Lập Ủy ban hành chính
Theo tờ trình, chính quyền đô thị TP.HCM sẽ xây dựng theo mô hình chuỗi đô thị, được tổ chức thành hai cấp: Chính quyền TP.HCM trực thuộc TƯ và chính quyền cơ sở.
Mỗi cấp đều có HĐND và UBND. Quận - huyện, phường không tổ chức thành cấp chính quyền mà chỉ có cơ quan đại diện hành chính của cấp trên.
Cấp chính quyền TP.HCM - thành phố trực thuộc TƯ, có quy mô toàn bộ 24 quận, huyện hiện nay của TP, trong đó trọng tâm là 13 quận nội thành: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình và Tân Phú.
Đại biểu thảo luận về Đề án thí điểm chính quyền đô thị ở TP.HCM.
Tại 13 quận này, sẽ có các cơ quan đại diện hành chính của chính quyền TP.HCM dưới hình thức Ủy ban hành chính, có Chủ tịch Ủy ban hành chính quận (hoặc Quận trưởng) do Chủ tịch UBND TP bổ nhiệm, bãi miễn. Tương tự, dưới quận cũng sẽ tổ chức các Ủy ban hành chính tại mỗi phường, có Chủ tịch Ủy ban hành chính phường (hoặc Phường trưởng).
Chính quyền cơ sở gồm bốn đô thị thành lập mới và các xã, thị trấn. Các đô thị thành lập mới lấy tên là thành phố Đông, Nam, Tây, Bắc. Đây được xem là cấp dưới cấp chính quyền TP.HCM.
UBND tại bốn đô thị mới này do HĐND cấp tương ứng bầu, UBND TP.HCM phê chuẩn. Người đứng đầu mỗi đô thị mới, TP đề nghị gọi là Chủ tịch hoặc Thị trưởng và có ngạch bậc tương đương với Phó chủ tịch UBND TP.HCM.
Cụ thể, khu đô thị Đông (hay TP Đông) gồm quận 2, 9 và Thủ Đức với diện tích 211km2, trung tâm là khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ở đây sẽ phát triển các ngành dịch vụ cao cấp và công nghiệp kỹ thuật cao, giải trí.
Khu đô thị Nam (TP Nam) gồm quận 7, huyện Nhà Bè, một phần diện tích quận 8 và huyện Bình Chánh, phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng.
Khu đô thị Bắc (TP Bắc) gồm quận 12 và phần lớn huyện Hóc Môn, là nơi phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, nông nghiệp kỹ thuật cao.
Khu đô thị Tây (TP Tây) gồm quận Bình Tân, một phần diện tích quận 8 và huyện Bình Chánh. Đây là đầu mối giao lưu kinh tế với ĐBSCL, phát triển mạnh dịch vụ, khu công nghiệp và các khu dân cư.
Còn tại các xã và thị trấn, là cấp chính quyền cơ sở có HĐND và UBND, với cơ chế tự chủ cao (tương đương chính quyền bốn thành phố vệ tinh), do Chính quyền TP quản lý theo cơ chế phân cấp. Người đứng đầu thị trấn gọi là Chủ tịch hoặc Thị trưởng.
Về cơ chế phân cấp, điểm chú ý là thẩm quyền về tài chính công đã phân định rõ ngân sách TƯ và địa phương. Đối với ngân sách TƯ, việc thu chi theo cơ chế ủy nhiệm, chịu sự giám sát của TƯ. Còn địa phương hoàn toàn tự chủ thu chi và tự chịu trách nhiệm.
Đề án mô hình chính quyền đô thị TP.HCM cũng nhấn mạnh đến đổi mới chức năng nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn theo hướng gọn nhẹ, quản lý đa ngành, giảm đầu mối, hạn chế cấp trung gian. Đặc biệt, xác định rõ quyền và trách nhiệm trong quản lý của các sở ngành chuyên môn theo nguyên tắc mỗi nhiệm vụ chỉ có một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm.
Người dân sẽ được hưởng lợi?
Trả lời báo chí bên hành lang hội nghị, Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch cho rằng, TP.HCM tổ chức chính quyền thành hai cấp sẽ thực chất hơn, với quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Thay đổi quan niệm về công vụ cũng là một điểm đột phá mà ông Lịch nêu. “Sẽ không còn tình trạng phường, xã trở thành cái máng xối, mọi việc đều đổ xuống họ. Cái nào cấp dưới làm thì cấp trên không làm nữa mà chỉ kiểm tra, giám sát”, ông Lịch nói.
Thay đổi quan điểm chức năng của các sở ngành của TP cũng là một điểm đột phá. Từ đó, sở ngành không chỉ là tham mưu mà thực chất là quản lý nhà nước, bớt đi số vụ việc phải dồn hết lên UBND TP.
Ông Trần Du Lịch cũng nhận định rằng, mô hình chính quyền đô thị này sẽ tạo ra bộ máy chính quyền tinh gọn, trách nhiệm rõ ràng, hiệu quả được nâng cao. “Thành phố lớn, nếu tổ chức những đô thị trực thuộc như vậy sẽ năng động hơn. Hiện nay, chưa kể các xã và thị trấn, riêng bốn TP trực thuộc, nếu năng động và sáng tạo sẽ giống như TP.HCM nhân lên 4 lần vậy. Các phúc lợi công cộng sẽ thực chất hơn với người dân”, ông nói.
Trả lời câu hỏi người dân sẽ được hưởng lợi gì từ mô hình chính quyền đô thị này, ông Lịch cho rằng, hệ thống phúc lợi công và các dịch vụ cơ chế hành chính, người dân sẽ hưởng nhiều hơn. “Tương lai, phúc lợi của TP này hơn TP kia thì người dân có thể so sánh. Các TP sẽ phải cạnh tranh hơn để phục vụ dân tốt hơn, chính quyền sẽ thi đua với nhau để nâng phúc lợi lên”, ông Lịch nhận định.
Đề án sẽ được lấy ý kiến người dân, các chuyên gia, nhà khoa học… để hoàn thiện trong thời gian tới, trước khi trình QH và Chính phủ xem xét.
Theo VNN