để kiểm nghiệm tinopal và kết quả cho thấy, 8 mẫu phát hiện dương tính với tinopal.

GS Sơn cho rằng, có lẽ do người sản xuất không biết chất này là độc hại, nên đã sử dụng và khi được cảnh báo nguy hiểm, người sản xuất đã không dám sử dụng nên các mẫu kiểm nghiệm mới nhất đã cho thấy chất tinopal xuất hiện trong các mẫu bún rất thấp.

ATVSTP

Nhiều mẫu thức ăn đường phố vi phạm ATVSTP.

Trước thực tế trên, bà Lê Ngọc Đào - Phó Giám đốc Sở Công Thương - cho biết, đến ngày 7. 8, sở đã kiểm tra được 190/201 cơ sở sản xuất, những cơ sở phát hiện sai phạm sẽ bị công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng trước ngày 10.8. Trước mắt, sở đã yêu cầu các cơ sở sản xuất và phân phối tự kiểm tra mặt hàng của đơn vị mình.

Đều đáng lo ngại là các kết quả kiểm nghiệm gạo và rau củ quả mới đây do Cty Sắc ký Hải Đăng thực hiện cho thấy một số mẫu bị nhiễm các chất hữu cơ. Ngoài ra, các mẫu cá, tôm, thức ăn chăn nuôi cũng có một số mẫu bị nhiễm các chất thuốc thú y bị cấm trong thực phẩm như: Cloramphenicol, enrofloxacine,...

Thống kê của Chi cục ATVSTP, trong 6 tháng đầu năm 2013, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành của TPHCM đã thực hiện kiểm tra, lấy mẫu sản phẩm thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn với kết quả: Có 937/5.094 mẫu xét nghiệm không đạt (19,1%).

Riêng Chi cục ATVSTP tiến hành lấy 81 mẫu thực phẩm, đồ gia dụng ngẫu nhiên tại các chợ và quán ăn đường phố trên địa bàn TP; kết quả 27 mẫu không đạt (chiếm tỉ lệ 33,3%), tập trung ở các mẫu bún, hạt trân châu, trà túi lọc, sả xay, dừa tươi, nước giải khát đường phố,...

Để bảo vệ sức khoẻ trước tràn lan thực phẩm độc, bà Đào đề nghị: “Phải đào thải những cơ sở sản xuất không đảm bảo chất lượng, chúng tôi mong rằng người dân sẽ chung tay giúp sức bằng cách chỉ sử dụng những sản phẩm có nhãn mác nguồn gốc rõ ràng, tuyệt đối không mua bán mặt hàng không rõ nguồn gốc!”.

Đồng tình với quan điểm của Sở Công Thương, ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM - cho biết, chi cục đã, đang và sẽ tiếp tục thanh - kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn; đồng thời khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh tự lấy mẫu để đưa khi kiểm nghiệm, hành động hướng đến mô hình sản xuất và phân phối sản phẩm an toàn, đảm bảo quy trình truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn tại TP.HCM.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn