Nói lời dâm ô cũng là QRTD
Tội QRTD được quy định trong Luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ 1/5/2013. Vừa mới đây, trong Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động cũng quy định, QRTD tại nơi làm việc có thể bị phạt từ 50 - 70 triệu đồng. Đây có phải là những điểm mới được bổ sung vào luật ở Việt Nam thưa bà?
- Thực tế, QRTD trong lĩnh vực lao động ở Việt Nam có từ rất lâu và cũng khá phổ biến rồi. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu cụ thể nào chỉ ra số liệu bao nhiêu phần trăm người lao động bị QRTD, tập trung trong các ngành, lĩnh vực nào. Ở trên thế giới thì đây không phải là điều gì mới cả. Hành vi QRTD đã được quan tâm và rất nhiều đối tượng đã bị xử phạt. Tiếc là ở Việt Nam chưa có con số cụ thể.
Vì sao bây giờ chúng ta lại đưa vấn đề này vào luật ạ?
- Không phải tự nhiên người ta đưa vào trong luật điều này. Trước giờ chúng ta không có luật để điều chỉnh. Luật Lao động chỉ có điều khoản cấm người sử dụng lao động không tôn trọng nhân phẩm người lao động. Nhưng cũng chỉ là nói chung chung như thế thôi. Hơn nữa, ở Việt Nam, chưa có khái niệm chính thức thế nào là QRTD.
Bản thân tôi cũng chưa hiểu rõ, thế nào là QRTD đấy ạ!
- Định nghĩa QRTD rất rộng lớn. Mọi người đều mơ hồ về khái niệm này. Ở Việt Nam, chưa có khái niệm cụ thể về quấy rối tình dục, dù đã có luật quy định về tội quấy rối tình dục. QRTD gồm có 3 hình thức là bằng lời nói, bằng hành động cử chỉ và sử dụng mạng di động, internet làm công cụ. Hình thức lời nói thì những lời tán tỉnh trăng hoa tục tĩu dâm ô không được đối tượng đón nhận thì là QRTD.
Hình thức khác là hành động cử chỉ như sờ soạng, vuốt ve âu yếm mà nạn nhân phản ứng không thích. Nhìn chằm chằm vào các bộ phận nhạy cảm của đối tượng, nhìn một cách đểu cáng, dâm ô... mà đối tượng bị nhìn không đồng ý.
Cao nhất của hình thức này là hiếp dâm. Tin nhắn điện thoại, email, sử dụng các mạng xã hội... để gửi cho đối tượng những loại tranh ảnh khiêu dâm, lời nói thô tục... mà nạn nhân không thích, cảm thấy ghê tởm, không hài lòng thì đều là QRTD.
Nếu dựa vào khái niệm này để soi chiếu thì chắc là tình trạng QRTD ở Việt Nam khá phổ biến?
- Đúng thế. Qua các tài liệu nghiên cứu, phỏng vấn, tọa đàm sâu với 100 người thì chúng tôi thấy đây là vấn đề nóng bỏng ở Việt Nam. Nhiều người công nhận mình từng bị quấy rối tình dục, đồng nghiệp, người quen, hàng xóm của họ... là nạn nhân.
Đó là vấn đề đã tồn tại từ rất lâu, nhưng vì là vấn đề nhạy cảm, khó nói nên ít người dám nói. Vì sợ ảnh hưởng đến thanh danh, gây ra tai tiếng. Mà nói ra không biết có giải quyết được không, không biết nhờ cậy đến ai.
Bà Nguyễn Kim Lan, Điều phối viên Dự án Quốc gia Giới và Việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam. |
Ít ai nhận mình bị quấy rối
Nạn nhân bị QRTD hẳn là cũng ngại tố cáo người quấy rối mình?
- Đó là vấn đề tế nhị. Nhiều trường hợp, nạn nhân cứ im lặng, nên không ai biết. Họ cảm thấy xấu hổ, thanh danh ảnh hưởng, có khi ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình sau này. Với người mới tham gia thị trường lao động, việc tìm kiếm việc làm vốn đã khó. Kiện cáo dẫn đến mất việc thì cũng chết.
Hoặc có nhiều người bị quấy rối một tí nhưng có cơ hội học hành, đi đây đi đó, thăng quan tiến chức. QRTD có nhiều loại, có loại QRTD đánh đổi, để có cơ hội thăng tiến tốt hơn, công việc tốt hơn.
Nạn nhân của QRTD có phải chỉ là phụ nữ không ạ?
- Tất cả mọi người đều có thể là nạn nhân của QRTD, bất kể già trẻ, nam nữ, làm việc trong bất cứ lĩnh vực nào. Nam giới cũng là nạn nhân, nhưng số lượng nạn nhân nữ nhiều hơn và chiếm đa số. Sếp nữ quấy rối nam nhân viên có, đồng nghiệp nữ quấy rối đồng nghiệp nam cũng có. Nhưng đa số là nhân viên nữ ở độ tuổi 20 - 35.
Có thể nói tình trạng QRTD diễn ra phổ biến, thế nhưng như bà vừa nói, hiện ở Việt Nam lại chưa có định nghĩa thế nào là QRTD, thế thì làm sao xử phạt được?
- Nếu không có một định nghĩa để căn cứ thế nào là QRTD thì rất khó, càng khó hơn để căn cứ mức xử phạt. Khi nào thì phạt 50 triệu đồng, khi nào thì phạt 75 triệu đồng, sẽ rất khó. Có luật là đã mừng lắm rồi. Nhưng luật phải rõ ràng hơn nữa thì mới có thể thực thi được. Khi đó, luật mới thực sự có tác dụng.
Số tiền xử phạt đó có quá nhiều không? Phạt nhiều như thế thì có khả thi?
- Tôi chưa thể nhận xét hay bình luận gì về mức phạt này. Nhưng với một Nghị định mà đã đưa ra hình thức xử phạt chứng tỏ pháp luật đã lên tiếng bảo vệ người lao động là rất đáng mừng. Nó như một hồi chuông đánh động cho những người đang là thủ phạm. Họ phải dừng lại và xem lại hành vi của mình.
Có luật, nhưng khó thực thi
Thực tế nhiều như vậy thì ở Việt Nam, đã có trường hợp nào bị xử lý vì tội QRTD chưa ạ?
- Cũng có nhiều cách để họ xử lý. Có thể căn cứ vào luật công nhân viên chức mà họ áp dụng hình thức xử phạt nào đó như nếu dính dáng đến việc đó thì sẽ không được thăng chức, bị trừ lương chẳng hạn... Ở mức độ cao hơn là hiếp dâm thì bộ luật Hình sự cũng đã có các điều khoản điều chỉnh.
Kể cả chưa có khái niệm QRTD thì trong luật cũng chưa chỉ rõ các yếu tố liên quan đến hành vi này. Giả sử một người bị tố cáo là có QRTD nhưng họ cãi rằng có sự đồng ý của bên kia, thì liệu có phạt được họ?
- Thông số quan trọng nhất là đối tượng bị QRTD không thích, không hài lòng, không đồng ý thì mới bị kết tội là QRTD. Nếu đôi bên đều cảm thấy vui vẻ, không phản ứng khó chịu thì không phải là QRTD. Thực ra ranh giới của điều này cũng rất là mong manh. Bởi có những trường hợp, đồng ý bị quấy rối để có được công việc hay vị trí tốt hơn.
Thế nhưng để chứng minh mình đang phải chịu đựng, chứ không phải là "thỏa thuận" để có công việc tốt hơn, xem ra cũng khó?
- Đó cũng là việc rất khó. Nếu nạn nhân muốn tố cáo thì họ phải thu thập chứng cứ. QRTD diễn ra trong những trường hợp cá nhân thì buộc họ phải tự tìm bằng chứng để bảo vệ mình. Những tin nhắn tranh ảnh khiêu dâm thì phải giữ lấy để tố cáo.
Ở các nước khác, mức phạt tội QRTD như thế nào thưa bà?
- Họ có rất nhiều các mức phạt tùy thuộc tội danh. Ở hình thức cao nhất là hiếp dâm thì bị truy tố theo luật hình sự. Ở các mức độ khác thì bị xử phạt hành chính, ví dụ như đối tượng có thể bị sa thải, bị phạt tiền, không thăng quan tiến chức được...
Theo bà, việc áp dụng khái niệm QRTD của quốc tế vào Việt Nam có khó không? Liệu có phù hợp không?
Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã có nhiều ưu việt so với nhiều nước khác. Nhưng để luật có thể thực thi thì phải có định nghĩa riêng thế nào là QRTD dựa trên định nghĩa quốc tế đang dùng. Có thể chỉnh sửa, biên soạn lại để phù hợp với văn hóa của Việt Nam. Khi đó mới có thể đưa luật được vào cuộc sống. Khi chưa có một định nghĩa thế nào là QRTD thì chưa thể đưa luật vào cuộc sống được.
Xin cảm ơn bà!
Luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ 1/5/2013 là đã có hiệu lực, nhưng đến nay vẫn chưa có những quy định chi tiết, cụ thể về điều khoản bảo vệ người lao động trong việc QRTD nơi làm việc. Luật được thực thi như thế nào thì phải chờ vào thời gian. Có thể những trường hợp ban đầu sẽ được xử lý dần dần, sau đó mới phát sinh các nghị định hướng dẫn luật kèm theo. Nếu không có một định nghĩa chính thức thế nào là QRTD thì sẽ dẫn đến những tranh cãi khó giải quyết. |
Theo Kienthuc