Ngày 1/3, có hơn 80 ý kiến của các đại biểu góp ý đối với 124 điều của dự thảo Hiến pháp mới tại kỳ họp thứ 8 HĐND TP HCM chuyên đề "Lấy ý kiến đại biểu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992". Trong đó vấn đề được các đại biểu quan tâm nhất là chương IX với các nội dung về "chính quyền địa phương".
Theo các đại biểu, điều 115, chương IX quy định "tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện và thị xã" như hiện nay sẽ gây hạn chế cho việc phát triển các loại đô thị hành chính lớn. Nếu quy định như dự thảo, TP HCM sẽ không có cơ hội thí điểm đề án của mình khi đưa ra mô hình "thành phố trong thành phố" với bốn thành phố đông, tây, nam, bắc nằm trong đô thị lớn là TP HCM.
Kỳ họp thứ 8 HĐND TP HCM được khai mạc sáng 1/3 với nội dung chuyên đề "Lấy ý kiến đại biểu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992". Ảnh: H.C. |
Đại biểu Lê Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP HCM cho rằng, thành phố đã có nhiều bước thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị nhưng còn thiếu cơ sở pháp lý cao nhất, cần phải được ghi nhận vào Hiến pháp.
"Nếu các địa phương cùng dàn hàng ngang để tiến lên cũng giống như các cơ thể khác nhau phải mặc chung một cỡ áo thì rất khó phát triển. Vì vậy cần có một số đô thị phát triển theo mô hình chính quyền đô thị. Tôi tha thiết đề nghị bổ sung vào chương chính quyền đô thị một điều khoản nguyên tắc để làm cơ sở ban hành quy định luật sau này về vấn đề trên", bà Minh phát biểu.
Cũng theo Phó giám đốc Sở Tư pháp TP HCM, chính quyền đô thị cần được trao cho thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật, về thu chi ngân sách cũng như tổ chức cán bộ. Hiến pháp có thể quy định những tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đủ điều kiện được xây dựng chính quyền đô thị theo luật. Đây không chỉ là quy định mở đường cho TP HCM mà còn đáp ứng nhu cầu cho tất cả đô thị đang phát triển lớn mạnh trong cả nước.
Đại biểu Lê Thị Bình Minh, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP HCM thiết tha đề nghị Hiến pháp nên bổ sung nội dung về chính quyền đô thị. Ảnh: H.C. |
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Đua, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM cũng cho rằng, chính quyền đô thị sẽ giúp TP HCM tận dụng được các nguồn lực của mình để phát triển nhanh hơn.
Theo ông Đua, đối với các đô thị lớn không nhất thiết phải có đủ 3 cấp chính quyền địa phương (quận, phường, xã) như nội dung quy định tại điều 115.
"Hiến pháp nên có quy định để những đô thị có đủ điều kiện về quy mô dân số, lực lượng sản xuất sẽ đương nhiên được áp dụng mô hình chính quyền đô thị để phân biệt với chính quyền nông thôn. Có như vậy sẽ đảm bảo sự linh hoạt và sống động hơn", ông Đua cho biết.
Theo ông Đua, đề án mà TP HCM đang kiến nghị trung ương cho phép thí điểm có mô hình "thành phố trong thành phố" với bốn thành phố đông, tây, nam, bắc nằm trong đô thị lớn là TP HCM. Trong điều kiện các cơ quan, Quốc hội khi xem xét không đồng ý cho phép có mô hình "thành phố trong thành phố" thì có thể gọi bằng một tên gọi khác.
Liên quan đến vấn đề xây dựng chính quyền đô thị, đại biểu Đinh Phương Duy cho rằng nên thay đổi tên gọi UBND thành Ủy ban hành chính để phù hợp hơn trong tình hình hiện nay.
Đại biểu HĐND TP HCM biểu quyết thông qua tờ trình về Dự thảo kế hoạch thực hiện việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân thành phố và Hội đồng nhân dân xã, thị trấn bầu. Ảnh: H.C. |
Cũng tại lần làm việc này, HĐND TP HCM khóa VIII đã thông qua tờ trình Dự thảo kế hoạch thực hiện việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND TP và HĐND xã, thị trấn bầu. Thời gian thực hiện bắt đầu từ đầu năm nay.
Theo đó, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ tại kỳ họp thường lệ đầu tiên hàng năm của HĐND TP HCM từ năm 2013 của nhiệm kỳ thứ VIII (2011-2016) và HĐND xã, thị trấn từ năm nay.
Những người được HĐND TP HCM lấy và bỏ phiếu tín nhiệm gồm: chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên thường trực và trưởng ban của HĐND; chủ tịch, các phó chủ tịch và các ủy viên của UBND. Còn HĐND xã, thị trấn thực hiện việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ tương tự như trên.
Phó chủ tịch HĐND TP HCM Trương Thị Ánh cho biết, sẽ bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu HĐND bỏ phiếu "không tín nhiệm" thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu có trách nhiệm trình HĐND TP xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức.
Theo bà Ánh, việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND giúp người được lấy và bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.
“Đồng thời, làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá, bố trí và sử dụng cán bộ”, bà Ánh nói và cho biết việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm sẽ thực hiện công khai, dân chủ, công bằng, khách quan và đảm bảo đánh giá đúng người được lấy và bỏ phiếu tín nhiệm.
Theo VNE