Ghi tên mình trên…tường
Những dãy nhà 2-3 tầng, xây dựng kiên cố mọc lên ven quốc lộ 23B thuộc địa phận xã Thanh Lâm ngày càng nhiều, nhưng…không có số.
Những căn nhà không số như vậy khá nhiều tại các tổ dân cư số 1, 2, 3, 4 thuộc khu đường 23 xã Thanh Lâm, có điểm đầu là Bệnh viện đa khoa Mê Linh, điểm cuối giáp với phường Hùng Vương, thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Người dân nơi đây sau bao lần lên tiếng vẫn đành chấp nhận sống…không địa chỉ liên lạc, không thư từ.
Ảnh minh họa |
Khu đường 23 xã Thanh Lâm hiện có 4 tổ dân cư với 151 hộ gia đình sinh sống và làm việc ổn định từ những năm 1970 đến nay, thế nhưng vẫn chưa được UBND huyện Mê Linh công nhận là một thôn hay một tổ dân phố, nên chưa có…tên gọi chính thức.
Vì thiếu tên gọi chính thức nên nhiều khi hồ sơ giấy tờ phải lấy theo địa chỉ tạm thời mà xã Thanh Lâm gọi là “Khu đường 23”. Đăng ký khai sinh cho trẻ, địa chỉ cũng ghi là “Khu đường 23”.
Nhưng ngay cả cái tên gọi này cũng chưa ổn vì tuyến đường 23B chạy dài từ cây si Tiền Châu (Vĩnh Phúc) đến Trạm biến thế Đông Anh (huyện Đông Anh- Hà Nội), cho nên nếu hỏi địa chỉ “Khu đường 23” ai ai cũng lắc đầu ngơ ngác. Nhiều nhà dân đã có “sáng kiến” ghi tên mình… trên tường ngay cạnh nút bấm chuông!
Tiếp tục…đợi
Năm 2004, Nghị quyết Hội đồng nhân dân xã đề ra đặt tên thôn cho Khu đường 23 địa phận xã Thanh Lâm ngay trong năm, thế nhưng cho đến nay dân vẫn tiếp tục…đợi. Lý do: Ranh giới dân cư giữa Khu đường 23 và thôn Phú Hữu, Phú Lộc chưa rõ ràng và tổng số hộ gia đình sinh sống ven đường 23B đến nay vẫn chưa đủ để thành lập một thôn hoặc một tổ dân phố mới.
Vì chưa danh chính ngôn thuận nên rất khó xin cấp phép xây dựng Nhà văn hóa Khu đường 23 làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho thiếu niên, nhi đồng và 151 hộ dân. Giải quyết thủ tục hành chính, chế độ hưu trí, quy hoạch nông thôn mới…đều gặp vướng mắc. Người dân tiếp tục sống không địa chỉ liên lạc, không thư từ.
Theo Kienthuc