Sau khi vụ nổ xảy ra, cơ quan chức năng đã vào cuộc khám nghiệm hiện trường và điều tra nguyên nhân vụ nổ. Mới đây, cảnh sát tiếp tục phát hiện thêm 2 căn nhà khác của ông Lê Minh Phương (thường gọi Phương “khói lửa”) nằm trên đường Hoàng Sa (P.8, Q.3) và Phạm Ngũ Lão (P.3, Q.Gò Vấp) và tìm thấy nhiều chất nghi là chất nổ.
Gần 1 tuần sau vụ nổ kinh hoàng làm chết 11 người, hẻm số 384 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa vẫn bị phong tỏa để cơ quan công an điều tra. |
Căn nhà tại địa chỉ số 42 Phạm Ngũ lão, Gò Vấp (shop Khánh Phương) nơi ông Phương "khói lửa" chứa nhiều đạo cụ nghi có chất nổ. |
Được biết, căn nhà nói trên do bà Mạc Thị Phước (vợ ông Phương) thuê lại của bà Nguyễn Thị Thúy Nga (ngụ tại Phước Lộc, Nhà Bè) từ tháng 5/2011 với mức giá 12 triệu đồng/tháng để làm cửa hàng thời trang.
Nhiều người dân sống gần khu vực này tỏ ra hoảng hốt khi nghe tin cảnh sát thu giữ được nhiều chất nghi nổ tại căn nhà mà bấy lâu nay họ vẫn chung sống sát vách.
Chị Chu Thị Vũ Hạnh Dung, một người hàng xóm sống sát vách căn nhà số 42 hoảng hốt cho biết, từ trước tới giờ chị sống ở đây thì chỉ biết vợ chồng ông Phương thuê căn nhà được hơn một năm dùng để làm tiệm bán quần áo. Khoảng vài tháng nay, tiệm thời trang này chuyển sang bán cơm tấm và sau đó đóng cửa. Căn nhà một lầu này do đó được sử dụng như nhà kho. Nhiều lần chị thấy vợ ông Phương cho xe chở bàn ghế, quần áo… về cất.
“Hôm qua thấy cảnh sát đến khám nghiệm và phát hiện nhiều chất nổ thì tôi như người mới từ cõi chết trở về, bấy lâu nay tôi không hề biết căn nhà này có chứa chất nổ. Gia đình tôi có 5 người, trong đó có ba mẹ già, nếu mà số thuốc nổ kia nó phát nổ như vụ nổ ở bên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì không biết gia đình tôi sẽ ra sao nữa” - chị Dung nói.
Cạnh đó, Công ty TNHH MTV Thiên Tuấn, chuyên kinh doanh hàng tiêu dùng, công ty này có hơn 30 nhân viên thường xuyên có mặt làm việc tại đây. Khi nghe tin cảnh sát phát hiện có nhiều chất nổ ở căn nhà số 42, nhiều người đã tỏ ra lo lắng và bất an khi nơi làm việc của mình sát với căn nhà có chứa nhiều chất nổ nguy hiểm.
Anh Hoàng Thế Việt, nhân viên công ty Thiên Tuấn cho biết: “Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng nên tăng cường công tác quản lí và xử lý triệt để những cá nhân, đơn vị có tàng trữ chất nổ nguy hiểm. Gần đây, tôi thấy báo chí nói nhiều về các vụ nổ gây chết người khiến dư luận lo lắng, hôm qua nghe mọi người nói cảnh sát thu giữ được nhiều chất nổ trong căn nhà số 42 gần nơi tôi làm việc nên càng khiến chúng tôi bất an hơn”.
Gia đình vợ chồng chị Trúc Anh (sống cạnh căn nhà 461 Hoàng Sa của ông Lê Minh Phương thuê hơn 10 năm nay) như những người vừa từ "cõi chết trở về". |
Vợ chồng chị Trúc Anh, ngụ tại địa chỉ 463 Hoàng Sa, phường 8, quận 3 (cạnh trụ sở Hãng phim Lạc Việt, nơi ông Phương thuê để làm nơi chứa đạo cụ phim trường và lực lượng công binh đã đưa ra một số thùng đựng chất gây nổ, trong số đó có nhiều trái đã phát nổ tại trụ sở Phòng khoa học kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM vào chiều 27/2) vẫn còn nguyên vẻ lo sợ kể lại: Ông Phương thuê căn nhà ở đây sống và làm việc từ hơn 10 năm nay.
Dù biết ông chuyên về lĩnh vực “đạn dược, khói lửa” nhưng chúng tôi và những người hàng xóm vẫn không nghĩ rằng nó khủng khiếp đến thế. Đến hôm xảy ra thảm nạn, vợ chồng chị mới sực nhớ đến “quả bom” sát nhà nên nhanh chóng khẩn báo công an địa phương...
“Tôi nghĩ gia đình tôi và những người hàng xóm may mắn vì ông Phương sống hàng chục năm ở đây mà chẳng hề hấn gì. Đến khi ông dọn ra ở hẻm 384 khoảng hơn 2 tháng thì xảy ra thảm nạn”, anh Được, chồng chị Trúc Anh chia sẻ.
Buông lỏng quản lý vật liệu nổ
Liên quan đến vụ cháy nổ làm 11 người chết, trong đó có 6 người của gia đình ông Lê Minh Phương (Phương "khói lửa”) và nhiều người bị thương, PV đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Dung, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an TP.HCM (PC64).
Đại tá Dung cho biết: Công ty TNHH sản xuất phim Lạc Việt (tên cũ là Công ty TNHH Tháp Đôi Phim) đăng ký địa chỉ tại số 62/135/45B Lý Chính Thắng (phường 8, quận 3), đăng ký kinh doanh lần đầu năm 2006 và đã thay đổi đăng ký kinh doanh chín lần.
Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là hoạt động bổ trợ cho công nghiệp phim ảnh và video; hoạt động kinh doanh bổ trợ cho sản xuất phim và biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, tạo hiệu ứng khói lửa cho phim và biểu diễn…
Ở lần thay đổi thứ tư vào năm 2007, ông Phương là người đại diện theo pháp luật. Trong số chức năng hoạt động, có “mua bán, sửa chữa, tân trang súng săn, súng hơi; sản xuất súng đạn, súng săn, đạn súng hơi”.
Ngoài ra, ông Phương còn tham gia thành lập hai công ty: Công ty CP Truyền thông Lạc Việt (trụ sở quận 12) và Công ty CP Công nghệ giải trí Lạc Việt (tại xã An Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM) do vợ ông Phương đứng tên.
Đến nay các công ty trên đều còn hoạt động nhưng không có công ty nào đăng ký hoạt động kinh doanh tại nơi xảy ra vụ nổ (384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3).
Đại tá Dung cũng cho biết thêm, theo quy định của Bộ Công an thì hoạt động của Công ty TNHH Sản xuất phim Lạc Việt không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự. Đồng thời, tuy đăng ký hoạt động “tạo hiệu ứng khói lửa cho phim” nhưng không có nghĩa công ty này được cơ quan chức năng cấp phép sử dụng vật liệu nổ để tạo hiệu ứng khói lửa.
Theo đại tá Dung thì các loại vũ khí quân dụng, vật liệu nổ quân dụng chỉ được cấp, sử dụng cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Với vật liệu nổ công nghiệp, chỉ có doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước (thuộc Bộ Quốc phòng) mới được sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp khác có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (như khai thác đá…) thì phải được cấp giấy phép đủ điều kiện về an ninh trật tự do Bộ Công an cấp.
Ngoài ra, muốn nổ mìn phải có giấy phép do Sở Công Thương tại địa phương tiến hành nổ mìn cấp. Bên cạnh đó, khi vận chuyển vật liệu nổ phải có giấy phép của Bộ Công an. Ngoài ra việc lưu trữ, cất giữ vật liệu nổ thì cũng phải theo đúng quy chuẩn về kho bãi, khoảng cách an toàn với khu dân cư…
“Không có công ty, hãng phim nào trên địa bàn TP được cấp phép sử dụng vật liệu nổ để tạo hiệu ứng khói lửa. Để tạo hiệu ứng khói lửa cho phim mà phải sử dụng đến vật liệu nổ thì hãng phim, công ty sản xuất phim trong nước chỉ có thể hợp đồng với cơ quan có thẩm quyền (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) thực hiện”, Đại tá Dung khẳng định.
Căn cứ vào các quy định của pháp luật đã nêu, Công ty Lạc Việt của gia đình ông Lê Minh Phương là công ty tư nhân nên không được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), nếu không được phép có nghĩa vi phạm pháp luật theo Pháp lệnh 16 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đến nay, các cơ quan chức năng vẫn đang tiến hành điều tra làm rõ loại vật liệu gì gây nổ (vật liệu nổ quân dụng hay hóa chất vì ông Phương biết quy trình tạo hiệu ứng nổ bằng hóa chất - PV), nguyên nhân nào dẫn đến phát nổ... Còn về trách nhiệm, theo đại tá Dung, tất nhiên địa phương nào để xảy ra tình trạng tàng trữ và xảy ra tai nạn liên quan đến VLNCN thì nơi đó chịu trách nhiệm.
Đám tang gia đình ông Phương "khói lửa". |
Trao đổi với PV, một cán bộ hưu trí phường 8, quận 3 bức xúc: "Ông giám đốc hãng phim Lê Minh Phương quá coi thường mạng sống của mình, gia đình và người dân khi đặt chất nổ đầy rẫy trong nhà ở khu dân cư và hậu quả ông ấy gây ra quá đau lòng. Tôi cảm nhận ông ấy chỉ biết nghĩ đến lợi ích của mình trong việc kinh doanh mà gây ra nỗi đau đớn, mất mát quá lớn cho xã hội. Vậy mà đám tang ông ấy được tổ chức như một “người hùng” thì thật là hết biết!”.
Theo Kienthuc